"Gọi trò" phía... dãy Giăng Màn

  • 07:52 | Thứ Ba, 13/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, suối sâu, vực thẳm và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu... đã khiến con đường đến trường của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dưới dãy núi Giăng Màn (Minh Hóa) vất vả hơn nhiều nơi khác. Vì vậy, bên cạnh việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức thì hoạt động "gọi trò" tại nhiều trường ở đây cũng được đặt thành nhiệm vụ quan trọng.
 
Ở ven dãy núi Giăng Màn có khá đông đồng bào DTTS sinh sống với các tộc người: Mày, Khùa, Sách, Rục... Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều ngôi trường đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu về học tập, nâng cao trình độ kiến thức cho người dân nơi đây.
 
Thầy giáo Cao Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS số 2 Trọng Hóa cho biết, ngay sau buổi lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, tại khu vực Cà Chăm và Si có một hộ dân tổ chức đám cưới trong vòng nhiều ngày. Nhiều gia đình người Mày, Khùa ở vùng Lòm đã tự cho con mình nghỉ học để đi dự đám cưới này.
 
Khi nắm được thông tin, nhà trường đã báo cáo nhanh cho Đồn Biên phòng Ra Mai, chính quyền xã Trọng Hóa khẩn trương bố trí lực lượng phối hợp đi vận động các học sinh trở lại trường. Dịp đó, chúng tôi đã "gọi" được trên 50 học sinh của 2 cấp tại các bản trở lại trường, lớp để học chữ sau 3-5 ngày nghỉ học không xin phép. 
Một tiết học tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS số 2 Trọng Hóa.
Một tiết học tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS số 2 Trọng Hóa.

Thầy giáo Chinh chia sẻ, nhà trường hiện có 59 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 288 học sinh tiểu học, 205 học sinh THCS (chủ yếu là người Khùa, Mày).

Hiện nay, ngoài điểm trường chính thì nhà trường còn có 7 điểm trường lẻ. Các điểm trường này nằm cách xa so với điểm trường chính, như: Lòm cách 18km, Dộ-Tà Vờng 16km, Cha Cáp 8km, Si Mới 5km...

Vì nhiều nguyên nhân như việc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, ngày lễ thờ cúng của đồng bào nơi đây thường kéo dài; đường sá đi lại khó khăn, mưa lũ làm ngập các ngầm tràn, khe suối bất ngờ trong nhiều ngày cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh vùng đồng bào DTTS tự cho con em của mình nghỉ học để phụ giúp cha mẹ trông em, thu hoạch mùa vụ, lên rừng lấy cây chổi đót, lá dong... về bán.

"Do có sự đặc thù, việc "gọi trò" tại các xã vùng biên dọc theo dãy núi Giăng Màn luôn được các nhà trường nơi đây đưa vào kế hoạch hoạt động trọng tâm trong năm để duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy học hiệu quả. Ngoài ra, toàn bộ các trường trong khu vực còn bổ sung kế hoạch phụ đạo, dạy bù, tăng cường dạy thêm bộ môn tiếng Việt để học sinh vùng DTTS có thêm cơ hội được học tập đầy đủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tiếp thu kiến thức được tốt hơn...", ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Minh Hóa cho biết.
Những năm qua, ngoài việc phân công nhiệm vụ "gọi trò" cụ thể cho từng giáo viên chủ nhiệm, tổ chức công đoàn nhà trường, trường còn phân công cho các giáo viên cắm bản phải thường xuyên theo dõi, phối hợp để nắm chắc các trường hợp nghỉ học không xin phép, từ đó có kế hoạch vận động các em trở lại trường thường xuyên hơn.
 
Đơn cử tại điểm trường Lòm, chúng tôi phân công cho thầy giáo Đinh Ngọc Tú làm tổ trưởng, điểm trường Dộ-Tà Vờng do thầy giáo Cao Văn Bảo làm tổ trưởng...
 
Trước thực trạng nói trên, nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch, triển khai "gọi trò" rất bài bản, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở mỗi thôn, bản cũng như văn hóa của đồng bào DTTS. Đặc biệt, nhiều nhà trường còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ này thường xuyên, hiệu quả hơn.
 
Vinh Long

tin liên quan

Cùng học sinh, sinh viên đến trường

(QBĐT) - Nhằm giúp những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay tiền theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã được triển khai. Sau 20 năm thực hiện, gói vay đã giúp hàng nghìn em được tiếp tục đến trường để thực hiện ước mơ của bản thân.

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập khó khăn do COVID-19

Người được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(QBĐT) - Phát huy truyền thống đáng tự hào, những năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục Bố Trạch đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Chất lượng đại trà được duy trì, củng cố, giáo dục mũi nhọn nâng cao, phương pháp giáo dục lấy học sinh (HS) làm trung tâm được triển khai sâu rộng, hiệu quả.