Tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 577 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và 151 trung tâm học tập cộng đồng, 47 trung tâm ngoại ngữ-tin học/trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động.
Toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đã điều chuyển 42 viên chức trong các đơn vị trực thuộc (38 giáo viên, 4 nhân viên) từ nơi thừa sang nơi thiếu để cân đối biên chế. Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp tạm thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế và tăng cường các hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Các đơn vị đã sắp xếp, bố trí để cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị do UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với các trường chưa đạt chuẩn, các trường quá thời gian công nhận nhưng chưa đăng ký hồ sơ để được đánh giá công nhận lại…
Từ đầu năm học đến nay, ngành GD-ĐT có nhiều giải pháp nhằm phát triển bộ môn Tiếng Anh trong bậc học mầm non và chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3; Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 4, lớp 5; tổ chức các lớp tập huấn về giáo dục địa phương lớp 6, lớp 7; điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp THPT và xây dựng ma trận, đặc tả bài kiểm tra định kỳ các môn học cấp THCS...
Đặc biệt, toàn ngành tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Dạy tốt-Học tốt” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngành cũng phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.