CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT LỆ THỦY

Ngôi trường bên dòng Kiến Giang…

  • 07:40 | Thứ Tư, 09/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trường THPT Lệ Thủy tiền thân là Trường cấp 3 Lệ Thủy được thành lập năm 1962 trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng. Trải qua những bước thăng trầm gắn liền với lịch sử quê hương, đất nước, các thế hệ thầy và trò luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, gian khổ; tự khẳng định mình qua từng giai đoạn phát triển để xây dựng Trường THPT Lệ Thủy trở thành một trong những ngôi trường chất lượng, uy tín hàng đầu của tỉnh Quảng Bình….
 
Hành trình 60 năm ươm mầm…
 
Trường cấp 3 Lệ Thủy khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9/1962 chỉ với 2 lớp 8, 86 học sinh cùng biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy và trò đã đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, thực hiện tốt nguyên lý giáo dục của Đảng là “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.
 
Đến năm học 1964-1965, trường đã trở thành một trường cấp 3 hoàn chỉnh với 7 lớp (3 lớp 8, 2 lớp 9 và 2 lớp 10). Kết thúc năm học, 86 học sinh khóa đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy đều đỗ tốt nghiệp, hầu hết được vào đại học, đi học ở nước ngoài. Năm 1965, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ nổ ra, trường phải sơ tán và phân tán về các xã: An Thủy, Liên Thủy, Hồng Thủy nhưng kết thúc năm học vẫn có trên 95% học sinh đỗ tốt nghiệp.
 
Những năm 1967-1968, nhà trường được lệnh sơ tán ra vùng núi xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa). Lớp học giữa rừng sâu, biết bao khó khăn nhưng nhà trường thường xuyên giáo dục học sinh ý thức kỷ luật thời chiến ở nơi sơ tán, bảo đảm an toàn nhưng vẫn duy trì hoạt động dạy và học.Trong hai năm sơ tán ở xã Ngư Hóa, thầy và trò nhà trường đã được Ty Giáo dục Quảng Bình ghi nhận, đánh giá là trường tiên tiến xuất sắc, được UBND tỉnh và Bộ Giáo dục tặng bằng khen. Điều đáng tự hào là từ dưới các lán học giữa núi rừng đại ngàn, hàng trăm học sinh đã được vào các trường đại học, nhiều học sinh được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
 
Năm 1969, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, trường trở lại bên dòng Kiến Giang trong sự đùm bọc yêu thương của nhân dân, sự chăm lo của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Nhiệm vụ chính lúc này là vừa học tập vừa sản xuất, tự túc lương thực. Trong khó khăn, gian khổ, thầy trò vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” và đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. 
 
Năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Các lớp học lại phải sơ tán vào các khu dân cư, dạy và học trong những nhà hầm dưới lòng đất. Không quản ngại nguy hiểm tính mạng, thầy cô vẫn ngày đêm đến với từng căn hầm để động viên, duy trì phong trào học tập của các nhóm, tổ học sinh. Cũng trong những năm tháng này, hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng nghìn học sinh của Trường cấp 3 Lệ Thủy đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B, tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.
 
Đất nước độc lập, thống nhất, phong trào xã hội hóa giáo dục được phát động; mỗi xã, hợp tác xã xung phong đảm nhận xây dựng một phòng học. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, hàng chục phòng học, nhà làm việc, khu nội trú đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho quy mô của một trường lớn trên 30 lớp. Trường đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục lớn của huyện nhà.
 
Khi tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, trường được mang tên là Trường PTTH số 1 Lệ Ninh, được đầu tư xây dựng 2 dãy nhà 2 tầng khang trang. Trường tiếp tục phát huy truyền thống “Dạy tốt-Học tốt”, luôn là một trong những trường có chất lượng giáo dục cao, một điểm sáng của giáo dục Bình Trị Thiên. 
 
Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bắt nhịp với yêu cầu của thời đại, thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy đã tích cực đổi mới cách dạy, cách học, xây dựng nhà trường văn hóa. Nhờ thế, chất lượng dạy và học được giữ vững và từng bước nâng cao. Đội ngũ giáo viên của trường ngày càng được trẻ hóa, chuẩn hóa, có trình độ học vấn cao. Từ đây tên tuổi và đội ngũ giáo viên của Trường THPT Lệ Thủy luôn là niềm tự hào của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh tỉnh nhà. Trường là một trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh Quảng Bình, địa chỉ uy tín được phụ huynh và học sinh tin yêu…
Tập thể sư phạm Trường THPT Lệ Thủy chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.
Tập thể sư phạm Trường THPT Lệ Thủy chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.

Tự hào là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài…

Hiện nay, Trường THPT Lệ Thủy có quy mô 30 lớp với 1.255 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên của trường là 70, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 62 giáo viên và 5 nhân viên. Số cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ là 24, đạt tỷ lệ gần 34,3%; 100% giáo viên có năng lực chuyên môn khá, giỏi.
 
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng lên, tỷ lệ lên lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh khá giỏi trên 98%, trong đó loại giỏi trên 57%, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt trên 99,5%. Trường THPT Lệ Thủy là một trong những trường có kết quả cao hàng đầu trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh. Tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học đạt trên 85%. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ ngày càng được đẩy mạnh.
 
Với bề dày 60 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo gần 30.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, công tác ở mọi miền Tổ quốc. Nhiều học sinh cũ của trường là giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, giám đốc, tổng giám đốc, chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt, như: GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội; nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Đỗ Quý Doãn; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức; nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên...
 
Và, ngôi trường bên dòng Kiến Giang cũng đã nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho bao nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trên văn đàn thi ca Việt Nam, như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thế Tường, Thai Sắc...
 
Mục tiêu phấn đấu và định hướng của Trường THPT Lệ Thủy trong những năm tới, đó là: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chuyên môn, nhiệt tình, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả dạy và học; đào tạo những công dân tương lai được phát triển toàn diện, mạnh về thể chất, sáng về trí lực, có lối sống lành mạnh, có kỹ năng sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để tạo dựng thành công cuộc sống thời hội nhập; tiếp tục xây dựng trường ngày càng phát triển, giữ vững vị trí dẫn đầu các trường THPT không chuyên của tỉnh Quảng Bình; tích cực huy động mọi nguồn lực, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 3…
 
60 năm xây dựng, phát triển, Trường THPT Lệ Thủy đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, hạng Nhì năm 2013; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 bằng khen; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 7 bằng khen; Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch tặng 2 bằng khen; UBND tỉnh Quảng Bình 2 lần tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu khối THPT”, 19 bằng khen về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào thể dục-thể thao, trường tiên tiến xuất sắc; 47 năm trường đạt danh hiệu "Tập thể tiên tiến"; Công đoàn nhà trường nhiều năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng cờ thi đua, bằng khen; Đoàn trường 5 lần được Trung ương Đoàn tặng Cờ luân lưu mang chân dung Bác, 26 bằng khen, cờ đơn vị dẫn đầu khối Đoàn trường học trong toàn tỉnh…
 
Hà Văn Trung
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thủy

tin liên quan

"Nới" quy định số lượng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia

Theo dự thảo quy chế mới, các đội tuyển có thể được xét tăng số lượng thí sinh dự thi khi có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp bất kỳ.

Phát động cuộc thi viết nét đẹp thầy trò trong thiếu nhi cả nước

Cuộc thi là hoạt động để thiếu nhi nói riêng và cộng đồng nói chung thể hiện tình cảm tốt đẹp tới các thầy, cô giáo và mái trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của học sinh.

Lan tỏa các phong trào thi đua

(QBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt", nhiều năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động.