Khai thác tiềm năng, trí tuệ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo
(QBĐT) - Nhằm khai thác tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên (HS, SV) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Bình lần thứ III năm 2022. 14 thiết bị tham gia dự thi, trong đó có 2 thiết bị xuất sắc giành giải nhất chính là quả ngọt của đội ngũ các nhà giáo GDNN trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Từ sa bàn các điểm đến du lịch Quảng Bình…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn, làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Để nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp dạy học mới, bảo đảm tính thực tiễn cao, giảm giá thành sản phẩm đồng thời làm phong phú thêm thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo. Mô hình “Sa bàn các điểm đến du lịch tỉnh Quảng Bình” của nhóm tác giả Trần Phương Thúy, Lê Vân, Võ Thị Thu Hà, Mai Ngọc Tân (Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình) là 1 trong 2 thiết bị giành giải nhất tại hội thi.
Giảng viên Trần Phương Thúy, Trưởng khoa Du lịch-Dịch vụ và cơ bản, chủ nhiệm mô hình cho biết, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng và 6 tháng bắt tay vào triển khai thực hiện, mô hình đã hoàn thành. Mô hình được thiết kế dựa trên bản đồ và thực tế địa hình, các điểm đến du lịch của Quảng Bình kết hợp với sự kế thừa kiểu sa bàn cổ điển thường dùng trong các bảo tàng và ứng dụng công nghệ 3D.
Dữ liệu thông tin được cập nhật thông qua QR code nên thông tin được đa dạng hỗ trợ, như: Âm thanh, video, VR360 giúp cho bài giảng được trực quan và sinh động hơn. Đây là xu hướng tiếp cận công nghệ trong quá trình giảng dạy và tạo được hứng thú cho HS, SV. Thay vì phải đi thực tế đến từng địa điểm du lịch để tìm hiểu, sử dụng máy chiếu giới thiệu từng địa chỉ, thì thông qua sa bàn này, người học có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng hiệu quả mang lại vẫn cao.
Mô hình được cấu tạo có 3 phần chính: Khung bao che, điện và nội dung ghi chú thông tin. Trên mô hình sa bàn được bố trí 20 điểm tiêu biểu của du lịch Quảng Bình. Thông qua sa bàn này, giáo viên giới thiệu các điểm du lịch cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và các điểm mua sắm được kết nối với điểm du lịch. Mô hình được thiết kế có tổng trị giá gần 44 triệu đồng, giảm gần một nửa giá thành nhiều sản phẩm tương tự đang bán trên thị trường.
“Mô hình được áp dụng giảng dạy trong nhiều bộ môn khác nhau với các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Đặc biệt với mô hình này, khi thuyết minh các điểm đến, giáo viên sử dụng đèn điện 12V để chỉ dẫn một cách chi tiết, cụ thể, dễ nhớ. Khi giới thiệu một điểm du lịch nào đó trên sa bàn, giáo viên bật đèn bằng công tắc tương ứng để lưu ý vị trí của điểm du lịch trên sa bàn”, giảng viên Trần Phương Thúy cho biết thêm.
…đến “PLC-HMI-SCADA” phục vụ giảng dạy nghề điện công nghiệp
Mới đây, nhóm giáo viên Khoa Điện-Cơ khí, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 đã có những sáng kiến và giải pháp tích cực trong khâu thiết kế mô hình đào tạo nghề điện công nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại nhà trường, hướng đến bảo đảm chuẩn đầu ra, HS sau khi ra trường có thể trực tiếp tham gia được ngay vào dây chuyền sản xuất của nhà máy. Nhóm đã thiết kế và thi công hoàn thiện thiết bị đào tạo tự làm “PLC-HMI-SCADA” phục vụ giảng dạy nghề điện công nghiệp. Mô hình này cũng đã giành giải nhất tại hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Bình lần thứ III năm 2022 vừa qua.
Theo thầy giáo Hoàng Anh Đức, trưởng nhóm tác giả, thiết bị đào tạo được lập trình điều khiển dùng PLC, truyền động điện tự động, giám sát trên màn hình HMI. Người dạy có thể điều khiển được qua màn hình máy tính hoặc điện thoại với hệ SCADA trên nền tảng WinCC của hãng Siemens (Đức). Thiết bị “PLC-HMI-SCADA” có nghĩa: PLC là bộ điều khiển logic khả trình, HMI là giao diện người-máy, SCADA là bộ điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu.
Mô hình được cấu thành từ hai bộ phận chính: Mô hình trung tâm và mô hình ghép nối. Mô hình ghép nối được hiểu là những mô hình có thể ghép được với mô hình trung tâm về phần cơ khí và phần điều khiển. Ở đây, nhóm đã thiết kế một mô hình điều khiển ghép nối là “Điều khiển bơm nước cấp theo cảm biến mức chất lỏng hoặc cảm biến áp suất đường ống”.
Ưu điểm của mô hình là tạo được sự hứng thú cho người học trong từng môn học, trên từng mô đun bài giảng nghề điện công nghiệp, như: Khí cụ điện, điều khiển khí nén, đo lường điện, truyền động điện, đồng thời bảo quản tốt thiết bị hơn với môi trường nhà xưởng. Sau giảng dạy, mô hình tự động thu thiết bị lại và khép kín trong hộp, hạn chế tiếp xúc thiết bị với môi trường xung quanh.
Thầy giáo Trương Văn Huỳnh cho biết: “Thiết bị đào tạo PLC-HMI-SCADA thực hiện chức năng tương tự như một hệ thống điều khiển công nghiệp, vì vậy, giá trị của các khí cụ điện và thiết bị là rất cao. Tuy nhiên, vì nhà trường có một số đối tác là các đơn vị sản xuất công nghiệp nên được mua lại và hỗ trợ các thiết bị đã qua sử dụng với giá thành rẻ, bảo đảm hoạt động tốt. Với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy nghề điện công nghiệp kết hợp với hợp tác doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa xí nghiệp công nghiệp, nhóm chúng tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, từ đó thiết kế được thiết bị đào tạo theo hướng ứng dụng sát với thực tế, hình thành kỹ năng thực chiến cho người học, như: Đấu nối được dây dẫn mạch động lực, mạch điều khiển, lập trình PLC, lập trình HMI, điều khiển khí nén, điều khiển máy điện”.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng bậc cao, có khả năng làm chủ được công nghệ hiện đại, đáp ứng sự chuyển biến ứng dụng công nghệ 4.0 tại các doanh nghiệp luôn được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Bình hiện đang trở thành sân chơi bổ ích, khai thác được tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo, giúp các giảng viên, giáo viên tại các cơ sở GDNN thường xuyên trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế, cải tiến thiết bị giảng dạy. Đây cũng là dịp để lựa chọn được các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng, hiệu quả để tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia lần thứ VII tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 10/2022.
Diệu Hương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.