Tinh giản biên chế ngành Giáo dục: Cần chính sách đặc thù

  • 07:32 | Thứ Ba, 29/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Đội ngũ giáo viên (GV) được xem là yếu tố có tính quyết định để đổi mới giáo dục thành công. Tuy nhiên, vấn đề thiếu GV ở các cấp học đang là thực trạng phổ biến và kéo dài ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Bình. Mặc dù các cơ sở giáo dục, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng chưa thể khắc phục, nhất là khi các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu GV vừa phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Điều đó đặt ra cho ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và các địa phương cần có những giải pháp mang tính lâu dài để khắc phục tình trạng trên nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT.
 
P.V: Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngành GD-ĐT Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác đang đứng trước khó khăn là thiếu GV. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế (trong đó yêu cầu đến năm 2021, mỗi năm, bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015), ngày 4/8/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1389/UBND-NC quy định về định mức biên chế GV, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT, quy định cụ thể như sau:
 
Định mức GV: Mỗi lớp/nhóm lớp giảm 0,1 GV so với quy định của Bộ GD-ĐT, cứ 10 lớp/nhóm lớp, giảm 1 GV (ví dụ ở bậc THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT là 2,25 GV/lớp, nhưng theo quy định của UBND tỉnh là 2,15 GV/lớp).
 
Định mức nhân viên: Trong các trường, cơ sở giáo dục phổ thông giảm 1 biên chế so với định mức tối đa theo quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng các trường tiểu học có 27 lớp trở xuống đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố và 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
 
Từ năm học 2017-2018 đến nay, để giao biên chế cho ngành GD-ĐT, UBND tỉnh áp dụng quy định định mức trên.
Thiếu nhân lực nên nhiều GV các trường học phải làm việc quá thời gian quy định, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thiếu nhân lực nên nhiều GV các trường học phải làm việc quá thời gian quy định, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngày 25/11/2021, Bộ Nội vụ có Công văn số 5954/BNV-TCBC về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Quảng Bình năm 2022, trong đó chỉ đạo từ năm 2021-2025 số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên giảm 10%.
 
Thực hiện các quy định trên, đến năm học 2021-2022, biên chế ngành GD-ĐT cắt giảm so với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, ngày 12/7/2017 của Bộ GD-ĐT:
 
Theo quy định của UBND tỉnh, giảm 979 biên chế, trong đó, 788 biên chế GV (mầm non: 211, tiểu học: 350, THCS: 143, THPT: 84) và 191 nhân viên. Theo quy định của Bộ Nội vụ, mỗi năm cắt giảm 2% (năm 2021), năm 2022, cắt giảm 339 biên chế (mầm non: 101, tiểu học: 123, THCS: 73, THPT: 42).
 
Ngoài ra, năm học 2021-2022, toàn tỉnh tăng 186 lớp, nhóm lớp nhưng chưa được giao biên chế, trong khi 186 lớp tính theo định mức quy định cần 283 biên chế GV.

Như vậy cho đến nay, ngành GD-ĐT Quảng Bình cắt giảm tổng cộng 1.603 biên chế so với quy định, trong đó có 1.412 GV (mầm non: 386 GV, tiểu học: 719, THCS: 200, THPT: 107) và 191 nhân viên trên tổng số nhu cầu là 18.225, chiếm tỷ lệ 8,8%.

P.V: Thực hiện cắt giảm biên chế, ngành GD-ĐT đã gặp những khó khăn và phải nỗ lực như thế nào để bảo đảm hoạt động dạy học, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Tuấn: Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế. Ngành đã tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, GD-ĐT là ngành có tính đặc thù nên để giao biên chế cho ngành thì cần phải có định mức quy định, định mức đó nên căn cứ trên số học sinh, số lớp, hạng trường...
 
Trên thực tế, khi thực hiện cắt giảm biên chế, ngành GD-ĐT gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định, cán bộ quản lý, GV, nhân viên phải làm việc vượt định mức giờ lao động theo quy định, trong khi không có kinh phí để trả thêm giờ vượt định mức; thiếu một số vị trí việc làm nên phải bố trí GV hoặc nhân viên có chuyên môn khác kiêm nhiệm. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định có một số bộ môn mới nhưng hiện nay, các trường, các địa phương chưa tuyển dụng, chưa chuẩn bị được đội ngũ để đảm nhận những bộ môn mới này…
 
Trước những khó khăn đó, các cơ sở giáo dục, địa phương đã có một số giải pháp, như: Dồn lớp, tăng số học sinh/lớp vượt quá quy định của Bộ GD-ĐT, bố trí GV dạy liên trường, nhân viên liên trường, có nơi phải bố trí GV dạy chéo chuyên ngành đào tạo, giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ. Nhiều đơn vị không bổ nhiệm chức danh phó hiệu trưởng hoặc phải bố trí hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trực tiếp đứng lớp vượt định mức giờ quy định và cử GV tham gia các khóa bồi dưỡng để kiêm nhiệm những bộ môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
 
P.V: Theo ông, làm thế nào để giải bài toán thiếu GV nhằm bảo đảm chất lượng dạy học?
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Cần khẳng định, việc tinh giản biên chế đối với ngành GD-ĐT theo đúng chủ trương là điều phải làm. Vì vậy, các địa phương, các cơ sở giáo dục phải bố trí, sắp sếp cơ cấu GV phù hợp; tiếp tục rà soát, sáp nhập những trường có quy môn nhỏ để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những vị trí kiêm nhiệm cần cử đi bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.
 
Tuy nhiên, tình trạng thiếu GV và bảo đảm chất lượng giáo dục là hai mặt của một vấn đề dạy học, chất lượng giáo dục khó có thể bảo đảm nếu thiếu GV. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét không nên cắt giảm biên chế của ngành GD-ĐT một cách cơ học, khi quy mô học sinh, lớp tăng thì phải bổ sung biên chế GV để thực hiện nhiệm vụ dạy học theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 3/7/2020 của Chính phủ “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
 
P.V: Xin cảm ơn ông!
 
Tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức (25/2), Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã làm việc và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông. Bên cạnh đó, cũng xem xét, bổ sung chính sách tiền lương, phụ cấp nhất là phụ cấp ưu đãi với nhà giáo theo các cấp học.
Nh. V

tin liên quan

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia THPT

Bộ Giáo dục và Đạo tạo vừa công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp Trung học Phổ thông năm học 2021-2022.

Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030".

Tăng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.