Huyện Minh Hóa:

Khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến

  • 08:14 | Thứ Sáu, 01/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, từ ngày 20-9, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Minh Hóa đã bắt đầu năm học mới 2021-2022, nhưng tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp nên các trường học phải tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học linh hoạt. Tuy nhiên, với một huyện miền núi như Minh Hóa, việc dạy học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn khi phần lớn học sinh thiếu phương tiện, thiết bị để học…
 
Chỉ 50% học sinh đủ điều kiện
 
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các trường học phải tổ chức dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nhiều học sinh ở các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Minh Hóa thiếu phương tiện, thiết bị nên việc dạy và học online không thể tiến hành được.
 
Thầy giáo Cao Viết Hương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học (TH) và THCS số 2 Trọng Hóa chia sẻ: “Nhà trường có 494 học sinh, trong đó khối TH có 207 em, khối THCS có 287 em, 100% là con em đồng bào DTTS, gia đình khó khăn không có thiết bị, phương tiện, mạng internet nên việc học online không thể tiến hành. Hiện, nhà trường chỉ mới in ấn tài liệu, hướng dẫn các em ôn tập những kiến thức cũ. Để theo kịp chương trình năm học, nhà trường bắt buộc phải tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh”.
Các em học sinh ở Minh Hoá học trực tuyến. Phan Phương
Các em học sinh ở Minh Hoá học trực tuyến.
Trường TH số 2 Trung Hóa có 195 học sinh chia làm 10 lớp, nhưng theo khảo sát thì không có học sinh nào có máy tính, chỉ có 70% học sinh sử dụng điện thoại thông minh để học online. Các em còn phải học linh hoạt từ các bài giảng thầy, cô giáo gửi trực tiếp tại nhà.
 
Cô giáo Mai Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc dạy học trực tuyến cho học sinh ở đây thực sự rất khó khó khăn. Các em không chỉ thiếu thiết bị đầu cuối mà mạng internet cũng chập chờn nên các cô giáo ở đây phải áp dụng các biện pháp linh hoạt khác để dạy cho các em.”
 
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa cho biết, toàn huyện có 49 trường học với trên 13.560 học sinh nhưng theo khảo sát chỉ 50% đủ điều kiện học trực tuyến và học qua truyền hình. Số còn lại gia đình không có khả năng mua sắm máy tính xách tay, máy tính bảng để học. Ngoài thiếu thiết bị đầu cuối, hiện đường truyền internet một số xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng DTTS quá yếu, có thôn chưa có internet, chưa có cáp quang nên cũng không thể tổ chức dạy học được.
 
Linh hoạt trong dạy và học
 
Theo ông Đinh Tuấn Anh, thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, trong điều kiện khó khăn như vậy, nên ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa đang nỗ lực, linh hoạt trong cách dạy và học để truyền tải kiến thức cho các em.
 
Ở những trường đủ điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến và đang thực hiện Chỉ thị số 19, nhà trường khuyến khích các em học nhóm từ 2 đến 3 em một nhóm để có phương tiện học tập. Ở các trường chưa đủ điều kiện, chưa tổ chức dạy online được, các thầy, cô giáo đã chủ động soạn bài giảng, sao in tài liệu đưa đến nhà cho học sinh học, ôn tập những kiến thức cơ bản.
 
Cũng theo ông Đinh Tuấn Anh, qua khảo sát thực tế vào các khung giờ học trực tuyến theo kế hoạch về thời gian, thời khóa biểu của các trường, những buổi học đầu tiên vẫn có nhiều lúng túng, bỡ ngỡ giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, các buổi học tiếp theo dần đi vào nền nếp, học sinh dần thành thạo sử dụng nền tảng Google Meet để học trực tuyến, đồng thời dần thích nghi với cách học này để tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất.
 
Em Đinh Thị Bảo Châu, học sinh lớp 10 Trường THPT Minh Hóa cho biết, đây là năm đầu tiên bước vào ngôi trường THPT nên rất háo hức chờ đến ngày được đến làm quen với bạn mới và thầy, cô giáo mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sự háo hức ấy đành gác lại. Mặc dù không đến trường, nhưng nhà trường vẫn giữ liên lạc với học sinh và phổ biến tới học sinh các công việc cần thực hiện trong thời gian này và khi tiếp cận hình thức học trực tuyến, em đã thực hiện nghiêm túc, dù thời gian đầu có nhiều khó khăn.
 
“Việc dạy học trực tuyến hay dạy học linh hoạt chỉ là phương án trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, phòng cũng quán triệt là dạy em nào phải cố gắng chắc em đó. Thời gian tới, khi các em đến trường học trở lại, giáo viên phải tổ chức ôn tập toàn bộ các bài học cho học sinh, đặc biệt ưu tiên chú trọng các em không đủ điều kiện để học trực tuyến”, ông Anh chia sẻ.
 
Phan Phương

tin liên quan

Nỗ lực dạy và học trong mùa dịch

(QBĐT) - Bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực để từng bước vượt qua. Đến nay, việc mua sắm sách vở, trang thiết bị, tu sửa và xây dựng cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thành.

Địa phương linh hoạt hình thức dạy học theo diễn biến dịch

Hiện nay, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng giáo dục.

Xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa vừa ban hành Công văn số 4237/BGDĐT-QLCL gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022.