Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu giải pháp củng cố kiến thức cho học sinh trong tình hình mới

  • 08:02 | Thứ Sáu, 15/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Một trong những thách thức của ngành giáo dục hiện nay là việc học online khi diễn biến dịch COVID-19 khó lường. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có chia sẻ về cách thích ứng của ngành giáo dục trong năm học 2021 - 2022 và xa hơn nữa.
 
Trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp”.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về cách thích ứng của ngành giáo dục trong tình hình mới. Ảnh: KH
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về cách thích ứng của ngành giáo dục trong tình hình mới. Ảnh: KH
Thứ hai, theo Bộ trưởng, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh.  Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.
 
Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh.
 
Trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện được cần phải tính đến các giải pháp tổng hợp. Theo Bộ trưởng, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo.  
 
Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.
 
Theo Báo Tin tức

tin liên quan

Nỗ lực dạy và học trong mùa dịch

(QBĐT) - Bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực để từng bước vượt qua. Đến nay, việc mua sắm sách vở, trang thiết bị, tu sửa và xây dựng cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thành.

Địa phương linh hoạt hình thức dạy học theo diễn biến dịch

Hiện nay, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng giáo dục.

Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập

Du học sinh đi học bằng học bổng ngân sách Nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước.