Lệ Thủy:

Nỗ lực dạy và học trong mùa dịch

  • 08:58 | Thứ Năm, 30/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực để từng bước vượt qua. Đến nay, việc mua sắm sách vở, trang thiết bị, tu sửa và xây dựng cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thành. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã triển khai các phương án phòng, chống dịch trong trường học và tổ chức dạy học trực tuyến, phát tài liệu học tập cho học sinh (HS) những nơi khó khăn.
 
Năm học 2021-2022, huyện Lệ Thủy có 85 trường học do huyện quản lý, trong đó, cấp học mầm non có 28 trường, tiểu học 37 trường và THCS 29 trường. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT huyện đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp đạt 100%. Cụ thể, huyện đã tuyển trên 2.600 HS mầm non, trên 2.700 HS lớp 1 và trên 1.800 HS THCS, đưa tổng số HS 3 cấp học toàn huyện hơn 31.000 em.
 
Kết quả tuyển sinh cho thấy, HS toàn huyện có tăng lên so với năm học trước (cấp học mầm non, tiểu học tăng, cấp THCS giảm). Về đội ngũ giáo viên, năm học 2021-2022, toàn huyện tăng thêm 24 nhóm lớp nên dự kiến sẽ thiếu 54 giáo viên. Về vấn đề này, Phòng GD-ĐT cũng đã đề xuất lên UBND huyện bổ sung biên chế để bảo đảm cho công tác dạy và học thời gian tới.
Học sinh tại huyện Lệ Thủy học trực tuyến tại nhà.
Học sinh tại huyện Lệ Thủy học trực tuyến tại nhà.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: "Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện tập trung ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Phòng tham mưu cho các cấp chính quyền hỗ trợ các trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, phòng chống dịch Covid-19 và bão lụt; chỉ đạo các trường phối hợp với gia đình chuẩn bị máy móc, trang thiết bị để tổ chức dạy học trực tuyến; quyên góp quần áo, sách vở, kinh phí cho HS vùng khó khăn…
 
Hiện có khoảng 80% HS đã được học trực tuyến, 20% còn lại do điều kiện gia đình khó khăn nên giáo viên đã soạn tài liệu gửi về gia đình cho các em học tập. Riêng HS lớp 1, lớp 2 và mầm non thì học qua truyền hình và giao cho gia đình tự quản lý, chăm sóc”.
 
Trường THCS Kiến Giang có 586 HS, trong đó có 102 HS lớp 6; 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để chuẩn bị năm năm học mới, nhà trường đã tập trung chỉnh trang trường lớp, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Trong đó, tập trung lắp đặt lại hệ thống camera, mua sắm thiết bị cho phòng chức năng, phòng dạy tin học, tu sửa bàn ghế, sơn sửa lại văn phòng… Trước đó, trường cũng đã hoàn thành việc mua sắm sách giáo khoa, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, tuyển sinh đầu cấp…
 
Thầy giáo Lê Dương Quyền, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Giang chia sẻ: “Hiện, nhà trường đang tổ chức dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Phần lớn các em HS đều có thể tiếp cận được cách học này. Một số trường hợp khó khăn cũng đã được giáo viên soạn tài liệu để phát cho các em học tập.
 
Đa số giáo viên trong trường cũng đã được tiêm vắc-xin phòng dịch. Nhà trường cũng đã vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt để đón HS đến trường khi có chỉ đạo. Ngoài phòng, chống dịch, trường cũng đã lên phương án phòng, chống lũ lụt như: Máy phát điện, thuyền để di chuyển, cứu trợ, cứu nạn, cất giữ tài sản khi có lũ lớn xảy ra...”.
 
Năm học mới này, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy có 341 HS, 18 lớp, 4 điểm trường. Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Trước khi bước vào năm học, trường đã được đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sách vở, dụng cụ học tập cho HS. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng nhà trường vẫn nỗ lực để tổ chức dạy và học trực tuyến, soạn phiếu học tập, in ra phát cho HS.
 
Mỗi tuần, giáo viên sẽ lên các bản để phát tài liệu học tập và thu bài 2 lần. Việc lên bản còn nhằm mục đích tuyên truyền cho HS, phụ huynh cách phòng, chống dịch Covid-19, nhắc nhở học trò không bỏ học, không tảo hôn. Về học trực tuyến, toàn trường có khoảng 20% HS đủ điều kiện để tham gia học tập”.
 
Nhờ cách làm đó, gần 100% HS trong trường đã tiếp cận, đọc tài liệu. Trong đó có nhiều em tiếp cận được với công nghệ thông tin, tham gia học trực tuyến, tự giác học bài, làm bài tập và trả bài đúng thời gian quy định. Theo thầy Tình, cái khó nhất của nhà trường hiện tại là thiếu giáo viên để tổ chức dạy và học tập trung. Bởi năm nay, trường tăng thêm 2 lớp nhưng không được tăng biên chế.
 
Do vậy, nhà trường yêu cầu giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi nhưng không có phụ cấp. Ở Lâm Thủy, đa số HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn nên việc tổ chức dạy trực tuyến gặp không ít trở ngại. Trong số 20% gia đình HS có điều kiện cho con học trực tuyến, tỷ lệ HS tự giác học cũng rất thấp nên nhà trường vẫn tập trung phát tài liệu học tập cho các em.
 
Từ năm 2020 đến nay, Phòng GD-ĐT Lệ Thủy đã chú trọng tham mưu cho chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí tăng trưởng cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học. Trong đó, tập trung đẩy nhanh chương trình kiến cố hóa trường lớp, tranh thủ các nguồn đầu tư để thay thế các phòng học đã xuống cấp, phòng học tạm. Đến nay, toàn huyện có 1.405 phòng học và phòng bộ môn, 19 bể bơi. Ngoài ra, nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng, tu sửa lại công trình vệ sinh và khu sân chơi, bãi tập, hàng rào, mái che, bếp ăn bán trú, phòng chức năng... Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Địa phương linh hoạt hình thức dạy học theo diễn biến dịch

Hiện nay, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng giáo dục.

Xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa vừa ban hành Công văn số 4237/BGDĐT-QLCL gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022.

Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập

Du học sinh đi học bằng học bổng ngân sách Nhà nước phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước.