Nỗ lực tìm "lối đi mới" trong tuyển sinh ở các trường trung cấp, cao đẳng

  • 08:03 | Thứ Sáu, 30/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, việc tuyển sinh vào các trường đại học được “nới” rộng với nhiều điều kiện xét tuyển thuận lợi đang là những trở ngại khiến các trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) gặp khó trong việc tuyển sinh. Từ thực trạng đó, các trường TC, CĐ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tìm những “lối đi mới” trong công tác tuyển sinh, đào tạo và liên kết đào tạo nhằm mang lại kết quả cao nhất.
 
Thực tế cho thấy, công tác tuyển sinh của trường TC, CĐ khác với tuyển sinh đại học. Bởi đây là quá trình người học chọn nghề và chọn trường. Nghề nào có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực và nguồn lực thì sẽ được người học lựa chọn. Trường nào bảo đảm được việc làm, có chất lượng đào tạo tốt, hỗ trợ được người học nhiều… thì sẽ được người học lựa chọn. Chính vì vậy, để chạy đua với cuộc tuyển sinh, mỗi trường TC, CĐ phải chủ động tìm những giải pháp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh.
 
Trường TC Du lịch-Công nghệ số 9 được xem là một trong những trường có uy tín trong công tác đào tạo nghề của tỉnh. Hiện, trường đào tạo 11 ngành nghề ở bậc TC, trong đó, có 3 nghề được đầu tư trọng điểm, gồm: kỹ thuật chế biến món ăn được đầu tư cấp độ quốc tế, quản trị khách sạn và kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí được đầu tư trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN.
Nghề sửa chữa ô tô được đánh giá có nhu cầu sử dụng lao động cao nên học sinh ra trường dễ tìm kiếm việc làm
Nghề sửa chữa ô tô được đánh giá có nhu cầu sử dụng lao động cao nên học sinh ra trường dễ tìm kiếm việc làm
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây, hầu hết các trường TC, CĐ đều gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Song để tạo dựng được “thương hiệu”, thu hút học sinh, đơn vị đã chủ động xây dựng được hướng đi vững chắc và cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch; đồng thời, triển khai những giải pháp một cách toàn diện, hiệu quả nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
 
Trước hết, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm và học nghề cho mọi tầng lớp thanh niên, lao động thông qua các hình thức phong phú, đa dạng. Cùng với đó, toàn thể cán bộ, giáo viên ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn được gắn với chỉ tiêu tuyển sinh.
 
Trong quá trình đào tạo, trường thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng công tác dạy và học, như: quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất; liên kết đào tạo với các trường, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại nhiều địa phương khác nhau...
 
Nhờ những cố gắng đó, Trường TC Du lịch-Công nghệ số 9 đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề. Minh chứng rõ nét, năm học 2018-2019, trường tuyển sinh 998 học sinh (507 học sinh hệ TC); năm học 2019-2020, trường tuyển sinh 1.092 học sinh (550 học sinh hệ TC); năm học 2020-2021, trường tuyển sinh hơn 550 học sinh TC (vượt 10% so với kế hoạch), trong đó, có 160 em vừa học TC, vừa học văn hóa THPT.
 
Đáng kể, do chú trọng đào tạo gắn với thực tế và yêu cầu của người sử dụng lao động, nên hàng năm, hơn 85% học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề đã học.
 
Là một cơ sở đào tạo đa ngành nghề và bậc học, Trường CĐ kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình hiện có cơ cấu nghề được mở rộng với hơn 20 nghề. Ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, các cơ sở GDNN phải “tự thân vận động”, thay vì chọn giải pháp giảm chỉ tiêu, nhà trường phải “tìm lối đi mới” trong mùa tuyển sinh.
 
Cụ thể, nhà trường phải tăng cường tiếp thị, quảng bá, truyền thông các ngành nghề đến tận tay phụ huynh và thí sinh trước mỗi mùa tuyển sinh. Thậm chí, trường phải thành lập “tổ công tác” để đến các điểm trường THPT, vùng nông thôn, miền núi để tư vấn tuyển sinh. Như vậy, công tác truyền thông trước kia dừng đến cấp tỉnh nhưng vài năm trở lại đây, trường mở rộng tuyên truyền đến cấp huyện, xã để dễ tiếp cận với phụ huynh, học sinh.
 
Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng, ngành nghề đào tạo cho học viên, Ban Giám hiệu nhà trường còn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên thông qua các hình thức gửi đi đào tạo nâng chuẩn, đào tạo thạc sỹ... Đến nay, trường có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 219 người, trong đó, 160 giáo viên đạt tiêu chuẩn cơ bản “giỏi cả về lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành”.
 
“Điểm nổi bật, hướng đến mục đích hạn chế học sinh, sinh viên thất nghiệp khi ra trường và giúp doanh nghiệp tuyển được lao động có tay nghề, những năm qua, nhà trường tăng cường hợp tác, kết nối có hiệu quả với doanh nghiệp để tạo cơ hội tuyển sinh, thực tập cũng như việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Riêng năm 2020, nhà trường ký kết hợp tác mới với 5 doanh nghiệp trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lâm sinh, điện tử, ô tô; tổ chức 2 đợt cho 8 doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp học sinh, sinh viên để tuyển dụng làm việc ngay trong đợt thi tốt nghiệp. Đây chính là nền tảng cho kế hoạch hợp tác lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp trong những năm tiếp theo; đồng thời, được xem là “lối đi riêng” của trường chúng tôi…”, ông Đào Hoài Linh cho biết thêm.
 
Năm 2020, với quyết tâm của Ban Giám hiệu và toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, Trường CĐ kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tuyển sinh đạt trên 11.400 học sinh, sinh viên và học viên, trong đó, 90/150 sinh viên CĐ, đạt 173% so với năm 2019; 621/500 học sinh TC, đạt 243% so với năm 2019. Để đạt được kết quả này không phải cơ sở GDDN nào cũng làm được nếu thiếu linh hoạt trong tuyển sinh…
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong những giải pháp hiệu quả cần được duy trì chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức để làm thay đổi nhận thức của nhân dân cũng như lớp trẻ hiện nay về công tác đào tạo nghề. Bởi, hầu hết học sinh học nghề khi ra trường bây giờ đều dễ tìm việc làm, thậm chí có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc phù hợp.
 
Trong khi đó, không ít sinh viên học ĐH, CĐ ra trường không có việc làm, vì ngành nghề đào tạo không phù hợp hoặc số có bằng cấp quá nhiều, khó cạnh tranh khi kiếm một chỗ làm…
Các trường trung cấp, cao đẳng đã thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của đơn vị trên các trang mạng xã hội, như: facebook, twitter, viber, zalo… hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.

Hiện nay, các trường TC, CĐ trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch và bắt đầu thực hiện tuyển sinh năm học 2021-2022, cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11.
 
Đáng lưu ý, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, để bảo đảm công tác tuyển sinh, các trường đều tăng cường các giải pháp tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Từ đó, một số trường đã có nhiều cách làm hay, mô hình mới sáng tạo để ứng phó với đại dịch Covid-19. Đơn cử như: đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp cận đến nhiều đối tượng trên các trang mạng xã hội để dễ dàng trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin tuyển sinh; xây dựng, bổ sung công cụ hỗ trợ trực tuyến (live chat) trên các website của trường và thường xuyên cử cán bộ, giáo viên quản lý, theo dõi nhằm kịp thời hỗ trợ người học trong việc tìm hiểu thông tin, tư vấn nghề nghiệp và đăng ký dự tuyển…
 
Thùy Lâm