Lớp chọn đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy

  • 07:36 | Chủ Nhật, 18/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây 47 năm, theo quyết định của Ty Giáo dục Quảng Bình, Trường cấp 3 (nay là THPT) Lệ Thủy mở hai lớp chuyên Văn và Toán. Nhưng do không đủ giáo viên nên chọn lại thành một lớp, học sinh được học lớp đó phải vừa giỏi văn, vừa giỏi toán, gọi là lớp 10A, lớp chọn.
 
Lớp chọn chứ không phải lớp chuyên
 
Cuối năm học lớp 9 (hệ 10), năm học 1972-1973, nghỉ hè rồi, thầy Nguyễn Quang Hòe về nhà tôi mượn sách (thầy hay về lấy sách đọc vì ba tôi luôn gửi sách về, nhà có tủ sách). Hôm đó, thầy ngồi đọc lại quyển “Bỉ vỏ”, tôi thì thái chuối cho lợn. Khi đứng dậy về thầy nói, hết hè ni, em lên học lớp chuyên.Tôi bất ngờ nên thả dao đứng dậy. Thầy tiếp: "Cô Mai (Võ Thị Mai-người Phong Thủy) nói em học Toán, thầy nói để em học Văn. Không biết trường sắp xếp răng."
 
Thầy Nguyễn Quang Hòe mới ra trường đâu như hai năm, dạy Văn lớp tôi. Lần đầu trả bài kiểm tra, thầy hỏi ai là Nguyễn Thế Thịnh, tôi hơi sợ, đứng dậy. Thầy nói bài này được. Xong đưa bài cho bạn ngồi bàn đầu chuyển cho tôi. Tôi sửng người, vì thầy cho điểm 9. Lần đầu tiên tôi được 9 điểm môn Văn. Năm đó, tôi tổng kết Văn 8.0, là điểm số cao hồi đó. Thời bấy giờ, ai đạt danh hiệu tiên tiến (các môn học tổng kết 6.5 trở lên) là thành tích cao. Rất hiếm và hình như không có người đạt học sinh giỏi.
 
Tôi rất thích cách dạy của thầy. Khó như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” mà thầy làm cho cả lớp rưng rưng.
 
Độ hai tuần sau, thầy từ nhà ở Hiền Ninh (Quảng Ninh) lên họp ở trường, ghé nhà tôi. Mấy đứa em chạy ra đồng kêu. Thầy bảo, trường định mở hai lớp chuyên Toán và chuyên Văn nhưng vì không đủ học sinh, cũng không đủ giáo viên nên giờ chọn lại một lớp, chọn những người học Văn và Toán đều giỏi, lớp không gọi là lớp chuyên mà gọi lớp chọn. Đó là lớp 10A của chúng tôi, năm học 1973-1974, lớp chọn đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy. Sau này thầy Nguyễn Quang Hòe làm Hiệu phó Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho đến khi nghỉ hưu.   
 
Khiêm tốn mà nói thì các bạn trong lớp hầu hết là “kỳ nhân”. Rất nhiều bạn có cá tính mạnh. Tan học chạy vội về nhà ra đồng giúp bố mẹ không hiểu sao vẫn học giỏi như thường.
 
Những giáo viên tài năng và tâm huyết
 
Lớp do thầy Phạm Xuân Thiết, dạy Văn, làm chủ nhiệm; thầy Nguyễn Văn Dược dạy toán. Thầy Phạm Xuân Thiết là người chu chỉnh, viết bảng rất đẹp. Thầy dạy kiến thức chắc, sâu, chỉ thiếu một chút bay bướm cho học sinh gọi là giỏi văn kiểu của thầy Hoàng Thái, Phan Ngọc Thu, Nguyễn Quang Hòe…
Những học sinh lớp chọn đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy (Ảnh chụp 4 tổ trong lớp và thầy chủ nhiệm được ghép lại nhưng vẫn còn thiếu 4 bạn). (Ảnh tư liệu)
Những học sinh lớp chọn đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy  (Ảnh tư liệu)
Thầy Nguyễn Văn Dược thì dạy cực hay. Kiến thức sâu kèm theo tư duy bay bổng, bay bổng kiểu toán học. Học sinh giỏi toán mặc sức tư duy. Thầy chơi đàn hay, nắm nhạc lý, là người sửa lại nhịp mấy từ trong điệp khúc “khoan khoan hò khoan” bài “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng của nhạc sỹ của Hoàng Vân, sáng tác năm 1964 (thoạt đầu điệp khúc này hơi rãi ra, không đúng nhịp hò khoan Lệ Thủy). Nhạc sỹ Hoàng Vân rất phục.
 
Hồi đi học, thầy có kể chuyện này: Năm 1989, tỉnh Quảng Bình tái lập, hồi đó có người đề nghị nhạc sỹ Hoàng Vân sửa lại lời đoạn: “Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son”, vì hồi chia tỉnh không khí khá căng. Ông Hoàng Vân không chịu. Hôm đó giao lưu, ông có kể lại chi tiết thầy Dược sửa kể trên.
 
Thầy Dược còn là tác giả nhiều ca khúc, trong đó có ca khúc "Anh lính pháo binh" hồi đó không ai không thuộc: "Anh lính pháo binh ơi/Đôi mắt anh trong sáng/Nhìn tận đến chân trời/Quê hương đang đợi anh/Quê tôi lúa vừa xanh/Có những chàng trai xinh/Cây bút mới vừa buông/Đời anh thành người lính...".
 
Hồi đó có rất nhiều thầy đặc biệt. Không chỉ kiến thức sâu rộng mà còn đa tài nhưng rất nghiêm khắc. Nhớ có lần, trước khi nghỉ Tết âm lịch, thầy Hoàng Hữu Thung, dạy Hóa, gọi Nguyễn Thị Thu Hương lên bảng, Hương làm bài tốt nên cho 10 điểm. Sau Tết, buổi học Hóa đầu tiên, thầy kiểm tra bài cũ, gọi Nguyễn Thị Thu Hương. Hương đinh ninh là mình vừa được điểm cao thầy không gọi nữa, vả lại ham chơi Tết, nghe gọi rón rén lên bảng: “Thưa thầy, em chưa học bài”. Thầy lạnh lùng ghi vào sổ điểm 0.
 
Trong giờ học, thầy viết một chuỗi phản ứng hóa học rồi hỏi ai làm được. Cả lớp giơ tay (vì chuyện đó không khó lắm với học sinh lớp chọn). Bấy giờ, lớp trưởng mới nói: “Thưa thầy, cho bạn Thu Hương lên chuộc lỗi”. Thầy vẫn lạnh lùng: “Không! Chuyện gì ra chuyện nấy. Giờ ai biết cứ giơ tay”. Nhưng lúc đó mọi người đều bỏ tay xuống, chỉ còn Hương. Thầy gọi Hương lên bảng, làm xong cho điểm 10.
 
Lớp trưởng Hiến nói: “Thưa thầy, thầy thêm con số 1 vào trước con số 0 vừa rồi đi thầy”. Thầy vẫn lạnh lùng: “Không, điểm 10 nằm cột sau điểm 0”.
 
Sau này, nhiều người nói văn mẫu khô khan, nhưng từ lúc đó, thầy Phạm Xuân Thiết đã ra đề Văn thi học kỳ I: “Ôi Việt Nam biết mấy tự hào”, em hãy sáng tác theo chủ đề đó, thể loại tùy em lựa chọn”. Đề rất mở.
 
“Ngày ấy, chúng tôi ra trận…”
 
Ngày 5-6-1974, tôi đi bộ đội đúng vào ngày thi tốt nghiệp nên sau này, bằng tốt nghiệp phổ thông có ghi dòng chữ đỏ, viết tay: “Tốt nghiệp đặc cách nghĩa vụ quân sự”. Vào chiến trường cho đến ngày đất nước thống nhất mới được ôn thi đại học khối A, đỗ vào Học viện Phòng không-Không quân, học khóa Đại học chỉ huy-kỹ thuật Radar-Tên lửa thí điểm đầu tiên. Hầu hết các bạn thi đại học đỗ, đi học cũng tiếp tục nhập ngũ sau tôi. 
 
Anh Đỗ Quý Doãn, học sinh khóa trước chúng tôi, nhập ngũ năm 1972, sau làm Tổng Biên tập Báo Quảng Bình rồi Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, sau nữa thì làm Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông có bài thơ “Trở về Quảng Trị” sau được phổ nhạc có đoạn rất đúng bối cảnh, tâm trạng:
 
“Ngày ấy chúng tôi ra trận,
bông hoa chưa kịp hẹn hò.
Ngày ấy chúng tôi ra trận,
tay còn vết mực học trò”.
 
Lúc tôi chuyển ngành ra, thi khối C, học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế thì hầu hết các bạn đã ra trường. Bạn thì tiếp tục ở bộ đội, bạn thì công an, bạn thì giảng viên đại học, bạn là bác sỹ, kỹ sư…, mỗi người một nơi nhưng ổn định công việc và học lên cao, giữ trọng trách cả rồi.
 
Vậy mà cũng đã 47 năm, gần nửa thế kỷ. Giờ lớp đã vắng các bạn: Nguyễn Văn Tăng (bác sỹ), Lê Xuân Huynh (công an), Nguyễn Quang Sáng (giáo viên), Đặng Thị Thu Hà (giáo viên). Những người còn lại thì đã thành ông, thành bà cả rồi.
 
Tôi ở Đà Nẵng nên gặp Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Dũng học 10A khóa kế tiếp. Vì lớp chọn của Trường cấp 3 Lệ Thủy là tiền đề để sau này mở lại trường chuyên của tỉnh nên không biết lớp chọn duy trì được mấy khóa thì tôi không rõ lắm.
 
Nghĩ lại, như vừa mới hôm qua!
 
Lớp có 39 học sinh gồm: Nguyễn Thị Bá, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Bời, Nguyễn Anh Dũng, Trương Văn Duyến, Đặng Thị Thu Hà, Nguyễn Trọng Hiến, Nguyễn Văn Hoạt, Dương Đức Hùng, Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Xuân Huynh, Trương Tấn Khanh, Hoàng Đình Khuyên, Trần Trung Kiên, Phan Thị Lành, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Liễu, Trương Minh Liểu, Đặng Ngọc Minh, Trương Tấn Minh, Phạm Hữu Nhạc, Nguyễn Quang Sáng, Mai Thị Tâm, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Thế Thịnh, Lê Minh Trị, Nguyễn Văn Triển, Trần Trọng Trinh, Trương Văn Tuấn, Ông Văn Tùng, Võ Quang Tuyên, Nguyễn Tấn Vui, Nguyễn Văn Vượng, Trương Quốc Vỵ, Đặng Ngọc Yên, Võ Văn Quyết, Võ Tiến Dũng, Trần Văn Tuân.
 
Nguyễn Thế Thịnh
(Cựu học sinh 10A)