Trang bị kỹ năng số cho trẻ tự bảo vệ trên không gian mạng

  • 14:19 | Thứ Ba, 15/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trước tác động của dịch COVID-19, trẻ em đang trải qua mùa hè đặc biệt khi không tụ tập bạn bè, không du lịch, mà chỉ có thể ở trong nhà sử dụng internet nhiều hơn so với thời gian trong năm học. Điều đáng lưu tâm là không ít trẻ nghiện xem những kênh có nội dung nhảm nhí, độc hại, có nguy cơ bị xâm hại trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube…
 
Tiềm ẩn xâm hại thật từ môi trường ảo
 
Chị Lý Thu Hà, nhà ở Khu chung cư Residence (Tây Hồ, Hà Nội) vài tuần nay thấy căng thẳng khi con trai học lớp 7 có biểu hiện nghiện điện thoại, đặc biệt là xem clip trên Tiktok, Youtube… ít giao tiếp với thành viên trong gia đình. “Thậm chí gần đây, con tôi và trẻ em hàng xóm rủ nhau cầm điện thoại túm tụm xem clip và chơi game trên mạng. Khi tịch thu điện thoại thì tỏ thái độ với bố mẹ”, chị Lý Thu Hà chia sẻ.
 Cần hướng trẻ em đến những nội dung thú vị, có ích, mang tính giáo dục mà vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.
Cần hướng trẻ em đến những nội dung thú vị, có ích, mang tính giáo dục mà vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.
Đây là tình trạng chung của nhiều trẻ em tại các thành phố khi phải thực hiện hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc nơi đông người. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), gần đây cơ quan này đã nhận được khá nhiều các thắc mắc, đặc biệt, trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vẫn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý.
 
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Chuyên gia giáo dục kỹ năng số, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ vào mạng quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy hại hữu hình như lộ mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game online, bắt nạt trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn nữa, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục trên mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng như trốn trong máy giặt, treo cổ… khuyến khích tự sát…
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em cũng cho rằng, việc truy cập internet ngày càng dễ dàng, thậm chí một số nền tảng có tính năng gợi ý cho trẻ em xem các nội dung kế tiếp hoặc tương tự khiến trẻ em tiếp cận đủ thể loại nội dung, hình ảnh trên các nền tảng như YouTube, TikTok. Cùng với đó, nhiều phụ huynh cũng sử dụng các video này như công cụ hữu hiệu để dỗ con.
 
Đối tượng xem rất đa dạng, trẻ nhỏ tuổi thường bị thu hút bởi những thứ lạ mắt, trẻ lớn hơn xem vì tò mò, muốn khám phá, đặc biệt các thông tin lạ, dẫn dắt kích động lại càng khiến các em hứng thú xem. Tuy nhiên, trên không gian mạng đầy rẫy những video nhảm nhí, độc hại. Những video độc hại trên mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần và tính mạng của trẻ em, gây nên một số vấn đề xã hội nghiêm trọng như bạo lực, xâm hại trẻ em và gia tăng trẻ em vi phạm pháp luật.
 
Theo ông Nguyễn Trọng An, Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ đã quy định rất rõ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực tế, để xảy ra tình trạng trên youtube tràn lan video bạo lực, tình dục, xúi trẻ làm thuốc nổ, thắt cổ như hiện nay thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý, được giao nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo Nghị định 56 còn lỏng lẻo.
 
Gia đình cùng chung tay bảo vệ trẻ em trên mạng
 
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số.
 
“Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con”, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Trong thời đại số, việc cấm trẻ em tiếp cận mới điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng là điều không thể. Do đó, phụ huynh cần trang bị cho con các kỹ năng khi tiếp xúc với môi trường mạng. Trong thời gian đại dịch khó có các lớp học trực tiếp, nhưng cha mẹ thời đại số cũng cần tự trang bị những kiến thức cho mình.
 
Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em hay các page của MSD, Lan toả yêu thương...
 
Nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gai 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình”.
 
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng, cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên với con cái, phải có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục con, có sự hướng dẫn chọn lọc và giám sát nội dung những gì con đang theo dõi; đảm bảo rằng các video, Tiktok con xem có nội dung giáo dục lành mạnh, không độc hại.
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng An khuyên các bậc cha mẹ hãy luôn là bạn thân thiết của con, lắng nghe, theo dõi giám sát những gì con xem, đọc. Với trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, cha mẹ hãy chuyện trò và hướng dẫn con về mối nguy hại tiềm ẩn trong các video, Tiktok, Youtube, khuyên bảo trẻ nếu có lo ngại hoặc phát hiện gì lạ cần thông báo ngay với người lớn. Nếu trẻ trên 7 tuổi hãy luôn giám sát và quản lý con khi trẻ tiếp xúc với môi trường mạng thông qua máy tính, điện thoại, tivi.
 
Nếu trẻ ở độ tuổi trên 14 tuổi, hãy hướng dẫn trẻ khi lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn. Đặc biệt, nên thường xuyên chuyện trò với con, qua đó biết được con đang quan tâm đến vấn đề gì trên mạng và định hướng đúng đắn, kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể điều chỉnh các cài đặt trên các thiết bị để con không thể truy cập vào các website, nội dung độc hại.
 
Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.
 
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Ước tính, đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Việc kiểm duyệt này phụ thuộc theo tiêu chí của từng nền tẩng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung phù hợp còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người sử dụng rất cần thiết. Người sản xuất phải chú ý nội dung phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ.”
 
"Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", ông Tiến cho biết.
 
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan. Theo đó, mạng lưới hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thu thập, phân loại và chuyển các phản ánh liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đến các đơn vị chức năng xử lý.
 
Theo Báo Tin tức