Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông: Thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó

  • 08:40 | Thứ Hai, 14/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác phân luồng học sinh (PLHS) trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, hầu hết các trường cao  đẳng (CĐ), trung cấp (TC) cũng gặp khó trong công tác tuyển sinh, dù đã rất nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ giáo viên và tuyên truyền hướng nghiệp. Thực trạng này đòi hỏi các ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ và thực hiện những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường CĐ, 3 trường TC với quy mô tuyển sinh từ 3.500-4.500 HS, sinh viên/năm. Thực trạng chung trong những năm trở lại đây là hầu hết các trường đều khó tuyển sinh, không tuyển đủ chỉ tiêu và nhiều khả năng trong năm học tới, các trường tiếp tục rơi vào tình cảnh tương tự.
 
Minh chứng, năm 2019, toàn tỉnh có 13.010 HS tốt nghiệp THCS, trong đó, 11.461 HS (chiếm 88,1%) tuyển sinh vào lớp 10 THPT, còn 5,31% HS tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN). Năm 2020, có 13.038 HS THCS tốt nghiệp, trong đó, 10.854 HS (chiếm 83,2%) tuyển vào lớp 10, nguồn tuyển sinh cho các CSGDNN còn 16,8% nhưng các trường trên địa bàn tuyển học nghề trình độ TC chỉ được 1.303 HS (chiếm gần 10%).
Học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh sẽ chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.
Học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh sẽ chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.
Theo Kế hoạch số 936 thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” của UBND tỉnh, năm 2020, ít nhất 15% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ sơ cấp, TC; đối với các đơn vị có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 0,8%; đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ sơ cấp, TC; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
 
Rõ ràng, công tác PLHS trong giáo dục phổ thông đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nếu kéo dài tình trạng này, hệ lụy cơ cấu nhân lực trong tỉnh sẽ “thừa thầy, thiếu thợ”, dẫn đến những người có trình độ cử nhân thì thất nghiệp hoặc không làm đúng chuyên môn, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại thiếu trầm trọng.
 
Theo lãnh đạo các CSGDNN trên địa bàn tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc khó tuyển sinh, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề. Đa số phụ huynh, HS đều mong muốn con em vào học THPT và tiếp tục học lên đại học. Mặt khác, cùng là học CĐ, TC nhưng nhiều phụ huynh cho rằng, học tại các trường CĐ ở ngoài tỉnh thì khả năng có việc làm sẽ cao hơn nên học sinh không mấy mặn mà với các trường CĐ, TC tại địa phương.
 
Ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật công-nông nghiệp Quảng Bình cho biết, năm 2020, trường tuyển sinh 90/150 sinh viên hệ đào tạo trình độ CĐ, đạt 60% kế hoạch đề ra, nhưng đạt 173% so với năm 2019 (52 sinh viên). Đây không phải tình trạng của riêng năm học 2020 mà là câu chuyện tái diễn của nhiều năm học trước đó. Trường cũng thực hiện rất nhiều giải pháp để tăng số lượng người học, như: đến các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn để tư vấn tuyển sinh, phổ biến các chính sách, hướng nghiệp những ngành nghề chủ lực…, nhưng vẫn không mấy hiệu quả.
 
"Hiện tại, trường có 10 mã ngành CĐ, 26 mã ngành TC và 25 mã ngành sơ cấp. Tuy  nhiên, nhiều ngành nghề kỹ thuật lâm vào tình trạng “đốt đuốc đi tìm thí sinh”, như: lâm nghiệp, CĐ kế toán, trồng trọt, giao thông cầu đường, xây dựng… Riêng một số ngành nghề khác, như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, thú y… vẫn thu hút thí sinh đăng ký do “đầu ra” còn khả thi", ông Linh nói.
 
Anh Dương Văn Hùng, Phó Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chia sẻ, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT và đại học có tác động không nhỏ tới việc PLHS trong giáo dục phổ thông. Đơn cử, phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học dân lập có nhiều sự thay đổi, như: chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài… nên thu hút phần lớn HS vào học đại học.
 
Cùng với đó, hiện nay, một số chính sách về cơ chế tự chủ trong các CSGDNN còn nhiều bất cập nên việc tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chất lượng, hiệu quả đào tạo của một vài CSGDNN chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động...
Trường Cao đẳng kỹ thuật công-nông nghiệp đào tạo ngành công nghệ ô tô cho học sinh.
Trường Cao đẳng kỹ thuật công-nông nghiệp đào tạo ngành công nghệ ô tô cho học sinh.
Một vấn đề không kém phần nan giải đó là, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học đường nhiều năm qua ở các trường THCS, THPT không được quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là bỏ trống.
 
Thực tế cho thấy, số giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục tư vấn hướng nghiệp và định hướng PLHS còn ít và giáo viên chưa được đào tạo bài bản hay tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục hướng nghiệp. Từ đó, HS cũng hạn chế trong nhận thức về đặc điểm tâm sinh lý, những phẩm chất và năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai phù hợp.
 
Theo thống kê nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thông qua Sàn giao dịch việc làm tỉnh, trong năm 2020, có 145 doanh nghiệp đăng ký tuyển 4.691 lao động, trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ ĐH chiếm 5,1%, CĐ 6,5%, TC 17,1%, sơ cấp 30,9% và lao động phổ thông 40,4% (từ CĐ, TC, sơ cấp chiếm gần 55%).
 
Như vậy, nếu làm tốt công tác PLHS không chỉ mang lại cho xã hội nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn giúp HS và gia đình tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí, công sức khi khả năng học tập không đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, hiện, chính sách miễn học phí cho HS tốt nghiệp THCS tham gia học nghề rất ưu việt, có lợi cho các em HS THCS có học lực trung bình và yếu không có khả năng học tiếp để thi đại học.
 
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh GDNN là 78.000 người. Riêng năm 2021, dự kiến tuyển sinh GDNN 16.000 người (gồm: CĐ 600 người, TC 2.200 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 13.200 người). Để thực hiện được mục tiêu trên, các ngành, địa phương, đơn vị xác định, việc PLHS trong giáo dục phổ không phải là vấn đề của riêng ngành Giáo dục-Đào tạo hay LĐ-TB-XH mà đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cần quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
 
Ông Đào Hoài Linh cho rằng, cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh cho các em HS hiểu việc phân luồng để tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi việc học đại học.
 
Đáng lưu ý, các trường triển khai tổ chức hướng nghiệp cho HS từ năm lớp 6 chứ không đợi đến lớp 9. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Sở Giáo dục-Đào tạo cần quan tâm bố trí giáo viên hướng nghiệp, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp và tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp.
 
Ngoài ra, giữa CSGDNN-doanh nghiệp-cơ quan quản lý phải có sự liên kết chặt chẽ trong vấn đề tư vấn, đào tạo và tuyển dụng. Nên chăng, trên địa bàn tỉnh cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho các trường nghề trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động để khuyến khích, thu hút lớp trẻ học nghề. Có như vậy, nhu cầu đào tạo nghề mới tăng lên, góp phần nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là các CSGDNN, trước khi có những giải pháp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh học nghề phải chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, tạo uy tín và nâng tầm thương hiệu của các trường nhằm tăng sự hấp dẫn và thu hút HS vào học...
 
Thùy Lâm