Một gia đình hiếu học tiêu biểu ở vùng cao

  • 08:14 | Thứ Hai, 07/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù là người dân tộc thiểu số và sống ở vùng miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, song ông Nguyễn Văn Ba và bà Hồ Thị Thừa ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) luôn quan tâm đến chuyện học hành của con cháu. Nhờ đó, các con cháu của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi, thành đạt; gia đình ông trở thành tấm gương sáng trong phong trào khuyến học của địa phương.
 
Ông Nguyễn Văn Ba và bà Hồ Thị Thừa là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Năm 1971, vừa cưới nhau xong thì ông Ba vào bộ đội. Năm 1973, ông xuất ngũ về địa phương và đảm nhận nhiều cương vị như: Chủ nhiệm hợp tác xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đá Còi, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND xã Ngân Thủy... Còn bà Thừa làm cán bộ y tế thôn, bản và chăm sóc, nuôi dạy con cái khôn lớn, trở thành những nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Vợ chồng ông Ba có 8 người con, trong đó có 7 người mang họ Hồ của mẹ và 1 người mang họ Nguyễn của cha. Ngày đó, cuộc sống khó khăn, vất vả trăm bề nên ngoài công việc xã hội, ông bà còn phải trồng sắn, ngô và lúa rẫy để nuôi con. Về sau, ông bà cùng bà con trong bản ngăn khe Nước Lạnh dẫn nước về bản trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò, gà để phát triển kinh tế, làm nhà cửa sống định cư.
 
Khi cuộc sống dần ổn định, ông Ba bắt đầu tính đến chuyện khuyến học trong gia đình và dòng họ của mình. Ông Ba kể: “Ngày đó, tôi chủ yếu làm việc trên xã, còn vợ ở nhà trồng lúa, chăn nuôi để có tiền nuôi con cái. Dù cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn dành dụm lại một chút tiền để lo cho chuyện học hành của con cái.
 
Đến cuối năm, đứa nào có thành tích học tập tốt thường được thưởng cho bộ quần áo mới, đứa nào học giỏi hơn sẽ thưởng thêm cho đôi dép hoặc cái mũ. Với cách làm này, các con của tôi đã tự bảo ban và thi đua nhau trong học tập, rèn luyện”.
Ông Nguyễn Văn Ba luôn tự hào về những thành tích của gia đình, con cháu.
Ông Nguyễn Văn Ba luôn tự hào về những thành tích của gia đình, con cháu.
Với sự quan tâm, dìu dắt của cha mẹ nên con cái ông Ba ai cũng siêng năng học tập, có kinh tế ổn định. Hiện, cả 8 người con của ông đều học xong THPT, trong đó có 4 người học xong chương trình đại học. 2 người con đầu của ông là Hồ Văn Tròn, Hồ Văn Hôn là lao động tự do và công nhân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79. Các anh đều có cuộc sống khá giả nhờ trồng rừng và phát triển chăn nuôi.
 
Người con thứ 3 là anh Hồ Văn Bôn đang làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngân Thủy. Hiện, anh Bôn có hơn 20ha rừng, mỗi năm cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Người con trai thứ 4 của ông là Nguyễn Văn Hùng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy. Anh Hồ Huy, người con trai thứ 6 đang công tác tại Công an huyện Lệ Thủy. Còn 3 người con gái gồm: Hồ Thị Nhung, Hồ Thị Nhiệt và Hồ Thị Hoàng đang làm công nhân cho Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79. Điều đáng ghi nhận là vợ chồng ông Ba và 8 người con ruột, 2 người con dâu đều là đảng viên.
 
Khi con cái khôn lớn và thành đạt, ông Ba vẫn luôn duy trì việc khuyến học, răn dạy con cháu cố gắng vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất. Hàng năm, mỗi gia đình các con ông phải đóng quỹ khuyến học 1,2 triệu đồng. Đến ngày giáp Tết, gia đình họp và làm mâm cơm tất niên dâng lên bàn thờ Bác Hồ, tổ tiên và trao thưởng cho các cháu. Kết quả học tập của cháu nào cao hơn thì được phần thưởng nhiều hơn kèm theo những lời biểu dương, khích lệ.
 
Cháu nào chưa đạt học sinh giỏi cũng có phần thưởng nhỏ kèm theo những lời động viên, nhắc nhở của ông. Nhờ chú trọng cách làm khuyến học mà các cháu ông Ba đều chăm ngoan, học giỏi. Trong số 21 đứa cháu của ông thì có 5 cháu là học sinh giỏi, 10 cháu là học sinh khá (không tính các cháu từ học mầm non đến lớp 2).
 
Dịp trao thưởng cho các cháu, ông Ba còn kết hợp sinh hoạt gia đình. Nội dung của buổi sinh hoạt là tiến hành kiểm điểm, “phê bình và tự phê bình” các thành viên trong gia đình. Người kiểm điểm đầu tiên sẽ là vợ chồng ông. Theo đó, ông bà sẽ nêu lên những việc mình đã làm được và chưa làm được trong năm vừa qua.
 
Kế tiếp là các con, dâu, rể và cuối cùng đến các cháu. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Buổi sinh hoạt của gia đình tôi khi nào cũng diễn ra trong không khí ấm cúng, cởi mở. Những thành viên trong gia đình bình đẳng góp ý cho nhau, thậm chí “phê bình” một cách đến nơi đến chốn khuyết điểm của nhau trên tinh thần xây dựng, để cùng nhau khắc phục, sửa chữa”.
 
Anh Hồ Văn Bôn kể: “Có lần, tôi ham vui và uống rượu hơi quá chén nên ngày hôm sau không đi làm việc được. Biết chuyện, ba tôi đã phê bình ngay trong cuộc họp gia đình để bản thân tôi cùng các thành viên trong nhà phải rút kinh nghiệm. Từ đó, tôi và các anh em không ai uống rượu say đến nỗi bỏ công việc nữa". Ông Nguyễn Văn Ba thẳng thắn chia sẻ: “Bản thân tôi cũng từng bị con cháu phê bình vì “tội” nóng nảy mỗi khi chúng mắc khuyết điểm. Nhưng khi được góp ý, tôi đã rút kinh nghiệm và luôn giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng mỗi khi phê bình con cháu”.
 
Ngoài sinh hoạt tổng kết cuối năm, hàng tháng hoặc có những việc đột xuất trong gia đình, ông Ba đều gọi con cháu đến để bàn bạc, tìm cách giải quyết thấu đáo nhất. 
 
Ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy đánh giá: “Gia đình ông Nguyễn Văn Ba ở bản Còi Đá là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào khuyến học của địa phương. Đa số con cháu ông đều chăm ngoan, học giỏi, thành đạt trong công việc xã hội lẫn phát triển kinh tế. Từ thành công của ông Ba, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con trong xã học theo cách làm khuyến học của ông nhằm góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn”.
 
Xuân Vương