Đưa văn hóa người Bru-Vân Kiều vào trường học

  • 08:27 | Thứ Sáu, 19/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều, Trường PTDT nội trú Lệ Thủy đã sưu tầm các vật dụng sinh hoạt, làn điệu dân ca, nhạc cụ của đồng bào về giới thiệu và truyền dạy lại cho các em học sinh. Việc làm này đã khơi dạy niềm tự hào, lòng yêu quê hương trong mỗi học sinh, góp phần bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa của người Bru-Vân Kiều.
 
Nền văn hóa giàu truyền thống
 
Nghệ nhân Hồ Khăm, bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Người Bru-Vân Kiều ở 3 xã miền núi huyện Lệ Thủy có một kho tàng văn hóa rất đa dạng. Trong đó phải kể đến Tết mừng lúa mới, mừng hội sim, lễ phong thần, các làn điệu dân ca và nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Với đồng bào, những giá trị văn hóa đó là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng.
 
Theo chiều dài của lịch sử, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ cùng các điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hóa rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như: múa mừng lúa mới, múa đám chay, điệu Tả oải (hát giao duyên và hát ru con) hay các nhạc cụ truyền thống như: kèn, sáo, đàn ta lư, cồng, chiêng, trống và các dụng cụ sử dụng lên nương rẫy như: A rừa, A chói...
Hàng chục loại nhạc cụ, dụng cụ lao động của người Bru-Vân Kiều được lưu giữ tại Trường PTDT Nội trú Lệ Thủy
Hàng chục loại nhạc cụ, dụng cụ lao động của người Bru-Vân Kiều được lưu giữ tại Trường PTDT Nội trú Lệ Thủy.
Nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều chủ yếu được chế tạo từ những nguyên liệu có trong thiên nhiên thông qua bàn tay khéo léo và sự cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ. Các loại nhạc cụ ra đời từ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và việc sử dụng gắn liền với những sự kiện của đồng bào như: lễ hội, cưới hỏi, ma chay…
 
Tùy từng sự kiện khác nhau mà người dân nơi đây sử dụng loại nhạc cụ phù hợp. Các điệu Tả oải (hát giao duyên và hát ru con), điệu Xà nớt (diễn tả, biểu đạt nhân tình thế thái, quan hệ xã hội) dù được hát trong các lễ hội hay trong lao động, sản xuất vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc. Họ hát để thể hiện sự đủ đầy sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về nhà mới...
 
Trước đây, người Vân Kiều chỉ quen sử dụng các nhạc cụ này trong đời sống sinh hoạt và trong các nghi lễ của làng, bản được quy định rõ ràng. Nhưng khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng văn minh thì việc sử dụng các nhạc cụ đó có phần tiến bộ hơn. Họ không bó hẹp phạm vi sử dụng mà mở rộng, biết đưa những nhạc cụ truyền thống kết hợp với các làn điệu dân ca và sử dụng trên sân khấu biểu diễn, mang cái truyền thống phổ biến rộng rãi đến quần chúng.
 
Dạy cho học sinh để giữ gìn
 
Có thể thấy, người Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy có một kho tàng văn hóa hết sức phong phú. Tuy nhiên, việc bảo tồn, lưu giữ “kho báu” ấy vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Một số người không thích thú học nhạc cụ dân tộc cũng như truyền thụ lại cho thế hệ sau...
 
Do vậy, một số làn điệu dân ca và các nhạc cụ truyền thống ngày càng bị mai một. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Bru-Vân Kiều, thời gian qua, Trường PTDT nội trú Lệ Thủy đã đưa các loại hình nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống cũng như các công cụ lao động của đồng bào vào trường học để giới thiệu, truyền dạy lại cho học sinh.
 
Thầy giáo Lê Văn Bình, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Lệ Thủy cho biết: “Để đưa văn hóa người Bru-Vân Kiều vào trường học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên phối hợp với các địa phương sưu tầm, mua sắm các loại nhạc cụ, đồ dùng truyền thống của đồng bào; mời các nghệ nhân biết đàn, hát, chế tác nhạc cụ về truyền dạy, giới thiệu cho học sinh.
 
Trong các tiết học âm nhạc, giáo viên cũng đã lồng ghép các làn điệu dân ca của người Bru-Vân Kiều để giảng dạy, giới thiệu. Từ đó, đội văn nghệ của nhà trường có nhiều em biết hát, chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, thậm chí còn biểu diễn tốt tại một số chương trình văn nghệ trong huyện”.
 
Đến nay, Trường PTDT nội trú Lệ Thủy đã sưu tầm được hàng chục làn điệu dân ca, nhạc cụ và dụng cụ lao động, sản xuất của người Bru-Vân Kiều như: múa mừng lúa mới, múa đám chay, điệu Tả oải, điệu Xà nớt, đàn tính tùng, par nở (thanh la), cồng, chiêng, kèn bè, kèn A man, sáo Arel, sáo pi, sáo T-reil, trống, pa điền (mâm đựng cơm), xang (gùi đeo có lỗ), a đư (giỏ đựng cá, tôm đeo lưng), tuấp (giỏ đựng cơm) và nhiều bộ quần áo truyền thống của đồng bào.
 
Em Hồ Văn Thành, một học sinh trong trường bộc bạch: “Qua việc tiếp cận, học tập các giá trị văn hóa truyền thống tại trường, em thấy người Bru-Vân Kiều chúng em có một nền văn hóa giàu bản sắc. Qua đó, em ngày càng thêm yêu và tự hào về quê hương của mình”.
 
Nhờ được học tập, tiếp cận, Thành đã biết và hát thêm một số làn điệu dân ca, chơi một số nhạc cụ và biết thêm nhiều vật dụng của cha ông mình. Từ những hiểu biết đó, em cùng một học sinh khác trong trường đã đạt giải nhì cấp huyện và giải ba cấp tỉnh tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS với công trình nghiên cứu “Đưa văn hóa Bru-Vân Kiều vào trường học thông qua bảo tồn nhạc cụ dân tộc Bru-Vân Kiều ở Trường PTDT nội trú Lệ Thủy”.
 
Ông Nguyễn Văn Vựng, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy đánh giá: “Tôi thấy việc đưa văn hóa Bru-Vân Kiều vào trường học thông qua bảo tồn nhạc cụ dân tộc Bru-Vân Kiều ở Trường PTDT Nội trú Lệ Thủy là việc làm rất tốt. Qua đó, giúp cho học sinh hiểu biết thêm các giá trị văn hóa của đồng bào mình, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Bru-Vân Kiều.
 
Thời gian tới, phòng sẽ chỉ đạo các trường học trên địa bàn, nhất là các trường tại ba xã miền núi nghiên cứu, sưu tầm các loại nhạc cụ và các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Bru-Vân Kiều để giới thiệu, truyền dạy cho học sinh”…
 
Xuân Vương