Trường khó ở xã nghèo

  • 11:15 | Thứ Năm, 19/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đợt lũ lụt lịch sử đi qua đã khá lâu nhưng trong những ngôi trường vùng lũ xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh vẫn còn in đậm dấu tích về sự thiệt hại nặng nề và cả trong những ánh mắt có phần mệt mỏi của đội ngũ giáo viên nhà trường.
 
Trong cơn mưa chiều do ảnh hưởng của cơn bão số 13, chúng tôi về xã Tân Ninh, địa phương còn lắm khó khăn trong cụm các xã vùng nam huyện Quảng Ninh. Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10 vừa qua, xã Tân Ninh ngập sâu trong biển nước, các ngôi trường đóng trên địa bàn xã tan hoang vì nước lũ, học sinh đi học trở lại chậm hơn các nơi khác gần 1 tuần. Cơ sở vật chất của các trường học bị thiệt hại rất nặng nề, khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Trường tiểu học Tân Ninh nhanh chóng ổn định trường lớp, học sinh được các nhà hảo tâm hỗ trợ áo ấm đồng phục sau lũ.
Trường tiểu học Tân Ninh nhanh chóng ổn định trường lớp, học sinh được các nhà hảo tâm hỗ trợ áo ấm đồng phục sau lũ.
Thầy giáo Cái Viết Tình, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Tân Ninh đón phóng viên trên sân trường còn in dấu bùn đất của đợt mưa lũ lịch sử. Trường THCS Tân Ninh hiện có 8 lớp học, với 291 học sinh. Đội ngũ giáo viên nhà trường có 22 người. Trong đợt lũ, nhà trường chỉ có một giáo viên ở thị trấn Quán Hàu là nhà không bị ngập lụt, còn lại thì đều nằm trong diện ngập sâu, hết dọn lụt ở trường rồi đến dọn lụt ở nhà, quăng quật với bùn đất, rác rê đến rã rời.
 
Thầy Cái Viết Tình cho biết, nhà trường bị sập, lún 370m hàng rào; hệ thống cửa sổ, cửa chính của 4 phòng học ở tầng 1 và 5 phòng tổ bộ môn, hệ thống cửa nhà vệ sinh bị nước lũ cuốn trôi hoặc sóng đánh vỡ, nhiều trang thiết bị hư hỏng hoàn toàn…
 
“Chưa có khi nào lũ lụt lại lớn như trận này, nước lại lên vào ban đêm nên không kịp trở tay. Đêm 17-10-2020, tôi vừa về nhà được một lúc thì bác bảo vệ trường điện thoại kêu cứu. Khi tôi mượn được thuyền chèo ra đến nơi thì nước lũ đã ngập hết mái nhà để xe, các phòng học tầng 1 đã bị sóng đánh trôi rất nhiều cửa chính, cửa sổ thì vỡ gần hết, bàn ghế học sinh đã trôi rất nhiều. Tôi và bác bảo vệ động viên, hỗ trợ nhau kéo lại được một số cửa đưa đến nơi cao, không thì nhà trường mất sạch cửa ở dãy phòng học tầng 1 và dãy hiệu bộ”.
 
Sau khi nước lũ rút, cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Công an, Trường THCS Tân Ninh đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại ban đầu, vệ sinh trường lớp, sắp xếp lại các phòng hiệu bộ, phòng học bộ môn ở tầng 2 dành làm phòng học để bảo đảm cho học sinh có chỗ học tập. 
   Hệ thống hàng rào của cả 2 trường học đều bị lún, rập.
Hệ thống hàng rào của cả 2 trường học đều bị lún, rập.
Còn một loạt phòng học, phòng hiệu bộ bị trôi và hư hỏng hệ thống cửa, thiếu gần 50 bộ bàn ghế học sinh, hệ thống tường rào sập, lún 370m không biết bao giờ mới khắc phục xong. "Mùa mưa rét, phòng không có cửa thì học sinh không thể học được, đó là chắc chắn. Tất cả các cửa chính, cửa sổ đều được giằng buộc cẩn thận lắm rồi, không ngờ khi nước lũ ngập sâu, sóng vỗ mạnh quá nên mới bị bật ra”, thầy Tình cho biết.
 
Cùng đóng trên địa bàn vùng lũ nên Trường tiểu học Tân Ninh cũng bị ngập rất sâu trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10 vừa qua. Nước lũ lên cao trên 2,5m trong trường đã làm hư hỏng nặng 2 phòng học cấp 4, sập 200m tường rào, trôi và hư hỏng 10 bộ cửa, 100 bộ bàn ghế học sinh. Là ngôi trường chuẩn quốc gia mức độ 2, biết bao công sức của đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, cùng các đơn vị, tổ chức liên quan đã dồn vào để xây dựng nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy học ở đây trong những năm vừa qua.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: "Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của các lực lượng công an, quân đội, các tổ chức, nhà hảo tâm thì chúng tôi không thể khắc phục được thiệt hại để ổn định trường lớp. Riêng chuyện dọn vệ sinh môi trường, thau rửa bùn đất thôi cũng phải làm nhiều lần, mới chia tay các đơn vị giúp đỡ xong thì mấy hôm sau đã gặp lại, vì mưa lũ lại tiếp tục làm ngập trường lớp. Đội ngũ giáo viên nhà trường thì toàn bộ nhà ở vùng lũ, dọn dẹp ở trường thì bỏ việc ở nhà. Nhiều thầy, cô giáo lũ rút hơn 1 tuần rồi mà chưa đi sửa được chiếc xe máy để sử dụng."
 
Qua câu chuyện với các thầy, cô giáo ở Trường THCS Tân Ninh và Trường tiểu học Tân Ninh với phóng viên, ai cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm đối với nhà trường nói chung và các em học sinh vùng lũ nói riêng. Nhờ đó, các nhà trường mới có thể sớm ổn định trường lớp trước mắt, các em học sinh được hỗ trợ sách, vở, bút, áo ấm, giày dép và nhiều loại đồ dùng thiết yếu khác để yên tâm đến trường viết tiếp những ước mơ của mình.
   Trường tiểu học Tân Ninh ngập trong nước lũ.
Trường tiểu học Tân Ninh ngập trong nước lũ.
Nhiều đơn vị, cá nhân còn hết sức tâm lý, bên cạnh việc tặng quà cho học sinh còn dành những phần quà chia sẻ khó khăn, vất vả với các thầy, cô giáo vùng lũ, vì chính họ cũng là đối tượng chịu thiệt hại trong lũ lụt, nhà bị ngập, đồi đạc hư hỏng, là những người “bỏ việc nhà để theo việc trường” trong đợt lũ lụt lịch sử và cả trong công tác cứu trợ, tiếp nhận hỗ trợ những ngày sau lũ.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho biết: Tân Ninh là vùng chiêm trũng, rốn lũ của huyện Quảng Ninh, rất dễ ngập lụt. Người dân trên địa bàn chủ yếu độc canh cây lúa nên thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Mặc dù xã đã về đích nông thôn mới năm 2019, nhưng mức thu nhập bình quân đầu người đang nằm ở tốp thấp nhất huyện, với 37 triệu đồng/người/năm. Vì điều kiện địa phương rất khó khăn nên rất khó có thể hỗ trợ các trường học khắc phục các thiệt hại về cơ sở vật chất, như mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, phòng học, hệ thống cửa, xây dựng hệ thống tường rào… bị hư hỏng, cuốn trôi do lũ lụt.
 
“Rõ ràng, đây là những khoản đầu tư khá lớn, nằm ngoài khả năng của xã, nhất là trong điều kiện hiện nay, nên rất mong các cấp, ngành, các tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ cho các trường học. Để những ngôi trường khó ở xã nghèo Tân Ninh vẫn giữ được chuẩn quốc gia”, ông Hoan chia sẻ.
 
Anh Tuấn