Phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp "trồng người"

  • 11:11 | Thứ Sáu, 20/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi "giáo dục-đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu". Nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người” vô cùng thiêng liêng và cao quý, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đã đề ra.
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử tại Trường tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử tại Trường tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh.
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, những năm qua, ngành GD-ĐT Quảng Bình đã từng bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
 
Quy mô mạng lưới giáo dục được mở rộng, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng mũi nhọn chuyển biến tích cực, mạnh mẽ; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, tận tâm, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu học sinh.
 
Với quyết tâm đổi mới, ngành GD-ĐT đã gặt hái được những thành quả rất đáng tự hào: thực hiện thành công công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi (8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn); tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 3, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Các cấp học không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, từ đó chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Có 47,3% trường mầm non, 90% trường tiểu học, 59% trường THCS, 42,4% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
 
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mặt khác, chú trọng chuyển dạy học từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh, đặc biệt tăng cường giáo dục đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Ngành chủ động phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tốt các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đồng thời đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài; chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên giáo viên vùng lũ huyện Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên giáo viên vùng lũ huyện Quảng Ninh.
Hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học, thư viện các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học văn hóa đạt 76,5%, phòng học bộ môn đạt 82,4%; các phòng chức năng, thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành đạt 71% và 100% các trường phổ thông có thư viện.
 
Bên cạnh đó, với tình cảm và trách nhiệm “đồng hành cùng người nghèo”, hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, 100% cán bộ, giáo viên trong ngành đều tự giác tham gia ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương góp phần xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Công tác chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong từng đơn vị đã được triển khai liên tục, thường xuyên…
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành GD-ĐT Quảng Bình đã tạo ra sự chuyển biến vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, với 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn ngày càng tăng.
 
Giáo viên trên chuẩn bậc mầm non 94,6%, bậc tiểu học 97,8%, bậc THCS 92,8%, bậc THPT 29,5%. Có hàng trăm nhà giáo giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã bám trường, bám lớp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp sức mình vào sự phát triển đi lên của ngành...
 
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng mũi nhọn có bước đột phá, số lượng và chất lượng giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia ngày càng tăng, nhiều em được chọn và đội tuyển quốc gia và tham gia dự thi khu vực, quốc tế. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngành GD-ĐT Quảng Bình, 2 năm liên tục (2016, 2017) có học sinh đạt 2 huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á, 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế.
 
Năm 2020, tỉnh có 1 học sinh đã xuất sắc được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Vật lý châu Âu, 1 học sinh được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic châu Á. Cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, sự khích lệ và tạo điều kiện của các tập thể, đã có 300.000 đồ dùng dạy học được làm mới, có 3 cán bộ, giáo viên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo, hơn 500 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh đã đưa vào thực tiễn trong giảng dạy và quản lý.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình trao bằng khen của Bộ GD-ĐT cho học sinh có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình trao bằng khen của Bộ GD-ĐT cho học sinh có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Những kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn và thành tích rất đáng tự hào của ngành GD-ĐT Quảng Bình, là minh chứng rõ nhất về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp GD-ĐT trên quê hương “Hai giỏi” hôm nay.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, GD-ĐT tỉnh nhà vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: dù số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 7,4% nhưng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học vẫn còn thấp; chất lượng đại trà đã có sự chuyển biến rõ rệt song vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng, miền; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trình độ sơ cấp, trung cấp tương đối thấp; đội ngũ giáo viên ở một số nơi chưa đồng bộ về cơ cấu, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
 
Cơ sở vật chất, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đặc biệt là các địa bàn vùng miền núi, rẻo cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình Đinh Quý Nhân tâm sự: Nói đến giáo dục là nói đến con người, nên đó phải là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội, không thể chủ quan, đặc biệt không thể né tránh khi làm chưa đúng, chưa tốt.
 
Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tạo tiền đề tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng GD-ĐT, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể về cơ chế, chính sách và các nguồn lực hỗ trợ, toàn ngành GD-ĐT Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương "Hai giỏi", phát huy tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, chung sức chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.
 
Năm nay, dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt lịch sử đã gây ra những khó khăn, trở ngại, thiệt hại lớn đối với toàn ngành GD-ĐT Quảng Bình. Những ngày qua, các trường học, cơ sở giáo dục, mỗi một cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực về vật chất và tinh thần của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định trường lớp. Thế nhưng, dù khó khăn đến mấy cũng không thể làm lùi bước những “người giáo viên nhân dân” ươm mầm tri thức cho quê hương, đất nước.
 
Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, sự đồng lòng của nhân dân, GD-ĐT Quảng Bình sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành GD-ĐT Quảng Bình có 1 tập thể được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; có 13 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 6 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 16 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT, 68 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh... 
A.T