Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp:

Tạo chuyển biến về chất lượng giáo viên dạy nghề

  • 08:31 | Thứ Hai, 23/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh được tổ chức theo định kỳ 2 năm 1 lần. Đây là sân chơi để các giáo viên trên lĩnh vực GDNN thể hiện hoạt động chuyên môn, năng lực sư phạm. Đặc biệt, hội giảng còn được kỳ vọng là "cú hích" nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ nhà giáo. Bởi, các bài giảng hay, độc đáo có thể phổ biến, nhân rộng tại các trường cao đẳng, trung cấp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong GDNN.
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, hội giảng GDNN là hoạt động chuyên môn sâu của đội ngũ các nhà giáo dạy nghề. Đây cũng là dịp để các nhà giáo có thể tụ hội, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tiếp thu thêm những kiến thức mới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề. 
 
Chính vì lẽ đó, hội giảng nhà giáo GDNN lần thứ III, năm 2020 nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở GDNN, nhất là thu hút được sự quan tâm của đông đảo đội ngũ nhà giáo và học sinh trên địa bàn.
 
Hội giảng thu hút 32 nhà giáo của 10 cơ sở GDNN trên địa bàn tham gia dự thi, trong đó, 21 nhà giáo của 4 trường cao đẳng (Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp, Trường cao đẳng nghề, Trường cao đẳng Y tế và Trường cao đẳng Luật miền Trung); 7 nhà giáo của 2 trường trung cấp (Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 và Trường trung cấp nghề Bình Minh); 3 nhà giáo của 3 trung tâm giáo dục-dạy nghề cấp huyện và 1 nhà giáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh.
 
Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Quảng Bình Đinh Thị Quỳnh Hoa cho biết, để chuẩn bị cho hội giảng cấp tỉnh, nhà trường lên kế hoạch và chủ động tổ chức thi giảng cấp trường phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều ngành nghề đào tạo tại các khoa, ban.
 
Đây được xem là đợt “tập dượt” về trình giảng các nội dung thi và tự đánh giá lại năng lực, cũng như nhìn nhận những thiếu sót, nhất là kỹ năng sư phạm liên quan loại hình bài giảng để tiếp tục rèn luyện, sớm khắc phục trước hội giảng cấp tỉnh.
  Hội giảng nhà giáo GDNN nhận sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở GDNN và quan tâm của đông đảo đội ngũ nhà giáo và học sinh.
Hội giảng nhà giáo GDNN nhận sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở GDNN và quan tâm của đông đảo đội ngũ nhà giáo và học sinh.
Các bài giảng của nhà giáo tại hội giảng GDNN cấp tỉnh lần III thuộc 22 ngành, nghề đào tạo và được tổ chức thành 3 tiểu ban, gồm: điện, ô tô, lái xe (11 nhà giáo); y, dược, nông lâm, pháp luật, môn chính trị (12 nhà giáo); chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, tiếng Anh môn học chung (9 nhà giáo).
 
Đáng chú ý, các nghề tham gia hội giảng đều là các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển ngành, nghề của tỉnh ta, như: quản lý bán hàng siêu thị, quản trị khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, vận hành máy thi công nền, điện công nghiệp, sửa chữa cơ điện nông thôn, lái xe hạng B1, B2, C…
 
Các nhà giáo đã tham gia trình giảng 32 bài, trong đó, 8 bài giảng lý thuyết, 5 bài giảng thực hành và 19 bài giảng tích hợp. Riêng xét về cấp trình độ, 3 bài giảng có trình độ cao đẳng, 21 bài trình độ trung cấp, 6 bài trình độ sơ cấp và 2 bài trong chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, phát huy và kế thừa kinh nghiệm của những năm trước đây, các giảng viên tham gia hội giảng đều có tâm thế tốt, chuẩn bị chu đáo, công phu phần thi. Nhiều giáo viên thể hiện được sự đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học, hệ thống các kế hoạch dạy học, giáo án và đề cương bài giảng được biên soạn mới bảo đảm đúng với chương trình, giáo trình và cập nhật những vấn đề mới có liên quan.
 
Các bài giảng đáp ứng yêu cầu truyền tải đầy đủ nội dung kiến thức, kỹ năng nghề cho người học và đáp ứng mục tiêu đặt ra của bài giảng. Đa số các thầy, cô đều có ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, sử dụng máy chiếu, trình diễn các mô hình sinh động, hấp dẫn trên máy chiếu giúp cho người học dễ tiếp thu bài giảng hơn.
 
Quá trình giảng dạy đã tích cực, sáng tạo và vận dụng tốt các phương pháp giảng dạy phù hợp, có tác dụng lôi cuốn và phát huy được được tính tích cực, chủ động của học viên. Cùng với đó, các bài giảng tích hợp đều xây dựng được khung lý thuyết, bảng trình tự thực hiện để giảng dạy và bài thực hành xây dựng được trình tự sát thực tế.
 
Đặc biệt, đối với bài giảng thực hành, nhiều giảng viên đã nghiên cứu, đầu tư thời gian, công sức, mô hình hóa, sơ đồ hóa, đáp ứng yêu cầu của bài giảng, như: nghề lái xe ô tô, nghề điện công nghiệp, nghiệp vụ nhà hàng... Có thể nói, các bài trình giảng đã góp phần phản ánh toàn diện năng lực dạy học của nhà giáo GDNN.
 
Kết quả thể hiện rõ nét, 3 bài giảng đạt trên 19 điểm (chiếm 9%), 10 bài giảng đạt trên 18 điểm (chiếm 31%), 16 bài giảng đạt từ 17 điểm trở lên (chiếm 50,1%) và 3 bài giảng đạt từ 16 điểm trở lên (chiếm 9%).
 
Thầy giáo Hồ Văn Thông, giảng viên Trường cao đẳng nghề Quảng Bình đoạt giải nhất cá nhân, chia sẻ: "Tôi thấy hội giảng năm nay được tổ chức nghiêm túc, khách quan và khoa học. Kết quả của hội giảng đã cơ bản phản ánh đúng năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên GDNN dự thi; đồng thời, động viên, khuyến khích nhà giáo GDNN học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm và đổi mới phương pháp, chất lượng giảng dạy…”.
 
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội giảng nhà giáo GDNN. Sau phần thi, Ban giám khảo trực tiếp góp ý những nội dung thiết thực, gợi mở thêm kiến thức để bài giảng sinh động hơn. Qua đó, giúp tôi nhận ra và khắc phục nhiều thiếu sót, để nâng cao chất lượng các tiết giảng trong thời gian tới…”, thí sinh Nguyễn Hồng Chuyên, giáo viên của Trường trung cấp nghề Bình Minh Quảng Bình tham gia thi giảng cho biết.
 
Tuy vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh lần thứ III, năm 2020 đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp. Ban tổ chức đã lựa chọn khen thưởng giải tập thể cho 3 đơn vị và trao giải nhất cá nhân cho 3 giáo viên, giải nhì cho 6 giáo viên, giải ba cho 8 giáo viên và giải khuyến khích cho 8 giáo viên.
  Các giảng viên tham gia phần thi kỹ thuật chế biến món ăn được chuẩn bị chu đáo, công phu.
Các giảng viên tham gia phần thi kỹ thuật chế biến món ăn được chuẩn bị chu đáo, công phu.
Nhưng cao hơn, kết quả mà hội giảng mang lại chính là phát hiện, tuyên dương để phổ biến, nhân rộng các phương pháp giảng dạy, cách khai thác học cụ, thiết bị đào tạo tốt nhất và những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp của các giáo viên. Bên cạnh đó, hội giảng thành công tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” ở các cơ sở GDNN, được xem là một hoạt động có tính chuyên môn sâu sắc, có tính phong trào rộng khắp và sôi nổi ở các trường học.
 
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH nhấn mạnh, hội giảng GDNN còn là dịp để đánh giá chất lượng giảng dạy một cách khách quan về năng lực thực tế của đội ngũ nhà giáo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp quản lý định hướng và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của GDNN.
 
Mặt khác, nâng cao chất lượng GDNN, hướng tới mục tiêu giúp các em học sinh trang bị được những kỹ năng, kiến thức cùng trình độ kỹ thuật để trở thành đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ cao, tay nghề giỏi, có kỹ năng và thái độ nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
 
Mặt khác, các cơ sở GDNN tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên nòng cốt cho phong trào thi đua dạy tốt, cũng như tìm ra những điểm yếu còn tồn tại trong đội ngũ để hoàn thiện hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN ở cả 3 cấp trình độ, gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng…
 
Thùy Lâm