Giáo dục Tuyên Hoá và nỗi lo "rớt chuẩn"

  • 08:24 | Thứ Bảy, 31/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Tuyên Hóa đã nỗ lực để duy trì số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia khá cao so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu theo Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục (Thông tư 14), thì hầu hết các trường sẽ khó đáp ứng theo tiêu chuẩn mới về cơ sở vật chất. Đặc biệt, trước sự tàn phá của cơn lũ “kép” vừa qua, Tuyên Hóa sẽ còn rất nhiều việc phải làm để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Thông tư này.
 
Nỗ lực đạt chuẩn
 
Xuất phát điểm về kinh tế thấp, đời sống người dân khó khăn… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục của huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, với phương châm xây dựng trường học đạt chuẩn là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, huyện Tuyên Hóa luôn chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đã đạt được những kết quả quan trọng.
 
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học-xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục được từng bước nâng lên cả về đại trà lẫn chất lượng mũi nhọn. Nhờ vậy, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng đều trong từng năm. 
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Tuyên Hóa khó đáp ứng tiêu chuẩn mới của trường chuẩn quốc gia.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Tuyên Hóa khó đáp ứng tiêu chuẩn mới của trường chuẩn quốc gia.
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa cho biết, giai đoạn 2016-2020, huyện Tuyên Hóa đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn huyện xây dựng 53/70 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 75%). Tính đến tháng 10-2020, toàn huyện đã có 56/70 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 80%), vượt kế hoạch 4,3%. Trong đó, cấp học mầm non đạt 56%, trung học 100%, trung học cơ sở 90%.
 
Để có được kết quả nói trên, 5 năm qua, chính quyền địa phương đã vận dụng linh hoạt nhiều nguồn vốn, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tổng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là trên 223 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4,65 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 82 tỷ đồng, ngân sách huyện khoảng 118 tỷ đồng, ngân sách xã khoảng 18 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động gắn đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với chương trình nông thôn mới, có lộ trình và đưa kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn vào nghị quyết đại hội đảng bộ và Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Vì vậy, công tác xây dựng trường đạt chuẩn đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Đối với các trường học ở huyện Tuyên Hoá, việc đạt chuẩn mới về cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn
Đối với các trường học ở huyện Tuyên Hoá, việc đạt chuẩn mới về cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn
Cùng với đó, công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa bước đầu đạt hiệu quả. Đặc biệt, hội cha mẹ học sinh, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các nhà hảo tâm đã tham gia hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Huyện đã nỗ lực tạo cơ chế phối hợp thuận lợi để các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động nguồn đóng góp xã hội hóa bằng tiền mặt, hiện vật và hàng chục nghìn ngày công từ phụ huynh và các tổ chức trong xã hội, với tổng trị giá trên 43 tỷ đồng.
 
Nhờ vậy, số lượng phòng học kiên cố ngày càng tăng lên, cảnh quan trường, lớp học được quy chuẩn và từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm hoạt động dạy học và học tập cho giáo viên, học sinh.
 
Khó khăn đạt chuẩn mới
 
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của tập thể nhà trường và sự quan tâm của chính quyền các cấp, năm 2010, Trường tiểu học Huyền Thủy (xã Thạch Hóa) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, giai đoạn 2010-2015. Giai đoạn 2015-2020, trường tiếp tục được công nhận đạt chuẩn. Đây là một trong số ít những trường đạt chuẩn quốc gia khá sớm ở huyện Tuyên Hóa.
 
Tuy nhiên, sau 10 năm được công nhận đạt chuẩn, Trường tiểu học Huyền Thủy bị “rớt” chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025. Nguyên nhân là do trường đang thiếu các phòng chức năng tính theo chuẩn của Thông tư 14. 
 
Thầy giáo Lê Vĩnh Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Huyền Thủy cho hay: “Hiện, nhà trường đang thiếu 5 phòng chức năng phục vụ cho các bộ môn, như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, phòng truyền thống đội và phòng y tế. Theo kế hoạch, từ năm 2021 đến 2022, trường mới được đầu tư xây dựng 4 phòng chức năng. Vì vậy, phải đến năm 2021, trường mới có đủ phòng chức năng”.
Các trường khẩn trương dọn lũ.
Các trường khẩn trương dọn bùn sau lũ.
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa cho biết, đây là khó khăn chung mà nhiều trường học trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang phải đối mặt. Hiện tại, công tác xây dựng trường đạt chuẩn theo Thông tư 14 đòi hỏi các trường phải hoàn thành công tác kiểm định chất lượng giáo dục, phải hoàn thành các thủ tục tự đánh giá, vì đây là công việc cần đầu tư nhiều công sức và thời gian mới có thể hoàn thành theo yêu cầu.
 
Mặt khác, ở tiêu chuẩn 2 (đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên) của Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT đưa ra tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đối với cấp tiểu học là rất khó thực hiện, vì giáo viên đạt trên chuẩn là phải có bằng Thạc sỹ trở lên.
 
Ngoài ra, các điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định trước đây hiện tại không đáp ứng với tiêu chuẩn mới ở 2 Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26-5-2020 và Thông tư 14 quy định về cơ sở vật chất và phòng học bộ môn.
 
D.C.H