Người dẫn đường... đam mê

  • 09:24 | Chủ Nhật, 13/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Hãy lao động một cách thật nghiêm túc và say mê, thì ắt những sáng tạo được khơi mở. Người giáo viên có tư duy đột phá, luôn luôn sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn luôn làm mới và biết cách làm mới kiến thức cho mình, thì học sinh sẽ có những giờ học lý thú, bổ ích và hiệu quả”. Suốt 20 năm theo nghiệp cầm phấn trắng, với quan niệm đó, cô giáo Trịnh Thị Hằng (SN 1976), Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Tuyên Hóa đã trở thành người dẫn đường đam mê cho nhiều thế hệ học sinh dưới mái trường huyện miền núi này.
 
“Phải lòng” môn tiếng Anh
 
Từ một học sinh chỉ đam mê môn Toán và từng gặt hái nhiều thành tích học sinh giỏi về môn Toán từ những năm còn học cấp THCS, thế nhưng giờ đây, em Phan Trần Khánh Hòa, học sinh lớp 11 trường THPT Tuyên Hóa thừa nhận đã “phải lòng” và yêu thích môn tiếng Anh từ khi được học với cô Trịnh Thị Hằng.
 
Khánh Hòa cho biết, mặc dù em mới học với cô Hằng được 1 năm nhưng cô đã làm cho em thay đổi nhận thức, suy nghĩ rất nhiều về việc học môn tiếng Anh. Lúc học cấp THCS, tuy học khá tốt môn tiếng Anh, nhưng em chưa thực sự cảm hứng và nhận thức đầy đủ để học hỏi, khám phá thêm về môn học này. Những tiết học cứng nhắc và khuôn mẫu lúc trước đã khiến cho em chỉ tập trung vào học thuộc từ vựng và ngữ pháp.
      Một tiết học được cô giáo Trịnh Thị Hằng thiết kế cho học sinh làm việc, hợp tác theo nhóm.
Một tiết học được cô giáo Trịnh Thị Hằng thiết kế cho học sinh làm việc, hợp tác theo nhóm.
Nhưng khi được học với cô Hằng, em thấy môn tiếng Anh không chỉ có vậy. Trong các tiết học, cô Hằng thường dành sự chủ động cho học sinh và tương tác, giao lưu nhiều với học sinh, chứ không chỉ truyền đạt bài học một chiều. Thỉnh thoảng, cô còn tổ chức các trò chơi trí tuệ nhỏ về môn học, chủ đề bài học, để tạo không khí và khai dẫn vào bài học. Do đó, các bạn trong lớp đều rất hào hứng và không cảm thấy áp lực khi học môn học này.
 
Giờ đây, phương pháp học tiếng Anh của Khánh Hòa cũng không gò bó, nặng nề theo kiểu phải “trả bài” như trước. Việc học ngữ pháp và từ vựng không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa, mà còn qua các tình huống, văn cảnh có thể là một đoạn phim, bài hát tiếng Anh, nên dễ nhớ, dễ thuộc và hiểu sâu nghĩa của từ hơn trước. Bên cạnh đó, cô Hằng còn tổ chức nhiều hoạt động nhóm, câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa, khiến cho những học sinh ở khu vực miền núi Tuyên Hóa vốn thiếu môi trường, điều kiện giao tiếp về ngoại ngữ, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn.
 
Khánh Hòa hiện là thành viên của đội học sinh giỏi của Trường THPT Tuyên Hóa. Em cho biết, ngay kể cả lúc ôn luyện học sinh giỏi, cô Hằng cũng đưa ra những phương pháp khác, trong đó, vai trò chủ động của học sinh luôn được đề cao. Cô thường đưa tài liệu, nội dung bài cho học sinh tự nghiên cứu, sau đó vấn đề gì chưa hiểu cô sẽ giải thích hướng dẫn thêm. Tiếp theo, cô mới giao cho học sinh thực hiện những bài tập kiểm tra, từ mức độ dễ đến khó.
 
“Giờ đây, tiếng Anh đối với em không chỉ là một môn học mà còn trở thành là một niềm đam mê. Chính phương pháp, cách thức truyền đạt của giáo viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc khơi gợi được niềm hứng thú, cảm hứng học tập cho học sinh chúng em. Bởi, đây mới chính là chìa khóa để học sinh có thể đam mê, yêu thích môn học, từ đó, tự giác tìm hiểu và tự học”, Khánh Hòa chia sẻ.
 
Giáo viên là người “truyền lửa”
 
"20 năm cầm phấn trắng, nghĩa là chị đang ở độ tuổi chín muồi của kinh nghiệm lẫn tri thức trong nghề. Nhưng, nếu đứng mãi ở một vị trí, giảng mãi những bài học đã quen thuộc, liệu có lúc nào chị tự cảm thấy mình “nhàm” hoặc không vượt qua được chính bản thân?". Câu hỏi có vẻ đã động chạm đến lòng tự trọng nghề giáo của cô giáo Trịnh Thị Hằng.
 
Cô Hằng cho biết, quá trình dạy học nhiều năm với bất kỳ một giáo viên nào đều vấp phải những khó khăn đó. Chính vì vậy, để không bị rơi vào tình huống nói trên, cô không ngừng tìm tòi, đổi mới ý tưởng và lựa chọn cách dẫn dắt cho thật khéo léo, tự nhiên mà vẫn đạt được mục đích của bài giảng. Bản thân cô cũng đã tự thiết kế nhiều hoạt động trong giảng dạy làm cho tiết dạy sôi động, tạo hứng thú cho học sinh, làm cho học sinh thích học bộ môn. 
   Cô giáo Trịnh Thị Hằng (ngoài cùng từ trái sang) tại buổi lễ vinh danh “Nhà giáo của năm 2019” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Cô giáo Trịnh Thị Hằng (ngoài cùng từ trái sang) tại buổi lễ vinh danh “Nhà giáo của năm 2019” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
“Hãy lao động một cách thật nghiêm túc và say mê, thì ắt những sáng tạo được khơi mở. Người giáo viên có tư duy đột phá, luôn luôn sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn luôn làm mới và biết cách làm mới kiến thức cho mình, thì học sinh sẽ có những giờ học lý thú, bổ ích và hiệu quả.”, cô Hằng tâm sự.
 
Tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ để giao tiếp, mà nó còn là phương tiện để nhận thức và tư duy trong cuộc sống. Vì vậy, cô quan niệm rằng nhà trường và lớp học chính là một xã hội thu nhỏ. Trong các tiết dạy, cô đã thiết kế thêm các hoạt động giúp học sinh đóng vai, hóa thân thành những doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ, ca sỹ, người nổi tiếng, hoặc đưa ra tình huống về một vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội để học sinh thực hành giải quyết.
 
Ngoài ra, cô cũng đã tổ chức cho học sinh các phương pháp làm việc, hợp tác theo nhóm, kỹ thuật “mảnh ghép”, nhìn tranh đoán chữ, kỹ thuật động não, sơ đồ tư duy, nhằm làm cho học sinh chủ động tham gia vào bài học và rèn luyện những kỹ năng cơ bản cho sự sáng tạo, tư duy logic, khoa học, tạo ra lối sống tích cực, tự tin trong sử dụng tiếng Anh.
 
Thế nhưng, sản phẩm cuối cùng của người giáo viên chính là những thành tích của học sinh? Câu hỏi đặt ra có vẻ thừa đối với một giáo viên thâm niên và bề dày thành tích 15 năm bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Anh như cô. Bởi, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, các học sinh của cô đã đạt 12 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 giải nhất, 4 giải nhì và các giải ba, khuyến khích. Trong các kỳ thi tiếng Anh trực tuyến (IOE), nhiều em cũng đã đạt giải nhất, nhì cấp tỉnh và 2 huy chương bạc cấp toàn quốc; 1 giải nhì, 1 giải ba trong kỳ thi “Tài năng tiếng Anh” (OTE).
 
Cô chia sẻ: “Điều quan trọng nhất của người giáo viên trong quá trình dạy học phải là người “truyền lửa” để khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Mỗi bài dạy tôi khai thác hết các vấn đề liên quan, tìm ra mẹo dễ nhớ và tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Khi tâm lý của các em thoải mái, tự các em sẽ cảm nhận được cái hay, sâu lắng của mỗi bài học. Muốn vậy, trước hết, giáo viên phải là tấm gương tự đào tạo, tự học hỏi và rèn luyện để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
 
Không thể có một bài giảng hay nếu kiến thức chỉ đóng khép trên sách giáo khoa hoặc giới hạn trên trang giáo án đã được soạn sẵn. Nếu biết chọn lọc và chịu khó học hỏi, thì những “người thầy” của chúng ta chính là các phương tiện thông tin, mạng internet và những cuốn sách hay”.
 
Thành tích cô giáo Trịnh Thị Hằng đã đạt được:
 
- 5 năm liền, từ năm 2013 đến 2018, là chiến sỹ thi đua cơ sở.
 
- Năm 2016, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.
 
- Năm 2017, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.
 
- Năm 2019, là 1 trong 2 đại diện của ngành giáo dục Quảng Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh “Nhà giáo của năm 2019”.
 
- Năm 2020, được Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020”.
 
Dương Công Hợp