Sẽ triển khai dạy trực tuyến trong trường phổ thông từ năm học tới?

  • 14:58 | Thứ Sáu, 24/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa giáo dục trực tuyến trở thành nội dung giáo dục thường xuyên trong các nhà trường từ năm học tới.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút xây dựng dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng từ năm học tới. Đây là chia sẻ của ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Dạy học trực tuyến từng phần
 
- Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng dự thảo về quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Vậy ông có thể chia sẻ kỹ hơn về dự thảo này?
 
- Ông Tô Hồng Nam: Hiện Cục Công nghệ thông tin đang phối hợp với Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học xây dựng dự thảo quy chế này. Đây sẽ là lần đầu tiên có quy chế chính thức cho việc thực hiện phương thức dạy học này để ngành giáo dục quyết tâm thực hiện tốt, làm bài bản, có căn cứ pháp lý. Dự kiến, quy chế có thể được ban hành và đưa vào áp dụng từ năm học tới.
 
Theo đó, dạy học trực tuyến sẽ là một phần của hoạt động dạy học trong nhà trường, không phải chỉ là giải pháp tình thế chỉ được áp dụng khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh như giai đoạn vừa qua.
 
Các bài học sẽ chia nhỏ ra thành từng phần. Phần nào có thể dạy trực tuyến thì thực hiện trực tuyến để học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi. Phần nào cần học trực tiếp thì vẫn giảng dạy trên lớp hay kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.
 
Tất nhiên, việc dạy học trực tuyến còn liên quan đến nhiều yếu tố về điều kiện thực tế ở các nhà trường như đội ngũ giáo viên, đường truyền internet, máy tính... Vì thế, Bộ sẽ chỉ quy định khung, việc thực hiện sẽ do các trường tự chủ dựa trên thực tiễn ở địa phương, cơ sở mình.
 
Dự thảo cũng sẽ quy định về việc công nhận học trực tuyến trong trường hợp nào. Chúng tôi cũng đang cân nhắc xem có trực tuyến toàn phần không? Đây là mức độ rất cao của học trực tuyến. Hiện chúng ta mới đang hướng đến trực tuyến một phần, sau đó có thể tăng dần lên. Ví dụ các trường đại học đang dự kiến học trực tuyến 20%.
 
- Được biết để xây dựng dự thảo, bộ cũng đã có các đoàn đi thực tế ở các địa phương. Từ thực tế đó, ông có thể cho biết việc triển khai học trực tuyến ở các nhà trường có những thuận lợi, khó khăn gì?
 
Ông Tô Hồng Nam: Thực tế, việc học trực tuyến ở các trường còn rất nhiều khó khăn như về nhận thức, chính sách.
 
Học trực tuyến có hai phần, học thời gian thực và không thực, trong đó học thời gian không thực mới là phần chính của học trực tuyến. Với các lớp học trực tuyến, giáo viên không đối diện trực tiếp với học sinh nên làm thế nào để quản lý lớp học là một kỹ năng sư phạm mới, khác với lớp học truyền thống. Các bài giảng online thì phải làm thế nào để học sinh hiểu bài, khuyến khích học sinh tự học, ham học. Vì thế, giáo viên cần phải được bồi dưỡng về kỹ năng dạy học trực tuyến. Học sinh cũng phải được học kỹ năng học trực tuyến.
 
Bên cạnh đó, học trực tuyến còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như thu tiền thế nào, phụ huynh tham gia làm sao, chia sẻ thế nào, vấn đề bản quyền bài giảng...
 Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: PV)
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: PV)
Xu thế tất yếu
 
Khi việc thực hiện phụ thuộc vào điều kiện của từng trường và do các trường chủ động, bộ có giải pháp gì để thúc đẩy sự chủ động đó, thưa ông?
 
Ông Tô Hồng Nam: Bản thân học trực tuyến đã là động lực. Nếu triển khai được việc học trực tuyến sẽ tiết kiệm nhiều thứ, như giảm áp lực về cơ sở vật chất như không phải bàn ghế, trường lớp; tiết kiệm thời gian; giảm chi phí; tri thức được lan tỏa dễ dàng...
 
Học trực tuyến cũng tạo điều kiện huy động xã hội hóa như việc phụ huynh sẽ trang bị máy tính cho học sinh khi con học trực tuyến ở nhà mà không cần đến ngân sách nhà nước.
 
Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ có những khuyến khích để các trường thực hiện như có khen thưởng.
 
Đây là mô hình rất tích cực, tất nhiên sẽ ở những nội dung phù hợp và có những môn không thể thay thế, ví dụ như các môn văn thể mỹ. Đó là xu hướng và chúng ta phải thay đổi nếu muốn hội nhập quốc tế.
 
- Thực tế dạy học trực tuyến trong giai đoạn nghỉ vì dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất nhiều khó khăn để triển khai. Khi đưa trực tuyến trở thành một hoạt động dạy học thường xuyên, bộ sẽ có chính sách gì để hỗ trợ những khu vực này, thưa ông?
 
Ông Tô Hồng Nam: Bộ sẽ có chính sách riêng với các vùng khó khăn. Ngay trong đợt nghỉ vì dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp với các nhà mạng có chính sách hỗ trợ đường truyền, nền tảng phần mềm học tập... cho các vùng này. Các hoạt động hỗ trợ sẽ tiếp tục được duy trì, nếu không đến được tất cả các điểm thì có thể gom từng điểm, không có wifi thì có thể có 3G, 4,G đưa đến vùng sâu vùng xa.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Phạm Mai (Vietnam+)