Việc lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức thi tốt nghiệp THPT phải rất thận trọng

  • 15:13 | Thứ Năm, 18/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: Điểm mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là thay đổi mục tiêu tổ chức, các UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ. Việc lựa chọn nhân sự tham gia làm thi của các địa phương phải rất thận trọng.
 
Điểm trưởng điểm thi phải “ngay ngắn”  
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Vân
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Vân
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điểm mới nên tất cả nhân sự tham gia làm thi phải hiểu kỹ, nắm chắc quy chế để triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, “yếu tố con người rất quan trọng” - Thứ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý khi lựa chọn nhân sự tham gia làm thi, đảm bảo vừa vững chuyên môn, vừa có đạo đức, trách nhiệm.
 
"Những người có nhân thân không đáp ứng yêu cầu, tuyệt đối không giao nhiệm vụ tham gia làm thi. Người đứng đầu điểm thi mà “ngay ngắn” thì việc tổ chức kỳ thi ở điểm thi đó được đảm bảo. Mỗi điểm thi thực hiện tốt, đảm bảo các nhiệm vụ, các khâu thì cả kỳ thi sẽ thành công tốt đẹp”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.      
 
Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương chọn đúng người, giao đúng việc, tập huấn kỹ lưỡng để nhân sự nắm chắc quy chế, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi và xử lý tốt các tình huống phát sinh. Khi làm đúng và làm tốt từ ban đầu, những bước tiếp theo của kỳ thi sẽ được đảm bảo.     
 
Lưu ý những bất cập của kỳ thi năm trước về chuẩn bị máy chấm trắc nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Việc chuẩn bị cấu hình máy tương thích với máy in cũng phải được địa phương chuẩn bị kỹ càng. Hội đồng coi thi, trưởng ban chấm thi phải dành ít nhất 2 ngày sẵn sàng các điều kiện mới trực tiếp đi chấm thi. 
 
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thực chất, Sở GD&ĐT Hà Nội quan tâm toàn diện ở mọi khâu, đặc biệt là công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi.     
 
Hà Nội dự kiến điều động khoảng 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu của kỳ thi. Hiện tại, Sở đã rà soát 8.000 cán bộ, giáo viên cấp THPT và 2.000 cán bộ, giáo viên cấp THCS. Đây là nguồn nhân lực để Hà Nội huy động tham gia các khâu của kỳ thi.     
 
Những người tham gia nhiệm vụ phải bảo đảm các quy định của Bộ GD&ĐT, có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ làm thi... Những người chưa học quy chế thi, không nắm vững nghiệp vụ làm thi sẽ không được giao nhiệm vụ.     
 
“Sở tăng cường công tác thanh tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ phận ở mọi khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi để hạn chế thấp nhất các sai sót và bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh”, ông Phạm Quốc Toản cho biết.
 
Bám sát những điểm mới 
 
Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kỳ thi năm nay có điểm mới nhất là do UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương; việc tổ chức kỳ thi có sự liên quan đến nhiều Bộ, ban, ngành. Do đó, Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định: Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên ban chỉ đạo thi này. Tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên các ban, hội đồng được quy định rõ ràng.     
 
Công tác coi thi của kỳ thi cũng có điểm mới là không có sự tham gia của giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Quy chế quy định: Trưởng Điểm thi, Phó trưởng Điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020.      
 
Mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau; Mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Cán bộ coi thi được tham gia bắt thăm phân công nhiệm vụ coi thi, bảo đảm nguyên tắc một cán bộ không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi.   
 
Trong quá trình coi thi, khi gặp các tình huống bất thường, đặc biệt là tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho Trưởng Điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý. Ông Phạm Quốc Khánh đề nghị các địa phương tập huấn kỹ lưỡng quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT tới toàn bộ cán bộ, giáo viên được phân công tham dự tổ chức kỳ thi này.         
 
Theo Lê Vân (Báo Tin tức)