Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện chương trình, SGK mới

  • 07:22 | Thứ Ba, 23/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) trong năm học 2020-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có Chỉ thị số 11-CT/TU nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Quảng Bình đã hoàn thành việc lựa chọn SGK mới cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.
Quảng Bình đã hoàn thành việc lựa chọn SGK mới cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.
Để thực hiện đúng lộ trình quy định, thời gian qua, Quảng Bình đã nỗ lực xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn, như: cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu; tỷ lệ học sinh trên lớp đông; biên chế giáo viên (GV) còn thấp so với quy định của bộ; kinh phí thực hiện chưa đáp ứng kịp thời… .   
 
Để kịp thời khắc phục những khó khăn trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, từ đó huy động lực lượng, mà nòng cốt là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) ngành Giáo dục thực hiện thắng lợi đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
 
Trong đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và các kế hoạch của Bộ GD-ĐT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều chỉnh số lượng học sinh/lớp nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực đáp ứng yêu cầu khi thực hiện chương trình, SGK mới. 
 
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sắp xếp cơ sở vật chất, trường lớp, phòng chức năng hiện có; có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. 
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều trường trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều trường trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu.
Chỉ thị cũng yêu cầu cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo, CBQL trường học, CBQL ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp, nhân viên các trường học; xác định nhu cầu GV để thực hiện chương trình, SGK mới; có biện pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV từng cấp học, bộ môn; sử dụng biên chế tiết kiệm được từ việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, các lĩnh vực khác sang tự chủ ở những nơi có điều kiện để bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục bảo đảm theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT; chỉ đạo lựa chọn SGK giáo dục phổ thông phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức dạy học của địa phương; tổ chức biên soạn, thẩm định và triển khai nội dung giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT phù hợp với kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình...
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, kế hoạch thực hiện của Nhà nước; tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. 
 
Các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.  
 
Nội Hà