Lớp học đặc biệt cho học sinh vùng cao

  • 07:50 | Thứ Năm, 02/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các xã vùng cao, huyện Lệ Thủy đã tổ chức 2 lớp học đặc biệt hệ THPT cho các em học sinh nơi đây. Hiện, các lớp học đang duy trì tốt, góp phần giúp huyện hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập THCS mức độ 3.
 
Huyện Lệ Thủy có 3 xã miền núi vùng cao gồm Kim Thủy, Lâm Thủy và Ngân Thủy. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều. Trước năm 2018, các xã miền núi này có từ 120 đến 150 em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có khoảng 30 em được về học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Phần lớn còn lại phải ở nhà hoặc đi làm thuê, học nghề. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết: “Do không được học tiếp lên THPT nên nhiều em nghỉ học ở nhà, tụ tập uống rượu, hút thuốc, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Do thiếu kiến thức nên nhiều em lấy chồng sớm dẫn đến tảo hôn, thậm chí là hôn nhân cận huyết thống”.
 
Trước thực trạng này, năm học 2018-2019, huyện Lệ Thủy đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình lớp học THPT cho học sinh các xã vùng cao ngay tại huyện. Lớp học nhằm tạo điều kiện cho học sinh miền núi theo học sau tốt nghiệp THCS, tăng tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tiếp tục học lên sau tốt nghiệp THCS, góp phần giúp huyện đạt tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 ở các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy trên 71% vào năm học 2020-2021. Đồng thời, giúp các địa phương này có thêm nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai. 
 Các em học sinh vùng cao huyện Lệ Thủy đang học THPT tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện.
Các em học sinh vùng cao huyện Lệ Thủy đang học THPT tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, Phòng Giáo dục-Đào tạo đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề, Trường phổ thông dân tộc nội trú và các xã triển khai công tác tuyển sinh, lên chương trình để tổ chức dạy học. Hiện, huyện Lệ Thủy đã tổ chức được 2 lớp học (lớp 10 và lớp 11) cho trên 70 học sinh tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Giáo viên dạy 2 lớp học đặc biệt này là các thầy, cô giáo của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện và một số giáo viên thính giảng đến từ các trường THPT trên địa bàn. Kinh phí tổ chức cho mỗi lớp học 500 triệu đồng/năm, được trích từ ngân sách của huyện."
 
Thầy giáo Lê Văn Bình, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lệ Thủy cho biết: “Các em học ở đây được hưởng chế độ bán trú tương đương như học sinh trong trường. Ngoài việc học văn hóa, các em còn được học nghề điện, may trong hai năm học đầu tiên. Nhà trường cũng đã bố trí hai phòng học và các phòng ở chu đáo; thuê bảo vệ, cử giáo viên quản lý, theo dõi các hoạt động hàng ngày của các em”. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động khác cho các em như: tăng gia sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều... Từ đó, khơi dậy trong mỗi học sinh ý thức tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình để cố gắng học tập."
 
Em Hoàng Thị Nguyệt, học sinh lớp 11 chia sẻ: “Trước đây, cứ tưởng học xong THCS là em phải ở nhà để lấy chồng, làm rẫy. Nhưng rất may là huyện mở lớp THPT nên em đã được đi học. Trường cũng không xa nhà nên em được gia đình về thăm thường xuyên. Ở đây, em được các thầy cô dạy chữ, dạy nghề, được tham gia các hoạt động thể dục-thể thao bổ ích và có thêm nhiều bạn bè. Sau này tốt nghiệp, em sẽ cố gắng học lên để trở thành cán bộ xã”. Nguyệt là học sinh khóa đầu tiên của lớp học THTP dành cho con em các xã vùng cao. Trước em, các thế hệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS xong không được xét về Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đều ở nhà, không được học lên, trong khi địa phương vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. 
Ngoài học văn hóa, các em còn được học nghề may, điện.
Ngoài học văn hóa, các em còn được học nghề may, điện.
Việc mở lớp học hệ THPT cho các em các xã miền núi tại huyện Lệ Thủy đã giúp các em viết tiếp ước mơ trên con đường học tập. Anh Hồ Văn Trinh, một người dân ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy cho biết: “Mô hình lớp học THPT rất ý nghĩa đối với học sinh ở các xã miền núi. Qua 2 năm, tôi thấy nhiều con em trong bản được đi học, nhận thức, trình độ các cháu cũng được nâng lên đáng kể. Bản làng cũng giảm được các tệ nạn rượu chè, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tôi rất mong mô hình này tiếp tục duy trì thật lâu để con em trong bản không còn cảnh nghỉ học giữa chừng như trước”.
 
Qua gần 2 năm học lớp học THTP đặc biệt này, học sinh đã có ý thức học tập và rèn luyện tốt. Tỷ lệ tuyển sinh luôn đạt kế hoạch được giao, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên lớp đạt 95% trở lên. Học sinh hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 80%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt gần 92%. Có thể nói, mô hình lớp THPT cho học sinh các xã miền núi trên địa bàn huyện Lệ Thủy rất phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của địa phương. Đây là mô hình duy nhất của tỉnh, cần nhân rộng trong các địa phương.
 
Xuân Vương - Ngọc Hải