Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:

Ngành Giáo dục và Đào tạo: Hành trình 10 năm góp sức xây dựng nông thôn mới

  • 22:40 | Thứ Ba, 19/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên hành trình 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực vượt khó, góp sức hoàn thiện bức tranh NTM Quảng Bình bằng những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tươi màu ngói mới, là hành trang vững chắc để toàn ngành hoàn thành sứ mệnh “trồng người” như lời Bác Hồ căn dặn.
 
Góp sức hoàn thiện bức tranh NTM
 
Cùng với cả tỉnh, 10 năm xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), toàn ngành GD-ĐT đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí về trường học (tiêu chí 5), GD-ĐT (tiêu chí 14)... Trong đó, Quảng Bình đã chọn điểm đột phá là huy động và tập trung các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Từ phong trào xây dựng trường chuẩn đã có sức tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường; nhất là chất lượng giáo dục ở các trường đạt chuẩn được nâng lên rõ rệt.
 
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao đổi, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh các nội dung, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo từng giai đoạn trong toàn tỉnh, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhằm từng bước thực hiện lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Đồng thời, hàng năm, sở đều tiến hành kiểm tra rà soát các xã chưa đạt 2 tiêu chí trường học, giáo dục và đào tạo để hỗ trợ kịp thời.
Nhiều ngôi trường được xây dựng khang trang, hiện đại đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
Nhiều ngôi trường được xây dựng khang trang, hiện đại đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
Trong gần 10 năm qua, được sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh... giai đoạn 2011-2015, nguồn đầu tư thực hiện các tiêu chí giáo dục là 198.251 triệu đồng; giai đoạn 2016-2020, có tổng kinh phí là 799.838 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các ngôi trường từ đồng bằng đến miền núi đã được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhân dân toàn tỉnh.
 
Gian nan thực hiện tiêu chí số 5 và 14...
 
Đối với việc thực hiện tiêu chí số 14-GD-ĐT (phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) 85%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 40%), Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về phổ cập giáo dục (PCGD) MN cho trẻ 5 tuổi: 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD MNT5T, đạt 100%; tỉnh duy trì đạt chuẩn PCGD MNT5T.
 
PCGD TH: 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD TH mức độ 2 trở lên, trong đó 7/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3; tỉnh duy trì đạt chuẩn PCGD TH mức độ 2.
 
PCGD THCS: tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT, giáo dục nghề nghiệp đạt 86,7%; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1 trở lên (trong đó, 6 huyện, thị xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 và TP. Đồng Hới đạt chuẩn PCGD THCS mức 3); tỉnh duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.
 
Về xóa mù chữ: 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
 
Còn để thực hiện tiêu chí số 5, theo đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, Quảng Bình là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ lại thường xuyên xảy ra..., việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học để đạt tiêu chí số 5- trường học (tỷ lệ trường học các cấp: MN, mẫu giáo, TH, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia 80%) là cả một hành trình gian khó...
 
Tính đến năm học 2018-2019, tỉnh ta có 850 trường và cơ sở giáo dục, bao gồm: 229 trường và cơ sở giáo dục MN, 199 trường TH, 25 trường TH và THCS, 141 trường THCS, 6 trường THCS và THPT, 27 trường THPT...
 
Sau nhiều năm nỗ lực, toàn tỉnh có 372 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 63,1% (trong đó, MN: 88/184, đạt tỷ lệ 47,83%; TH: 170/199 trường, đạt tỷ lệ 85,43%; THCS: 99/166 trường, đạt tỷ lệ 59,64%; THPT: 15/33 trường, đạt tỷ lệ 45,45%).
 
Phấn đấu giai đoạn 2025-2030 tỉnh đạt các tiêu chí về giáo dục
 
Có thể nói, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Quảng Bình đã có 62 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục xây dựng một số xã NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu... nhằm không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trong thành tích chung đó, ngành GD-ĐT đã góp một phần không nhỏ cho bức tranh NTM tỉnh nhà ngày càng hoàn thiện. 
Học sinh được học tập tốt hơn trong những ngôi trường đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
Học sinh được học tập tốt hơn trong những ngôi trường đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.

Việc tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường MN và phổ thông; tạo điều kiện thuận lợi cho con em vùng nông thôn, nhất là vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được đến lớp. Đến nay, Quảng Bình là một trong số ít các tỉnh hoàn thành PCGD cho trẻ MN 5 tuổi trên toàn quốc.

Cùng với đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị dạy học tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục quan tâm. Trang thiết bị phục vụ dạy và học, thư viện các trường học đã được cải thiện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ phòng học văn hóa được kiên cố hóa toàn ngành đạt 76,45%; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học bộ môn đạt 82,34%; tỷ lệ kiên cố hóa các phòng chức năng, thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành đạt 71%; 100% các trường phổ thông có thư viện. Ngành cũng tập trung đầu tư trang thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời cho các lớp MN 5 tuổi, phòng học ngoại ngữ, phòng học bộ môn theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, có 18 trường MN được trang cấp thiết bị đồ dùng trong lớp, đồ chơi ngoài trời hỗ trợ xây dựng NTM; 41 trường phổ thông được trang bị phòng học ngoại ngữ... Các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện lồng ghép xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí NTM và xây dựng trường học thân thiện.
 
"Với những kết quả đạt được, toàn ngành quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu giai đoạn 2025-2030 tỉnh đạt các tiêu chí về giáo dục của bộ tiêu chí NTM và GD-ĐT Quảng Bình sẽ được đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ tiên tiến của cả nước, khu vực, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân tin tưởng.
Lệ Thủy là địa phương có hơn 57% số xã đạt chuẩn NTM (16/28 xã), đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM và hiện một số xã đang tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu... Lệ Thủy phấn đấu thực hiện huyện đạt chuẩn NTM trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Trong xây dựng NTM, huyện chú trọng ưu tiên thực hiện các tiêu chí giáo dục, dành nguồn đầu tư cho giáo dục khá lớn, xấp xỉ 18-20% trong tổng dự toán của toàn huyện. Trong đó, tập trung ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các trường ở các xã xây dựng NTM và các trường ở địa bàn vùng sâu vùng xa... Đến nay, huyện đã có 68/88 trường (trên 77%) đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, ngành GD-ĐT, mà cụ thể là đội ngũ nhà giáo trên địa bàn toàn huyện đã rất tích cực, nỗ lực thực hiện xây dựng NTM, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành. Bên cạnh cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khang trang, hiện đại... thì chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên rõ rệt, với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nội Hà