Thi THPT quốc gia trên máy tính có tránh được gian lận thi cử?

  • 09:10 | Thứ Tư, 02/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2021 khi áp dụng thi THPT quốc gia trên máy tính, thí sinh có thể tham dự 1 số đợt thi trong năm do đơn vị khảo thí độc lập tổ chức.
 
Bộ GD-ĐT cho biết, mục tiêu của phương án thi mà Bộ đề xuất là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, đảm bảo độ tin cậy. Kỳ thi dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học, từ đó tác động tích cực trở lại đổi mới quá trình đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Kết quả này sẽ dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh tự chủ.
Theo phương án của Bộ GD-ĐT, từ năm 2021, thí sinh thi THPT quốc gia trên máy tính.
Theo phương án của Bộ GD-ĐT, từ năm 2021, thí sinh thi THPT quốc gia trên máy tính.
Hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng được các quy định, học sinh được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu có nhu cầu dự thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia.
 
Phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi trên máy tính nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
 
Nói về phương án thi mới, thầy Nguyễn Công Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội cho rằng, khi học sinh chưa có điều kiện thi THPT quốc gia và đã hoàn thành chương trình học vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành, khi nào học sinh có điều kiện mới thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. “Trong thời kỳ hội nhập, công nghệ thông tin phát triển, học sinh được tiếp cận và sử dụng CNTT nhiều hơn, việc thi trên máy tính nên trở thành tất yếu”, thầy Nguyễn Công Vinh nói.
 
Hiệu trưởng THPT Hà Nội cũng cho rằng, khi tổ chức thi theo phương án này, cần làm rõ quy định tổ chức nhiều đợt thi trong năm, bởi các trường tuyển sinh theo mùa, không thể kéo dài thời gian, nên tổ chức thi THPT quốc gia từ tháng 6 đến tháng 10 để học sinh mở rộng khả năng đăng ký thi, phù hợp với lịch học các trường.
 
“Bộ GD-ĐT nên sớm công bố các bước, văn bản hướng dẫn và lộ trình để các trường góp ý, từ đó đưa ra văn bản chính thức, lộ trình để các trường phổ biến đến học sinh, giáo viên, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới”, thầy Vinh cho biết.
 
Thầy Vinh cũng cho rằng, trong những năm trước đây, tiêu cực thi cử xảy ra do con người và những sơ hở về phần mềm, quy trình chấm thi trắc nghiệm. Do đó, cần nghiêm túc  rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý về mặt công nghệ.
 
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng, đây là xu thế đổi mới thi cử đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nếu thực hiện được đúng theo những gì để ra, sẽ có thể đem lại những kết quả tốt hơn cho kỳ thi THPT quốc gia.
 
Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cũng cho rằng, việc thi trên máy tính sẽ hạn chế sự tác động của con người, thậm chí ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi, hệ thống phần mềm chấm thi đã lập tức cho ra kết quả, đây cũng là một trong những cách để hạn chế các vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử. “Càng ít sự tham gia của con người trong quá trình chấm thi càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề gian lận thi cử, phần lớn đều do con người. Một khi đã cố tình vi phạm, thì vẫn sẽ có những cách để lách luật. Việc này giống như khi tham gia giao thông, dù luật đã quy định rất rõ ràng, nhưng vẫn có những người cố tình vi phạm thì rất khó ngăn chặn một cách tuyệt đối”, thầy Nhâm nhấn mạnh.
 
Cần có thời gian cho học sinh tập dượt
 
Thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng, với phương án tổ chức thi trên máy tính, cần tính đến những nơi chưa đảm bảo về cơ sở vật chất. Khi thành lập các tổ chức kiểm tra đánh giá độc lập, với những vùng sâu vùng xa có thể đặt một trạm thi trên máy tính. Điều này hoàn toàn có thể  khắc phục được. Bên cạnh đó, ở khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, cần có thời gian cho học sinh tập dượt các hình thức thi trên máy tính.
 
Theo Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, để kỳ thi diễn ra thành công, khâu chuẩn bị ngân hàng đề thi cần được đặc biệt chú trọng. “Để làm ngân hàng đề thi cần sự chuẩn bị công phu, tâm huyết. Nếu hệ thống ngân hàng đề thi không được làm cẩn thận sẽ rất khó khắc phục về sau. Giải pháp công nghệ có thể dễ dàng, nhưng vấn đề về nội dung đề thi mới thực sự quan trọng. Khi số lượng câu hỏi lớn, việc kiểm soát sẽ rất khó. Ngoài ra, khi xây dựng đề thi cũng cần đưa ra các thông số, các câu hỏi nằm ở đâu trong chương trình, mức độ tư duy. Nên có sự phân hóa các câu hỏi thành các nhóm khác nhau từ khó đến dễ”.
 
Nói thêm về phương án thi mới, thầy Nhâm cho hay, Bộ GD-ĐT nên sớm có những quy định cụ thể về hướng dẫn sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Giấy chứng nhận này có tác dụng gì, học sinh có được dùng để học các khóa đào tạo nghề hay không? Nếu có, thì sau khi hoàn thành học nghề, học sinh có được liên thông lên các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học hay không, hay phải thi lại.
 
“Hiện nay đang trong giai đoạn giao thời, còn về lâu về dài Bộ nên tiến đến giao việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12, hay công nhận tốt nghiệp cho các trường, Sở GD- ĐT các địa phương. Việc các trung tâm khảo thí độc lập dùng kết quả thi chỉ dùng để xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Hiện nay chưa thể khắc phục được ngay, nhưng nếu duy trì sẽ xảy ra bất cập ở chỗ bằng tốt nghiệp THPT phải theo chuẩn chung. Nếu nhiều đơn vị khác nhau kiểm tra đánh giá để xét công nhận tốt nghiệp sẽ không ổn”./.
 
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN