Tuyên Hóa: Kỳ vọng năm học mới

  • 10:21 | Thứ Năm, 05/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, chất lượng giáo dục ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các bậc học. Bước vào năm học mới 2019-2020, huyện Tuyên Hóa tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học trên địa bàn.
 
Những kết quả đáng ghi nhận
 
Với đặc trưng của huyện miền núi, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nhận thức của người dân về việc học của con em, tuy nhiên, vượt lên khó khăn, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, trong năm qua, ngành Giáo dục huyện Tuyên Hóa đã gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận.
 
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tuyên Hóa cho biết, năm học 2018-2019, ngành Giáo dục huyện tiếp tục giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở với tỷ lệ trên 95%. Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp, điều chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường.
 
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện đã bám sát nhiệm vụ được giao để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
 
Điển hình như: phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” không ngừng được đổi mới về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Qua đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả; nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều gương người tốt, việc tốt được biểu dương và ghi nhận.
 
Toàn huyện hiện có 53 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 75,7% (trong đó, mầm non 11 trường, đạt tỷ lệ 44,0%; tiểu học 25 trường, đạt tỷ lệ 100%; THCS 17 trường, đạt tỷ lệ 85,0%); duy trì 20/20 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.
 
Phong trào tự học, tự bồi dưỡng, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được chú trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chăm lo đầu tư nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ và hiệu quả hoạt động giáo dục ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học ngày càng cao (bậc học mầm non 80,8%, tiểu học 96,8%, THCS 92,3%).
Điểm trường ở bản Cà Xen, thuộc Trường tiểu học xã Thanh Hóa được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người Mã Liềng.
Điểm trường ở bản Cà Xen, thuộc Trường tiểu học xã Thanh Hóa được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người Mã Liềng.
Ngành Giáo dục huyện Tuyên Hóa cũng đã thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Việc phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu là một trong những công tác được ngành quan tâm. Số lượng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia ngày càng tăng, từ cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa đến các cuộc thi giải Toán qua mạng, Tiếng Anh qua mạng, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... Năm 2018-2019, trong các cuộc thi, học sinh toàn huyện đạt 16 giải cấp tỉnh trở lên, trong đó có 2 giải quốc gia.
 
Với việc thực hiện tốt chủ đề theo từng năm học, cùng với các cuộc vận động của ngành, những năm qua, ngành Giáo dục huyện luôn đạt được nhiều thành tích nổi bật. Hàng năm, Phòng GD-ĐT huyện đều đạt các tiêu chí của Bộ GD-ĐT đề ra, trong đó có từ 8-11 tiêu chí đạt xuất sắc; từ năm học 2009 -2010 đến nay, phòng luôn được công nhận tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2018-2019, toàn huyện có 5 tập thể và 2 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và Trường mầm non Mai Hóa được tặng cờ thi đua.
 
Sẵn sàng cho năm học mới
 
Với đề án quy hoạch mạng lưới giáo dục đến năm 2020, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã và đang từng bước được nâng cấp, mở rộng, xây mới khang trang đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập.
 
Đến nay, ngành Giáo dục huyện Tuyên Hóa cơ bản đã hoàn thiện mạng lưới trường lớp. Toàn huyện có 25 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 17 trường THCS và 3 trường TH-THCS (trong đó có 1 trường PTDTBT TH-THCS), với 719 phòng học (gồm 490 phòng kiên cố, 208 phòng bán kiên cố). Bước vào năm học mới, toàn huyện có gần 17.000 học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THCS, với hơn 1.200 cán bộ, giáo viên.
 
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, ngành Giáo dục huyện đã chủ động tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp học đã xuống cấp cần sửa chữa hoặc đầu tư xây mới; đồng thời, kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, lên kế hoạch mua sắm, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho năm học mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được rà soát và bổ sung kịp thời, bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu dạy và học.
 
Tại Trường tiểu học số 1 Đồng Lê, ngay từ những ngày đầu tháng 8, không khí chuẩn bị cho năm học mới diễn ra khẩn trương. Toàn bộ khuôn viên, cây cảnh đến bàn ghế, lớp học đều được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, ngay sau kỳ nghỉ hè, toàn thể giáo viên trong trường đều tập trung dọn dẹp vệ sinh trường lớp và chuẩn bị đầy đủ thiết bị, tài liệu để bắt đầu năm học mới. Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng công tác chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới, nhằm tạo không khí phấn khởi, thân thiện để đón các em học sinh bước vào lớp 1.
 
Còn tại Trường PTDTBT TH-THCS Lâm Hóa, qua hơn 1 tháng tích cực bám bản, các thầy cô nơi đây đã duy trì đủ sĩ số các lớp học, bảo đảm các em học sinh người Mã Liềng trong độ tuổi đều được đến trường.
 
Thầy giáo Nguyên Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cùng với các nguồn vốn được phân bổ của ngành Giáo dục và ngân sách địa phương, nhà trường đã huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng nội trú, nhà bếp, nhà ăn để đáp ứng tốt nhất điều kiện học tập cho các em.
 
Năm học 2019-2020 đã bắt đầu, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành Giáo dục huyện Tuyên Hóa kỳ vọng sẽ có những bước tiến vững chắc, xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong thời kỳ mới.
 
X.Phú