Đi "bắt" học trò

  • 07:23 | Thứ Ba, 03/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi khắp nơi, giáo viên, học sinh đang rộn ràng chuẩn bị đón chào năm học mới thì các thầy, cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Hóa (Tuyên Hóa) phải tất tả đi "bắt" học trò. Chuyện các thầy cô phải lội suối, cắt rừng lên rẫy hay ở dầm cả tuần trong bản để "phục" học trò đưa về lớp không phải hiếm.
 
Những ngày cuối tháng tám, có dịp theo chân các thầy cô Trường PTDTBTTH và THCS Lâm Hóa vào bản vận động các em học sinh người Mã Liềng ra lớp, chúng tôi mới biết rằng, nghiệp dạy chữ miền rẻo cao thật lắm gian nan...
 
Lắm chuyện bi hài
 
Ở xã Lâm Hóa, người Mã Liềng được vận động về định canh, định cư ở các bản Kè, Cáo, Chuối từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, tộc người này có hơn 100 hộ với khoảng 600 nhân khẩu. Những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp từ các chương trình, dự án và của các cấp chính quyền, người Mã Liềng đã quen dần với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ vẫn rất khó thay đổi. Đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành của con cái.
 
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, để chuẩn bị cho năm học mới, các thầy, cô giáo Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa lại phân công nhau về các bản để vận động các em học sinh người Mã Liềng ra lớp. Trong 3 bản của người Mã Liềng thì bản Kè là xa trung tâm nhất, đông nhân khẩu nhất và cũng "cứng đầu" nhất. Mấy năm trước, Nhà nước đầu tư xây cầu treo bắc qua suối vào bản nên việc đi lại khá thuận tiện. 
Các thầy, cô giáo vận động học sinh ở bản Kè, xã Lâm Hóa
Các thầy, cô giáo vận động học sinh ở bản Kè, xã Lâm Hóa
Chúng tôi vào bản Kè lúc chiều muộn bởi theo như các thầy cô ở Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa thì đây là thời điểm dễ gặp phụ huynh và trời tối, học trò cũng khó trốn vào rừng. Thầy Trần Văn Dương, dạy cấp THCS và cũng là giáo viên cắm bản cho biết, khi nghe tiếng xe thầy cô giáo từ đầu bản là học sinh đã nhanh chân lẩn vào rừng. Trong bản cũng có một số nhà có xe máy, nhưng nghe tiếng xe thầy cô là các em nhận ra ngay. Mỗi lần vào bản vận động học sinh phải có trưởng bản hoặc cán bộ xã cắm bản đi cùng thì mới được việc.
 
Khó khăn nhất trong việc vận động học sinh ra lớp là các bậc cha mẹ không hợp tác cùng các thầy, cô giáo. Thầy Hoàng Ngọc Lâm, công tác ở trường đã hơn 10 năm chia sẻ: "Có những trường hợp, các thầy phải đi 5-7 lần mà vẫn không thuyết phục được. Như năm ngoái, tôi vào bản Cáo vận động em Hồ Văn Nguyện ra lớp. Mấy lần đầu, phụ huynh cũng gật đầu đồng ý nhưng đến ngày tựu trường chẳng thấy Hồ Văn Nguyện đến lớp. Tôi lại vào bản gọi thì được bảo: "Cha mẹ của nó có học đâu mà nó phải đi học. Vào rừng đi bẫy thú còn có cái ăn". Hôm sau, tôi cùng cán bộ xã tiếp tục vào bản, thấy rõ Nguyện đang đắp chăn nằm ngủ giữa sàn nhà mà ba mẹ em kiên quyết nói đi rẫy rồi. Thuyết phục mãi họ vẫn không cho chúng tôi vào nhà và mắng rằng: thầy mà lỳ".
 
Năm nào cũng vậy, đầu năm đi vận động học sinh, nhiều lúc lắm chuyện bi hài, cười ra nước mắt. Thầy Dương kể: "Buổi chiều, bà con đi rẫy về thường tụ tập uống rượu, đúng lúc các thầy vào bản, không ngồi cùng thì bảo thầy khinh người, mà ngồi xuống là phải uống, có khi còn bị xin tiền đi mua rượu. Không ít lần, phụ huynh không cho về, giáo viên buộc phải ngồi "tiếp rượu" đến khi say phải điện nhờ đồng nghiệp ở nội trú trong trường vào bản chở về".
 
Vào Nam "bắt" trò
 
Ở Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa, việc vận động học trò đến lớp như một "cuộc chiến" trường kỳ của các thầy, cô giáo. Không chỉ đầu năm học mà dịp sau Tết Nguyên đán, ngay cả giữa năm học, chuyện học sinh bỏ lớp vào rừng hay đi miền Nam thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, các thầy, cô giáo nơi đây lại khăn gói lặn lội tìm đến tận nơi đưa trò về lớp.
 
Năm học 2018-2019, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả trường tá hỏa khi phát hiện vắng 5 em học sinh cấp THCS ở bản Kè. Về bản hỏi gia đình mới biết các em bỏ học vào Bình Dương làm ăn. Các thầy cô gọi điện vào vận động nhưng các em không chịu về. Nhà trường báo với chính quyền địa phương cử thêm Trưởng Công an xã cùng thầy Hoàng Ngọc Lâm đón xe vào Bình Dương "bắt" trò về.
 
Thầy Lâm kể, 5 em rủ nhau đi cùng chuyến xe, nhưng vào tận nơi, mỗi em phân tán một đường. Em thì làm đồn điền, em ở khu công nghiệp. Mất gần 3 ngày, với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, mới tìm được 4 em. Anh Trưởng Công an xã phụ trách dẫn 4 em về, còn thầy Lâm ở lại 5 ngày, lùng sục mãi ở các khu công nghiệp mới tìm được em Cao Văn Bình và đưa về.
 
Về đến nhà, đi học lại được một tuần, ngày nghỉ, em Bình lại trốn nhà bắt xe vào Nam. May mắn, người dân trong bản biết nên báo cho nhà trường. Các thầy trong trường tìm số điện cho nhà xe nhưng họ không hợp tác. Đến khi Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa điện thoại, nhà xe mới cung cấp lộ trình. 
Bữa ăn bán trú của các em học sinh Trường PTBTDT tiểu học và THCS Lâm Hóa.
Bữa ăn bán trú của các em học sinh Trường PTBTDT tiểu học và THCS Lâm Hóa.
Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường kể lại: "Nhà tôi ở Đồng Hới, cuối tuần nên tôi về nhà. Nghe tin, tôi lập tức chạy lên đường Hồ Chí Minh đón chặn xe. Khi đó trời mưa rả rích, chờ hơn 1 giờ đồng hồ mới đón được xe. Thấy bóng tôi, em Bình đắp chăn kín mặt, núp dưới sàn xe. Khi tôi lật chăn thì em tỏ vẻ ngơ ngác, không biết tôi là ai. Cả nhà xe nghi ngờ, nghĩ tôi bắt cóc trẻ em, dùng dằng mãi cho đến khi xe của cán bộ xã và các thầy đuổi kịp thì mới "hộ tống" được em Bình về nhà".
 
Năm nay, sắp đến ngày khai giảng nhưng còn thiếu 5 em học sinh người Mã Liềng chưa về trường. Mấy ngày qua, thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường rất sốt ruột. Thầy Tâm chia sẻ, thiếu học sinh, đặc biệt là các em học sinh Mã Liềng không đơn giản là chuyện phổ cập. Chỉ cần thiếu một em là các em khác rất dễ bỏ học theo.
"Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa có 34 giáo viên, với 213 học sinh, trong đó có 120 học sinh người Mã Liềng. Các em được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ngày. Để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mã Liềng về việc học, đòi hỏi sự miệt mài và tâm huyết của những người theo nghiệp gieo con chữ. Chúng tôi hiểu rõ điều đó và cố gắng phấn đầu từng ngày, từng năm học...", thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ.
X.Phú-N.Hải