Mái trường một thời để nhớ

  • 07:40 | Thứ Tư, 28/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau ngày miền Bắc giải phóng (1954), Quảng Bình chỉ có trường cấp 1, cấp 2 (tương đương với bậc tiểu học, THCS bây giờ). Tốt nghiệp cấp 2, muốn lên cấp 3 (tương đương với bậc THPT bây giờ), học sinh phải ra học Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) hoặc Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (Vinh-Nghệ An). Việc học lên của con em Quảng Bình vì thế rất hạn chế.
 
Sau 2 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, năm học 1959-1960, toàn tỉnh đã có 16 trường cấp 2 với 2.006 học sinh nhưng vẫn chưa có trường cấp 3 nào. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu học tập của con em, tháng 7-1959, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình đặt tại thị xã Đồng Hới.
 
Năm học đầu tiên, khoá 1 (1959-1960), trường tuyển sinh 3 lớp 8 với 158 học sinh, trong đó có 36 học sinh là con em miền Nam tập kết. Cơ sở ban đầu của trường dựa vào các phòng học của Trường phổ thông cấp 2 Đồng Hải vốn trước đó là Trường dòng Chơn Phước Phượng thời thuộc Pháp. Năm học 1961-1962, trường đã có đủ 3 khối: khối 10: 3 lớp, khối 9: 3 lớp và khối 8: 4 lớp. Do số học sinh tăng nhanh, năm học 1962-1963, tỉnh thành lập Trường cấp 3 Quảng Trạch tuyển sinh lớp 8 và lấy số học sinh vùng phía bắc mới lên lớp 9 của Trường cấp 3 Quảng Bình ra học. Năm học 1963-1964, trường tuyển sinh khóa 5. Được tỉnh đầu tư, một ngôi trường 3 tầng khang trang mọc lên giữa cánh đồng thuộc xã Lý Ninh. Các khóa 3, 4, 5 học được 1 năm thì xảy ra chiến tranh phá hoại.
 
Ngôi trường mới bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập. Lúc này, nhiều huyện trong tỉnh đã có trường cấp 3 và ở thị xã thành lập Trường cấp 3 Đồng Hới (sơ tán nhiều nơi) thay thế Trường cấp 3 Quảng Bình, tiếp tục đào tạo học sinh ở thị xã và vùng lân cận. Phiên hiệu cấp 3 Quảng Bình không còn nữa nhưng đó là ngôi trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh đào tạo học sinh có trình độ tốt nghiệp phổ thông đủ điều kiện thi vào các trường đại học và cao đẳng bổ sung nguồn cán bộ, trí thức quan trọng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả sau này.   
 
60 năm kể từ ngày ấy, Trường cấp 3 Quảng Bình vẫn là một thời để nhớ của các thế hệ thầy trò trong những tháng năm gian khó. Những năm học đầu tiên do thiếu phòng học, học sinh cấp 2 Đồng Hải học buổi sáng, học sinh cấp 3 Quảng Bình học buổi chiều (hoặc ngược lại). Phòng học dùng chung nhưng hai ban giám hiệu có văn phòng riêng. Hồi đó, một số thầy là cán bộ của tỉnh, Ty Giáo dục về trực tiếp làm quản lý, giảng dạy như thầy Quách Hiển, thầy Lê Văn Đang, thầy Hoàng Trọng Đóa, thầy Đặng Phàm… Một số thầy có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy đã từng dạy cấp 2 nay tiếp tục dạy cấp 3 như thầy Lương Duy Tâm dạy Sử, thầy Hoàng Hiếu Nghĩa dạy Toán, thầy Khả dạy Hóa… Hội đồng nhà trường được bổ sung thêm các thầy ngoài Bắc (hồi đó gọi chung là các thầy Hà Nội) vừa mới tốt nghiệp đại học sư phạm, sôi nổi, nhiệt tình mang đến cho trường không khí tươi mới, thi đua dạy tốt, học tốt theo tiếng trống Bắc Lý. 
 Các thế hệ học sinh Trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Các thế hệ học sinh Trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Lần đầu tiên trong nhà trường, chúng tôi được học thêm bộ môn ngoại ngữ, lúc đầu là Trung văn do thầy Hùng, thầy Ngữ, thầy Đăng dạy. Sau đó một số lớp được thay Trung văn bằng môn Nga văn do thầy Trịnh Xuân Hoành dạy.
 
Với học trò, Trường cấp ba Quảng Bình là ngôi trường đáng nhớ, bởi đó là ngôi trường cấp 3 duy nhất gần vĩ tuyến 17, nơi không chỉ có học sinh Quảng Bình mà còn có nhiều học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc học tập. Số học sinh miền Nam ở Trường cấp 3 Quảng Bình đa số là người Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, cũng có người ở tận miền Tây Nam bộ hay ở Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… Xa quê hương nhưng được sự đùm bọc, cưu mang của nhân dân thị xã Đồng Hới, ấm áp trong tình thầy trò, tình bè bạn, các anh, các chị đều trưởng thành trở thành những cán bộ, chiến sỹ ưu tú trở về chiến đấu, công tác xây dựng quê hương miền Nam trong những ngày kháng chiến và sau ngày giải phóng.
 
Với học sinh ở Quảng Bình, ngoài các bạn ở thị xã Đồng Hới, ở gần có các bạn Quảng Ninh, Bố Trạch, xa chút nữa có nhiều bạn Lệ Thủy, Quảng Trạch và còn có các bạn Tuyên Hóa xa xôi. Ngày ấy nghèo lắm, học sinh ở các huyện về trọ học chỉ đem theo ruột tượng vài cân gạo, mớ khoai sắn, một ít mắm muối. Hết, lại cuốc bộ hàng chục cây số về quê tiếp tế, cứ thế cho hết ba năm học. Các bạn xung quanh thị xã Đồng Hới như ở Văn La, Quán Hàu, Hoàn Lão hàng ngày dậy từ 3, 4 giờ sáng cuốc bộ về Đồng Hới cho kịp giờ lên lớp. Gian khổ thế mà vẫn học giỏi, có nhiều người đạt học sinh giỏi miền Bắc như anh Phan Thiếu Sơn, Lê Chí Dũng, Ngọc Châu…
 
Những năm được ngồi trên ghế Trường cấp 3 Quảng Bình là quãng thời gian đẹp nhất của lứa tuổi học trò. Năm khóa học sinh cấp 3 Quảng Bình ngày ấy, mỗi người một cuộc đời, một số phận nhưng chúng tôi luôn nhớ về mái trường đã dạy dỗ chúng tôi trước khi bước vào đời. Nhiều người được tiếp tục học lên ở các trường đại học, ra trường trở thành giáo sư, tiến sỹ về công tác, giảng dạy tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu.
 
Nhiều người khác là bác sỹ, kỹ sư trên các ngành các lĩnh vực kinh tế có nhiều đóng góp công sức cho xã hội. Có người trở thành những nhà chính trị, đại biểu Quốc hội, đảm đương công việc quan trọng ở Trung ương, như: chị Võ Thị Thu Hoài (khóa 1), anh Mai Văn Bộ (khóa 2), tiến sỹ Trần Công Trục, Trưởng ban Biên giới Chính phủ... Nhiều anh trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh như: Bí thư Tỉnh ủy Trần Hòa (khóa 4), Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Công Minh (khóa 3), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Phước (khóa 4)…
 
Trong số hàng trăm học sinh ra trường ngày ấy còn có những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ mà tên tuổi của họ được nhiều bạn đọc và thính giả trong nước biết đến như: nhà văn Hồng Duệ (khóa 1), nhạc sỹ Đinh Gia Hòa (khóa 1), nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Phi Tuyết Ba, Lê Xuân Đố (khoá 3), Trần Nhật Thu (khóa 4)… Bên cạnh những người thành đạt cũng có người do hoàn cảnh hoặc điều kiện khó khăn phải trở về địa phương trở thành những chiến sỹ "hai giỏi" (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi) góp phần viết nên trang sử của quê hương Quảng Bình.
 
Tồn tại trong thời gian từ 1959-1965, là giai đoạn đất nước sắp bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, từ năm 1961 và tiếp tục các năm sau, đông đảo học sinh của trường đã gia nhập quân đội làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và khi chiến tranh xảy ra, họ đã có mặt hầu khắp trên các chiến trường ác liệt. Chỉ riêng lớp 10C-khóa 3 (1961-1964) có 16 người vào quân đội, trong số đó có 8 liệt sỹ, 4 thương binh. Các chiến sỹ hải quân nhập ngũ năm 1961, 1962, 1963 có người đã hy sinh trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, như liệt sỹ Nguyễn Hữu Thời (khoá 3). Nhiều chiến sỹ đã nằm lại giữa sóng nước đại dương để bảo vệ con đường Hồ Chí Minh trên biển. Cũng đã có người trưởng thành trở thành vị tướng, Chuẩn đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân như anh Võ Nhân Huân (khóa 2).
 
Nhiều học sinh của trường ngã xuống trên các cung đường Trường Sơn giữa bạt ngàn lau trắng. Nhiều anh là chiến sỹ của Quân khu 4, Tỉnh đội, của các trung đoàn, sư đoàn chủ lực đã chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc trên Mặt trận đường 9-Nam Lào được trở về như: Đoàn Văn Ninh, Võ Trường Thi, Hoàng Khắc Điệng…, nhưng cũng có người nằm lại dưới chân Thành cổ như Hoàng Quang Nghèo (khoá 3). Có người đi suốt cuộc chiến tranh giải phóng như Hoàng Hải (khoá 3), là Phó Chủ nhiệm chính trị sư đoàn từ chiến trường miền Đông tiến về Sài Gòn trong đại thắng mùa xuân 1975, sau đó anh lại tiếp tục chiến đấu ở Mặt trận 479 giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Khơme đỏ…
 
60 năm vật đổi sao dời, nhưng ký ức về mái trường một thời để nhớ vẫn hiện hữu trong tâm khảm của các thế hệ học trò ngày ấy. Và may mắn thay, như nối tiếp dòng chảy của quá khứ vẻ vang, trên mảnh đất Trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình năm xưa giờ là Trường THPT Đào Duy Từ được xây dựng khang trang, đàng hoàng, to đẹp hơn. Thế hệ thầy trò Trường THPT Đào Duy Từ cũng đã có truyền thống 30 năm dạy tốt và học tốt, nhất định sẽ có những đóng góp xứng đáng cho một quê hương giàu đẹp, cho đất nước phồn vinh.
 
Phan Viết Dũng