.
Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường

.
15:33, Thứ Tư, 17/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sáng 17-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường. 
 
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương liên quan.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Riêng Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều thông tư liên quan, cũng như những văn bản, chỉ thị về nội dung này, mới đây nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
 
Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…
 
Hội nghị trực tuyến về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường có gần 20 nghìn người tham gia tại 63 điểm cầu của các tỉnh và 630 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn quốc. Các đại biểu tham dự đã được nghe 18 ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục… tập trung trao đổi, thảo luận về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực học đường; thống nhất các biện pháp, giải pháp và trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ này; hướng tới thực hiện bài bản, lấy “phòng” làm chính bằng các giải pháp “hóa giải” nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
 
Trong đó, vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách đoàn, hội, đội, trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cần phải được nâng cao... 
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, ngành Giáo dục cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính và phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ, ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội.
 
Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tạo sự gắn kết chung tay, góp sức của toàn xã hội, từng bước đẩy lùi bạo lực học đường, để học sinh, sinh viên được hưởng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
 
Nội Hà
 
 
,