.

Chuyện tìm học trò trở lại trường sau Tết

.
07:00, Thứ Hai, 04/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số bán trú, nội trú tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nghỉ học lại tiếp diễn. Trước tình trạng đó, những năm qua, các thầy giáo, cô giáo ở các địa phương này đã không ngại trèo đèo, lội suối, băng rừng… đến từng thôn, bản xa xôi trên dãy Trường Sơn, gõ cửa từng nhà để vận động học sinh trở lại trường…
 
Thầy giáo Lê Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh bộc bạch: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm tỷ lệ duy trì học sinh đến lớp của nhà trường luôn đạt cao. Có được thành quả như vậy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên luôn bám lớp, quan tâm học sinh, quyết không để học sinh bỏ học, nghỉ học sau mỗi đợt nghỉ hè hay nghỉ lễ, tết.
 
Năm học 2018-2019, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh có tổng số 156 học sinh, trong đó có 149 em là người dân tộc Vân Kiều ở các thôn, bản của xã Trường Sơn và Trường Xuân.
 
Do nhà cách xa trường, giao thông đi lại khó khăn nên các em thường trở lại lớp học muộn so với quy định, thậm chí, có em không muốn trở lại trường học tiếp, dù trước đó, nhà trường đã có thông báo gửi cho các trưởng bản, phụ huynh về thời gian nghỉ trước và sau Tết để trưởng bản, gia đình vận động các em trở lại trường…
Một giờ lên lớp của giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh.
Một giờ lên lớp của giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, nhà trường đã tổ chức dạy và học đúng theo quy định của ngành, nhưng hiện nay vẫn còn 15 em chưa trở lại lớp do một số nguyên nhân khách quan như: đau ốm, phụ giúp gia đình làm kinh tế, phong tục của người dân tộc thiểu số…; trong đó có 3 em thuộc diện phải vận động trở lại lớp học.
 
Cũng theo thầy Quân, để vận động học trò trở lại trường, cứ sau mỗi đợt nghỉ tết, lễ, hè, nhà trường phải cắt cử cán bộ, giáo viên vào tận các thôn, bản để đưa các em về trường. Có những bản phải đi bộ hơn 4-5 tiếng đồng hồ như: Dốc Mây, Sắt, Ploang, Rìn Rìn hay giao thông cách trở như bản Hôi Rấy, Nước Đắng..., nhưng cán bộ, giáo viên đã không ngại khó, tìm mọi cách để đưa các em trở lại trường.

“Khó khăn nhất trong việc tìm học trò trở lại trường là do trường đóng cách xa trung tâm của xã. Các em học sinh phần lớn đều sinh sống ở các thôn, bản xa xôi của huyện Quảng Ninh.

Hơn nữa, đa phần các em đều có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nếu như trước đây, tại địa phương có xe khách để các em đi về trong ngày, thì đến nay, phương tiện này không còn hoạt động nữa, do vậy, nhiều em muốn về trường cũng không có phương tiện…

Trước thực tế đó, sau Tết Nguyên đán vừa qua, mặc dù còn khó khăn nhưng nhà trường đã trích kinh phí để thuê xe ô tô chở được hơn 100 em học sinh về trường. Bên cạnh đó, đối với những địa bàn chủ yếu di chuyển bằng thuyền như bản Hôi Rấy, Nước Đắng (xã Trường Sơn), nhà trường cũng cấp phát áo phao cho các em đi lại để bảo đảm an toàn giao thông…”, thầy Quân cho biết thêm.

Là người có nhiều kinh nghiệm đi tìm học trò trở lại trường, thầy giáo Nguyễn Tiến Vũ, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh tâm sự rằng, thầy được trường phân công phụ trách bản xa nhất là Dốc Mây (xã Trường Sơn), học sinh còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học. Nếu không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ học luôn.
 
Chính vì vậy, các giáo viên phải kiên trì đến từng nhà, dùng mọi biện pháp để vận động, không chỉ một lần mà nhiều lần; đồng thời, luôn chăm lo, tạo tình cảm thương yêu giữa nhà trường và học sinh, nhằm khích lệ các em vui vẻ đến trường...
 
“Mỗi lần đi vận động học sinh trở lại trường, phải đi mất 2-3 ngày, nhiều khi đi vào không gặp các em, tôi lại phải nhờ cán bộ, giáo viên tiểu học đang cắm bản theo dõi, khi nào thấy các em về thì thông báo giúp để lên vận động tiếp. Tuy mất nhiều thời gian, công sức, nhưng khi vận động được học sinh trở lại trường, bao nhiêu khó khăn, vất vả theo đó tan biến hết...”, thầy Vũ chia sẻ thêm.
 
Ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS (PTDTBT TH và THCS) Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tình trạng cũng tương tự. Theo thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng nhà trường thì, cứ sau Tết Nguyên đán, việc duy trì, ổn định số lượng đối với trường gặp rất nhiều khó khăn do các em nghỉ học để lao động kiếm sống với cha mẹ, đi chơi xa ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) hoặc do hủ tục “đặt của” để tiến tới hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số…
Cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy vận động phụ huynh cho học sinh trở lại trường.
Cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy vận động phụ huynh cho học sinh trở lại trường.
Ngay tuần đầu sau Tết, đã có 11 học sinh nghỉ học không có lý do. Nhà trường đã cùng với Hội cha mẹ học sinh, UBND xã Lâm Thủy đến từng nhà của các em để thuyết phục, vận động. Hiện tại, 309 học sinh Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đã đi học đầy đủ.
 
Thầy Tình cho biết thêm, tại trường, sĩ số học sinh được giáo viên và nhà trường nắm bắt theo từng ngày. Sau mỗi buổi học, nếu có học sinh nào vắng tiết, giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm tới tận nhà trao đổi cùng gia đình, động viên học sinh mau chóng trở lại lớp học. Giáo viên trong toàn trường phải đưa đón học sinh trong giai đoạn đầu để làm tốt tâm lý cho việc trở lại trường của các em.
 
Các trường hợp học sinh không đến lớp có lý do (ốm đau, đi thăm người thân) đều được giáo viên nắm bắt, theo sát, đôn đốc. Trước đó, nhà trường cũng thông báo tới phụ huynh học sinh thời gian nghỉ và nhập học trước và sau Tết…
 
“Từ thực tế duy trì ổn định sĩ số tại các trường học vùng cao, vùng khó thời điểm “nóng” sau kỳ nghỉ hè, lễ, Tết Nguyên đán cho thấy, ở đâu nhà trường, giáo viên, chính quyền địa phương quan tâm, tích cực, chủ động bám trường, lớp, học sinh thì ở đó tỷ lệ học sinh nghỉ học giảm đáng kể. Mặt khác, các giải pháp chống bỏ, nghỉ học được áp dụng ở mỗi địa phương, nhà trường cần căn cứ theo tình hình thực tế mới phát huy hiệu quả…”, thầy Tình chia sẻ.
 
Ngọc Hải
,