.

Đưa ra khỏi ngành Giáo dục nếu có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh

.
08:46, Thứ Sáu, 18/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong học kỳ I, năm học 2018-2019, liên tiếp xảy ra hai vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành học sinh THCS (tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) và học sinh tiểu học (tại Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo và ngành Giáo dục Quảng Bình.

Các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh phải bảo đảm môi trường tốt nhất cho học sinh học tập và rèn luyện.
Các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh phải bảo đảm môi trường tốt nhất cho học sinh học tập và rèn luyện.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, ngày 15-5-2018, sở đã có Công văn số 890/SGDĐT-TCCB về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Các trường học, cơ sở giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên toàn ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Đa số cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng vì học sinh, luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học.

Tuy vậy, thời gian qua, trong ngành đã không tránh khỏi tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, hai giáo viên THCS và tiểu học ở địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã giáo dục học sinh bằng hành động vô cảm, phản giáo dục, làm mất đi hình ảnh người thầy trong lòng học sinh, phụ huynh và những người tâm huyết với ngành Giáo dục.

Ngay sau vụ việc bạo hành học sinh xảy ra ở Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT, giám đốc trung tâm giáo dục-dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng, giám đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai thực hiện một số nội dung, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo trong toàn tỉnh.

Cụ thể, tiếp tục tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong toàn ngành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7-5-2018 của Bộ GD-ĐT; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-4-2008 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về đạo đức nhà giáo; Kế hoạch 2079/KH-UBND ngày 7-12-2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025”; Công văn số 890/SGDĐT-TCCB ngày 15-5-2018 của Sở GD-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, cùng các văn bản chỉ đạo phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em; các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Các nhà trường tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật; các kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trường học.

"Sở GD-ĐT đặc biệt lưu ý, các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo và văn hóa ứng xử trong trường học. Trong đó, phải có nội dung: “Nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ về tạm đình chỉ giảng dạy; xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi ngành Giáo dục nếu trực tiếp hoặc tổ chức cho người khác có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân nhấn mạnh.

Theo đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết với hiệu trưởng nhà trường, thủ trưởng cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng nhà trường, thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc phòng GD-ĐT ký cam kết với trưởng phòng GD-ĐT.

Hiệu trưởng các trường trực thuộc ký cam kết với Giám đốc Sở GD-ĐT. Thời gian hoàn thành ký cam kết trước ngày 31-1-2019 (nếu có sự thay đổi công tác, tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý thì tổ chức ký cam kết ngay sau khi quyết định có hiệu lực và tiếp nhận).

Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đồng thời, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục phải kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo để xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm phù hợp; bảo đảm môi trường tốt nhất cho học sinh học tập và rèn luyện.

Nội Hà
 

,