.

Bộ GD công bố chi tiết các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới

.
07:36, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)
Ở cấp Tiểu học xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ; Tin học là môn bắt buộc ở cấp THCS. Hoạt động trải nghiệm là chương trình bắt buộc...
 
Chiều 27-12, Bộ GD-ĐT công bố Chương trình bộ môn - chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Tại buổi họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, chương trình các môn học ở GDPT mới sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Trong đó, hoạt động trải nghiệm là chương trình bắt buộc xuyên suốt tất cả các cấp học.
 
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị các điều kiện đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới, Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Hoạt động trải nghiệm là chương trình bắt buộc xuyên suốt ở tất cả các cấp học (ảnh minh họa)
Hoạt động trải nghiệm là chương trình bắt buộc xuyên suốt ở tất cả các cấp học (ảnh minh họa)
Chương trình GDPT mới sẽ giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
 
Điểm khác của chương trình GDPT mới là phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - lớp 12).
 
Giảm hợp lý số môn học, tăng cường hoạt động trải nghiệm
 
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học (tin học và công nghệ, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Số tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
 
Chương trình GDPT mới cũng chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.
 
Chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
 
Chương trình GDPT mới có những điểm khác biệt là chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
 
Về cơ bản, chương trình mới tiếp tục kế thừa mục tiêu giáo dục mà chương trình hiện hành đã đặt ra là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh hài hòa về đức, trí, thể, mỹ.
 
Nội dung giáo dục của chương trình mới có cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
 
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
 
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.
 
Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
 
Về phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.
 
Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
 
Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
 
Như vậy, ở bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.
 
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
 
Đáng lưu ý ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.
 
Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
 
Như vậy, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
 
Đáng lưu ý, ở bậc học này là tổ chức học tự chọn cho học sinh như thế nào để đảm bảo mục tiêu đặt ra.
 
Theo Bích Lan/VOV.VN
,
  • Ưu đãi cho sinh viên sư phạm: Đừng tiếp tục lãng phí

    Theo nhiều chuyên gia, cần xem xét, đánh giá nghiêm túc, công bằng và thấu đáo về chính sách học phí, tín dụng đối với sinh viên sư phạm để tránh lãng phí ngân sách.
     
    27/12/2018
    .
  • Nỗ lực 'trồng người' trên vùng cao biên giới

    (QBĐT) - Trường THCS và THPT Hóa Tiến đứng chân trên địa bàn xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa - mảnh đất  một thời oanh liệt với các địa danh gắn liền con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, 20 năm qua, thầy và trò Trường THCS và THPT Hóa Tiến đã không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành sứ mệnh "trồng người" trên vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh.

    27/12/2018
    .
  • Lệ Thủy: Có 81,7% gia đình đạt "Gia đình học tập"

    (QBĐT) - Ngày 25-12, Hội Khuyến học huyện Lệ Thủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đại trà xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ. 

    25/12/2018
    .
  • Thi THPT quốc gia 2019: Cách ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả

    So với đề thi THPT quốc gia 2018, đề thi tham khảo 2019 không có sự thay đổi về cấu trúc đề thi.
     
    25/12/2018
    .
  • Ấn tượng từ một cuộc thi

    (QBĐT) - Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP. Đồng Hới vừa tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh THCS năm học 2018-2019. Không chỉ có sự gia tăng về số lượng đề án tham gia mà chất lượng cuộc thi năm nay cũng được ban tổ chức đánh giá là cao hơn so với năm trước.

    24/12/2018
    .
  • Tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng nghề

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 21/2018/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-1-2019.
     
    24/12/2018
    .
  • Chuyên gia chia sẻ 40 'chiêu' giúp học từ vựng tiếng Anh tốt hơn

    Trong một hội thảo về chủ đề Học từ vựng do Elight Learning English tổ chức mới đây, ông Mark Krzanowski, một chuyên gia với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, đã chia sẻ với các sinh viên, học sinh 40 "chiêu" học từ vựng tiếng Anh nhanh nhớ, lâu quên.
     
    21/12/2018
    .
  • Chia sẻ khó khăn với học sinh vùng khó

    (QBĐT) - Nhằm chia sẻ khó khăn với những ngôi trường vùng khó, qua sự kết nối của Sở Giáo dục-Đào tạo, ngày 19-12, Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới) đã đến giao lưu, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường tiểu học Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) và Trường tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).

    20/12/2018
    .