.

Chuyện 'trồng người' ở Trường Sơn

.
08:00, Thứ Sáu, 23/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện chủ trương xóa dần "điểm trắng" về bậc học mầm non (MN) tại các thôn, bản do chính quyền xã Trường Sơn và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Quảng Ninh đề ra, bước vào năm học 2018-2019, Trường MN Trường Sơn quyết định mở thêm một điểm trường học để tạo điều kiện cho toàn bộ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ở hai bản PLoang và Rìn Rìn được tới lớp học tập. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của địa phương khó khăn nên điểm trường này đang phải tá túc tạm thời ở nhà văn hoá bản PLoang.
 
Mượn nhà văn hóa bản để... dạy học
 
Từ Đồng Hới, vượt qua cung đường chừng 100km, chúng tôi có mặt tại điểm trường PLoang (thuộc Trường MN Trường Sơn). Điểm trường này hiện có 25 học sinh người Bru-Vân Kiều (trong đó, bản Rìn Rìn có 8 học sinh, bản PLoang 17 học sinh) ở 3 độ tuổi khác nhau (từ 3 đến 5 tuổi). Do chưa xây dựng được phòng học nên nhà trường phải chấp nhận mượn tạm nhà văn hóa bản PLoang để làm nơi dạy học. Và cũng vì chưa có nhà công vụ, các giáo viên ở điểm trường này buộc phải ngăn nhà văn hóa ra làm hai phần, một nơi để dạy học, nơi còn lại để các cô sinh hoạt...
 
Cô giáo Trương Thị Trang, giáo viên đứng lớp tại điểm trường PLoang, tâm sự: "Điểm trường này được Trường MN Trường Sơn bố trí 2 giáo viên đứng lớp. Hiện nay, do không có cô nuôi nên các học sinh phải tự túc, buổi trưa về ăn, ngủ nhờ nhà người thân. Cứ dạy hết 1 tháng thì có 2 giáo viên khác của trường luân phiên vào thay thế. Chúng tôi (cô Trang và cô Phạm Thị Thêm) vừa vào bản được vài hôm để đổi cho 2 cô Trương Thị Duyên và Hồ Thị Mi nên chưa có thời gian sắp xếp lại nơi ăn ở cho thật ngăn nắp, vẫn còn bề bộn lắm... Cách đây tròn 2 hôm, nhờ dân bản giúp đỡ, điểm trường PLoang đã có thêm 1 phòng bếp và phòng vệ sinh ngay bên cạnh. 2 phòng này được làm từ tre nứa, bao bọc chung quanh là các tấm bạt giáo viên chúng tôi mua dưới xuôi mang lên...".
Một giờ học của các em học sinh Vân Kiều tại điểm trường PLoang
Một giờ học của các em học sinh Vân Kiều tại điểm trường PLoang
"Dẫu khá "mong manh" trước mưa, nắng, gió, bão..., nhưng có công trình nhà bếp, nhà vệ sinh như thế này đã tốt lắm rồi. Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, việc nấu ăn, vệ sinh cá nhân của giáo viên ở điểm trường đều ở ngoài trời, khe suối và bìa rừng, rất bất tiện. Trường MN Trường Sơn hiện có 100% giáo viên là nữ. Cái khó của giáo viên cắm bản không chỉ ở vấn đề sinh hoạt mà còn ở vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Do vị trí điểm trường này nằm quá xa vùng trung tâm, các bản, làng lân cận nên hầu hết các em đều nói tiếng Vân Kiều, ít biết tiếng Kinh.Hôm mới vào dạy, thấy học trò nghịch bẩn, chúng tôi nói với các em vắn tắt "đi bể rửa gấp". Ai ngờ, vừa nói xong thì học sinh bỏ về nhà hết. Chúng tôi buộc phải đến từng nhà hỏi sự tình thì mới biết, từ "bể" của đồng bào đồng nghĩa với từ "đi ngủ" ở miền xuôi. Đó cũng là kinh nghiệm để chúng tôi ngoài việc dạy học thì cũng phải sắp xếp thời gian để học thêm tiếng của đồng bào, nhằm phục vụ cho quá trình công tác..."., cô giáo Trang chia sẻ thêm.
 
Băng rừng, lội suối để... "trồng người"
 
Bà Nguyễn Thị Thi, Trưởng bản PLoang bày tỏ, các phụ huynh người Bru-Vân Kiều ở 2 bản PLoang và Rìn Rìn phần lớn đều có mối quan hệ bà con, thân thích với nhau và rất quan tâm đến việc học của con em. Tuy nhiên, do điểm trường đặt tại bản PLoang nên các bậc cha mẹ ở bản Rìn Rìn ngày ngày đều phải dìu con đi bộ băng qua 1 ngọn núi, 2 con khe (mất chừng 45 phút) mới tới được lớp học. Do trường không tổ chức bán trú, nên các phụ huynh ở bản Rìn Rìn phải gửi con ăn, ngủ trưa tại nhà bà con, người thân. Đối với những phụ huynh có việc cần thì sau khi đưa con tới lớp, họ quay về bản Rìn Rìn và đến cuối chiều lại vượt núi, băng khe sang đón. Còn không thì họ ở lại PLoang đến chiều rồi đón con về. Việc đưa đón con nhỏ gặp nhiều khó khăn là thế, nhưng kể từ khi điểm trường PLoang mở ra, rất ít trường hợp phụ huynh cho con nghỉ học, ngoại trừ những ngày mưa lớn, nước khe dâng cao...
 
Cô giáo Phạm Thị Thêm và Trương Thị Trang bộc bạch rằng, đường vào bản khó khăn, không có chợ nên hai cô đã mua sẵn thức ăn, đồ dùng thiết yếu để mang vào đủ dùng cho 10 ngày. Theo kế hoạch đề ra, cứ cuối tuần là các cô về thăm gia đình, đầu tuần lại vào tiếp. Nhưng thời điểm này đang mùa mưa lũ, chỉ cần 1 trận mưa rừng là khe, suối dọc tuyến đường này sẽ ngập sâu và chảy xiết nên kế hoạch đặt ra rất khó để thực hiện. Khó khăn chồng chất, nhưng vào với bản được vài hôm, thấy dân bản ở đây tuy nghèo mà giàu lòng nhân ái, hiếu khách nên các cô cảm thấy rất hạnh phúc vì đã góp được chút công sức nhỏ bé vào nghiệp "trồng người" nơi đại ngàn Trường Sơn... 
 
Cô giáo Trần Thị Vân, Phó hiệu trưởng Trường MN Trường Sơn cho biết: Xã Trường Sơn hiện có 1 điểm trường MN chính và 13 điểm trường MN lẻ, với 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Toàn trường có 460 học sinh (trong đó có là 285 em học sinh là người Vân Kiều). Do điều kiện kinh tế của xã còn lắm khó khăn, địa hình phức tạp và rộng lớn, ngoại trừ điểm trường chính thì hầu hết ở các điểm lẻ đều chung cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học, sân chơi. 
Nhà văn hóa bản PLoang được Trường MN Trường Sơn mượn tạm làm phòng học và nơi ở của các cô giáo cắm bản
Nhà văn hóa bản PLoang được Trường MN Trường Sơn mượn tạm làm phòng học và nơi ở của các cô giáo cắm bản
Đáng chú ý, hiện nay, Trường MN Trường Sơn vẫn còn 2 điểm lẻ đang mượn tạm nhà văn hóa của bản Nước Đắng và PLoang để dạy học. Nhiều điểm trường lẻ nằm xa khu vực trường chính, phải đi bộ cả buổi như bản Sắt, hay phải đi bằng đường sông như bản Hôi Rấy, Nước Đắng... Đặc biệt, tại bản Dốc Mây, điểm trường lẻ vẫn chưa thể mở được do đường sá vào bản quá xa xôi, hiểm trở, phải đi bộ đường rừng đến cả ngày. Nhiều điểm trường do chưa có nhà công vụ nên các giáo viên đành phải chấp nhận ngăn đôi nhà văn hóa để vừa làm nơi dạy học, vừa làm nơi ở rất chật chội...
 
"Gian nan vất vả, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường vẫn luôn động viên giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy tối đa sự sáng tạo để việc giáo dục trẻ tốt nhất có thể. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy và học, Trường MN Trường Sơn rất cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cấp trên...", cô Phó hiệu trưởng nói.
 
Văn Minh
,
  • Không phân biệt giá trị văn bằng tại chức, chính qui gây nhiều tranh cãi

    Không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính qui hay tại chức nhưng vẫn phải ghi loại hình đào tạo trên văn bằng.
     
    22/11/2018
    .
  • "Vì đàn em thân yêu"

    (QBĐT) - Với phương châm "Vì đàn em thân yêu", những năm qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa các loại hình hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, rèn luyện của thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

    22/11/2018
    .
  • Việt Nam lần đầu nhận giải Thương hiệu tổ chức giáo dục xuất sắc

    Tối 20-11, Tổ chức Thương hiệu châu Á-Thái Bình Dương (Asia Pacific Brands Foundation) đã tổ chức lễ trao giải Thương hiệu xuất sắc thế giới BrandLaureate 2018, tại Hà Nội. Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) được trao hai giải: hạng mục Thương hiệu tổ chức giáo dục xuất sắc dành cho FPT Edu và hạng mục Trường đại học xuất sắc dành cho Đại học FPT.
     
    21/11/2018
    .
  • Điểm sáng từ một mái trường

    (QBĐT) - Những kết quả cao trong các kỳ thi của học sinh bậc THCS cấp thành phố và cấp tỉnh đã khẳng định việc tập trung đổi mới phương pháp dạy học của đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường THCS số 1 Nam Lý (TP. Đồng Hới) là định hướng đúng đắn của nhà trường.

    20/11/2018
    .
  • Tọa đàm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

    (QBĐT) - Sáng nay (20-11), Trường đại học Quảng Bình tổ chức tọa đàm kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2018). 

    20/11/2018
    .
  • Thủ tướng gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu

    Nhân dịp kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2018), chiều 19-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành. 
     
    20/11/2018
    .
  • Luồng gió mới từ Nghị quyết 29

    (QBĐT) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục-đào tạo Quảng Bình đã có những bước tiến quan trọng. Nghị quyết 29 như một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo các ngôi trường từ miền xuôi lên miền ngược và cả những vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội học tập cho mọi người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

    20/11/2018
    .
  • 183 nhà giáo tiêu biểu và những câu chuyện cảm động về nghề

    Tối 18-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình "Thay lời tri ân" nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc đã vượt khó vươn lên, đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà. 
     
    19/11/2018
    .