.

Quảng Ninh: Đẩy mạnh phát triển giáo dục toàn diện

.
23:04, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quán triệt sâu sắc tư tưởng “Giáo dục-Đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển tương lai, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, kế hoạch đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo (GD-ĐT).
 
Nhằm phát triển GD-ĐT toàn diện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
 
Nhờ đó, chất lượng GD-ĐT trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có bước phát triển đáng kể. Đến nay, tỷ lệ trẻ vào mẫu giáo đạt 98,8%; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đối với bậc giáo dục tiểu học, 15/15 xã, thị trấn trên toàn huyện được công nhận phổ cập xoá mù chữ mức độ II và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III; tỷ lệ huy động trong độ tuổi học sinh tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 97,9%; có 80% trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với bậc giáo dục trung học, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ II, trong đó 80% đạt chuẩn mức độ III; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi THCS đạt 99,4%; 50% trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
 
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao với 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Các mặt hoạt động khác như giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ngày càng được quan tâm thực hiện... 
Hệ thống cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện Quảng Ninh được quan tâm đầu tư.
Hệ thống cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện Quảng Ninh được quan tâm đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Để có được những kết quả đáng khích lệ đó, huyện Quảng Ninh cũng chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi lực lượng xã hội về vai trò của GD-ĐT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của ngành giáo dục; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng thực hiện đổi mới công tác quản lý GD-ĐT; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đóng góp của xã hội nhằm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
 
Huyện Quảng Ninh cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cũng như thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
 
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh đã ưu tiên đầu tư trọng điểm xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, xây dựng phòng học kiên cố, phòng thực hành; tăng trưởng thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển giáo dục vùng khó, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường điển hình chất lượng; mua mới thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới.
 
Nhờ thực hiện tốt các mặt công tác, chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Quảng Ninh thời gian qua tiếp tục được củng cố và có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng năm học 2017-2018, đối với bậc học mầm non, 100% trường tổ chức bán trú; suy dinh dưỡng trẻ nhà trẻ thể nhẹ cân giảm 1,0% so với năm trước. Đối với bậc học tiểu học, có 99,5% học sinh HTCT lớp học; 100% học sinh lớp 5 HTCTTH. Đối với bậc THCS, kết quả xếp loại hai mặt giáo dục có nhiều tiến bộ với 60,7% học sinh đạt học lực khá, giỏi (tăng 2,1% so với cùng kỳ); 99,9% học sinh tốt nghiệp THCS.
 
Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có bước chuyển mạnh, thi học sinh giỏi lớp 6,7,8,9 cấp huyện đạt 683 giải, trong đó có 46 nhất, 96 giải nhì, 305 giải ba; thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh có 91 học sinh đạt giải. Kết thúc năm học 2018-2019, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Quảng Ninh được đánh giá hoàn thành xuất sắc 14/14 lĩnh vực công tác, xếp thứ 3 toàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực GD-ĐT huyện Quảng Ninh vẫn còn gặp một số khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục vẫn chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu trong khi nhu cầu đổi mới, phát triển giáo dục tăng nhanh. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất các trường mầm non còn thiếu, xuống cấp dẫn đến một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ các xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 chưa cao…
 
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục chú trọng thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường lớp; sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước, địa phương cũng như sự đóng góp, hỗ trợ của phụ huynh học sinh, doanh nghiệp theo tinh thần xã hội hoá giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học.
 
"Huyện cũng sẽ quan tâm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tin học, bố trí giáo viên tin học cho các trường tiểu học tại xã miền núi Trường Sơn; tăng cường PCGD; phấn đấu đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 năm 2020. Huyện cũng sẽ quan tâm phát triển các cơ sở giáo dục ở các vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho học sinh để nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp, nhằm tạo cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo", ông Lê Ngọc Huân cho biết thêm.
                                                                               
                                                                                                           Thanh Hải
,