.

Thực hiện tinh giảm biên chế ngành giáo dục: Khó nâng cao chất lượng dạy và học

.
07:24, Thứ Sáu, 24/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Việc tỉnh quyết liệt thực hiện tinh giảm biên chế ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là việc làm đúng chủ trương. Tuy nhiên, trước thềm năm học mới 2018-2019, vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh và hơn nữa sẽ gây khó cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, các bậc học mầm non (MN), tiểu học (TH), THCS, THPT, số học sinh (HS) vào đầu cấp tăng cao. Đặc biệt, HS TH trong toàn tỉnh có sự tăng đột biến so với năm học trước (gần 5.000 em). Số HS tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào các trường THPT công lập là hơn 1.600 em (tỷ lệ khoảng 12%). Nhưng biên chế giáo viên (GV) không tăng mà còn phải giảm, vì vậy đã tạo áp lực rất lớn cho địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là khu vực thành thị.
 
TP. Đồng Hới là địa phương trong thời gian qua có nhiều đổi thay vượt bậc nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp dành cho ngành Giáo dục, từ quy mô trường lớp đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của HS trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi năm dân số cơ học tại TP.Đồng Hới lại tăng cao (trung bình tăng gần 1.000 HS/năm). Riêng trong năm học 2018-2019 này, thành phố có sự tăng đột biến gần 1.300 HS từ cấp học MN đến TH, THCS; nhất là cấp TH tăng gần 1.000 em (tăng hơn 20 lớp so với năm học trước). “Phòng học thiếu cục bộ, biên chế GV lại giảm nên nhiều trường phải bố trí lớp học có số lượng HS/lớp vượt quá quy định của Điều lệ trường học, gây khó khăn cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nhất là các trường TH vùng trung tâm thành phố. Việc bố trí GV bảo đảm cơ cấu còn khó khăn, nhất là các trường THCS có quy mô nhỏ” - ông Hoàng Ngọc Đan, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới trao đổi.
 
Đồng thời, cũng tại TP. Đồng Hới, thực tế cho thấy, cơ sở vật chất và đội ngũ GV ở các trường MN công lập hiện tại không đáp ứng đủ cho trẻ đến trường. Để giảm tải cho các trường công lập, thời gian qua, chính quyền thành phố đã tạo mọi điều kiện để phát triển các trường MN ngoài công lập (trong 2 năm 2016-2018 đã thành lập mới 5 trường MN tư thục),  góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi đến lớp ổn định, đáp ứng được nhu cầu giáo dục mầm non rất lớn của nhân dân địa phương.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện sẽ khó thực hiện khi vấn đề tinh giảm biên chế GV được thực hiện một cách triệt để.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện sẽ khó thực hiện khi vấn đề tinh giảm biên chế GV được thực hiện một cách triệt để.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới, bên cạnh những điểm mạnh thì giáo dục MN ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Một số trường, nhóm, lớp MN ngoài công lập được xây dựng và cải tạo từ khuôn viên nhà ở, thuê mượn phụ thuộc vào chủ nhà, nên việc cải tạo cơ sở vật chất nhóm lớp theo yêu cầu chuyên môn rất khó khăn. Đồng thời, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu, không đồng bộ; nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ cao. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên của các trường tư thục thường xuyên biến động, kinh nghiệm còn hạn chế. Thêm vào đó, mức đóng góp của trẻ trong các trường MN ngoài công lập cao hơn nhiều so với mức đóng góp trong các trường công lập; trong khi môi trường giáo dục, điều kiện và chất lượng chăm sóc, giáo dục tại một vài trường MN ngoài công lập còn hạn chế. Nên hầu hết phụ huynh đều có nguyện vọng gửi con vào trường công lập, tạo áp lực rất lớn cho các nhà trường khi không đủ điều kiện để nhận trẻ. Nhất là năm học này, có nhiều lớp vượt quá quy định của Điều lệ trường MN, các cô phải làm việc vất vả hơn rất nhiều.
 
“Tuy nhiên, trong cái khó chung của toàn ngành, Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới đã nỗ lực tham mưu cho thành phố sắp xếp bố trí hợp lý, giảm vị trí nhân viên, ưu tiên GV đứng lớp; đồng thời, quán triệt toàn ngành giảm người nhưng tăng việc, nên mỗi thầy cô giáo phải cố gắng, tận tâm, trách nhiệm nhiều hơn ở mỗi vị trí việc làm của mình và cắt giảm buổi học thứ 10 đối với học sinh TH… Đến thời điểm này, 64 trường học, với gần 30 nghìn HS của TP. Đồng Hới, đã sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới”, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới chia sẻ.
 
Cũng như TP. Đồng Hới, số lượng HS tăng đang là bài toán nan giải cho huyện Bố Trạch. Năm 2018, Bố Trạch được tỉnh giao 3.010 biên chế sự nghiệp GD-ĐT (giảm 62 biên chế so với năm 2017), nên học kỳ 2 năm học 2017-2018, huyện Bố Trạch buộc phải bố trí lại việc làm cho các trường học: đối với các trường THCS phải cắt giảm nhân viên y tế (29 trường học); giảm ít nhất 1 nhân viên đối với các trường hạng 1 (cả TH và THCS); đồng thời, cân đối lại GV các trường còn lại và không bố trí GV thay thế khi có người nghỉ hưu, để bảo đảm cắt giảm được 62 biên chế.
 
Triển khai kế hoạch năm học mới 2018-2019, do tăng lượng trẻ ở cấp học MN và TH (tăng 22 lớp), nên toàn ngành thiếu hơn 100 biên chế để đáp ứng yêu cầu thực tế cho các nhà trường. Tuy nhiên, theo lộ trình đề ra đến năm 2019, huyện còn phải giảm thêm 30 biên chế nữa.
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, đối với ngành GD-ĐT, chủ trương của huyện hàng năm đều tập trung đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu người học với điều kiện tốt nhất có thể. Nhưng, với thực tế tinh giảm biên chế hiện nay thì rõ ràng việc triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của huyện Bố Trạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc… Toàn huyện không huy động hết số trẻ so với nhu cầu thực tế, nên không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân do biên chế GV không đáp ứng được. Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ của huyện chỉ đạt mức 15,4%, đạt tỷ lệ thấp so với mức bình quân chung toàn tỉnh (như: TP. Đồng Hới là 32,5%, Ba Đồn 28,1%, Minh Hóa 29,9%, Quảng Ninh 27%, Lệ Thủy 26,7%, Quảng Trạch 26,2% và Tuyên Hóa 21,6%). Còn tỷ lệ huy động trẻ và mẫu giáo mới đạt 95,6% (chỉ cao hơn hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa).
 
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch bày tỏ, bước vào năm học mới 2018-2019, số lượng cháu/lớp đông vượt quá mức quy định, nên việc tổ chức dạy học ở cấp học MN sẽ hết sức khó khăn. Cường độ làm việc của giáo viên MN quá cao ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục và nhất là việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Đối với cấp TH, theo quy định của tỉnh, mỗi lớp dạy 2 buổi/ngày bố trí 1,4 GV/lớp dẫn đến việc phải bố trí GV dạy vượt quá số tiết quy định từ 3-4 tiết/GV/tuần. Đối với cấp THCS ở các trường có số lớp ít, không đủ số lượng GV các bộ môn để giảng dạy, phải bố trí dạy chéo môn, không đúng chuyên ngành đào tạo...
 
Còn đối với cấp THPT, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở đã có động thái điều chuyển GV từ trường thừa đến trường thiếu, tuy có sự xáo trộn trong tâm lý cán bộ, GV, nhưng buộc phải chấp nhận để các trường cơ bản bảo đảm công tác dạy và học. Nhưng việc không đủ GV ảnh hướng rất lớn đến công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Một lần nữa khẳng định, việc cắt giảm biên chế đối với ngành GD-ĐT theo đúng chủ trương là điều phải làm, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD-ĐT, thì không nên áp dụng cắt giảm biên chế đối với ngành GD-ĐT theo cơ học như hiện nay; mà các tỉnh, thành phải ưu tiên bảo đảm đủ GV để bố trí tại các trường học. Bởi GD-ĐT là một ngành đặc thù, nếu cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 10% đồng nghĩa với việc phải giảm lớp, tăng HS1 lớp, giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng dạy học thấp. Nhất là không bảo đảm an toàn cho trẻ, trẻ nhà trẻ bị thiệt thòi do không được đến trường vì thiếu GV.
 
Về lâu dài, chỉ thực hiện tinh giảm biên chế phù hợp và có hiệu quả khi kết hợp với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ theo hướng tích hợp liên môn, một GV có thể dạy nhiều môn, dạy đủ số tiết theo quy định…
 
Nội Hà
,