.

Giáo dục đổi mới phải là một quá trình cần kiên trì, kiên định thực hiện

.
16:06, Thứ Năm, 02/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sáng nay (2-8), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục tại 64 điểm cầu trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp tỉnh; Trường đại học Quảng Bình; lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và các đơn vị trực thuộc; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các phòng GD-ĐT và các trung tâm giáo dục-dạy nghề...
 
Báo cáo tổng kết năm học 2017-2018 do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trình bày nêu rõ, năm học 2017-2018, toàn ngành đã tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật: trong đó, mạng lưới trường, lớp mầm non (MN) phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi; môi trường giáo dục ở các cơ sở giáo dục MN được cải thiện theo hướng tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp; chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên. 
 
Bộ GD-ĐT đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn để các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện tốt việc tinh giản nội dung, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; cắt giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực đối với giáo viên (GV), học sinh. Mặc dù có những hạn chế cần khắc phục nhưng kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chuẩn bị và tổ chức giảm áp lực, giảm tốn kém cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng xã hội học tập từng bước đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định, đó là: công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường MN. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu... 
 
Tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; chưa đủ GV MN và GV các môn chuyên biệt ở cấp học phổ thông. Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, trong đó có việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra. Việc dạy thêm, học thêm và lạm thu vẫn chưa giải quyết triệt để...
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm học 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt địa phương thực hiện tốt Chỉ thị năm học 2018-2019 của ngành giáo dục. Ổn định những đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29. Tiếp tục quán triệt các nội dung của Nghị quyết 29, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý hai điểm:
 
Thứ nhất, giáo dục đổi mới phải là một quá trình. Khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cần kiên trì, kiên định thực hiện.
 
Thứ hai, nhất định phải theo xu thế thế giới. Không chỉ các trường đại học tự chủ, tới đây các trường THPT - quản lý cũng phải thay đổi.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cụ thể tới Bộ GD-ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương… cần quan tâm bảo đảm vấn đề biên chế giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập. Đồng chí cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nêu gương của các thầy cô giáo: “Từ năm học này, Bộ GD-ĐT cần phát động để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành…”.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã có sự chỉ đạo năm nay cố gắng giải quyết cho bằng được vấn đề nhà vệ sinh trong trường học; đồng thời đề nghị các nhà trường phải quan tâm giáo dục học sinh thói quen gìn giữ nhà vệ sinh, trường lớp học, tạo cho các em ý thức yêu lao động.
 
“Tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, đổi mới, các đồng chí tiếp tục “giữ lửa”, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến các đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thực sự, có như vậy đất nước mới phát triển” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi toàn hội nghị.
Nội Hà
 
 
,