.

Điểm sáng Trường mầm non Sơn Hoá

.
07:24, Thứ Tư, 15/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Được thành lập  từ năm 2004, đứng chân ở địa bàn xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Trường mầm non Sơn Hóa đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục huyện Tuyên Hóa.
 
Đặc biệt, năm học 2017-2018 là năm đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của nhà trường (tăng trưởng về cơ sở vật chất và đột phá trong chất lượng giáo dục trẻ), được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
 
Cũng trong năm học này, trường đã đạt giải xuất sắc hội thi “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cấp huyện và đạt giải nhì cấp tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hoá” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 5 liền; được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc năm 5 liên tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tổng kết năm học 2017-2018, Trường mầm non (MN) Sơn Hóa vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Một giờ học của cô và cháu Trường MN Sơn Hóa.
Một giờ học của cô và cháu Trường MN Sơn Hóa.
Cô Phan Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường MN Sơn Hoá chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từ 24-72 tháng tuổi của địa bàn xã Sơn Hoá, thời gian qua, công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được nhà trường quan tâm đặt lên hàng đầu. Nhà trường huy động mọi nguồn lực mua sắm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng, nhất là đồ dùng vệ sinh cá nhân cho trẻ; quản lý chặt chẽ chất lượng từng bữa ăn; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ tại nhóm, lớp. Trường đã thực hiện tốt mô hình “Vườn rau của bé”, cung cấp hơn 80% số lượng rau trong bữa ăn của trẻ tại trường. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng nên trẻ đến trường được tăng cân đều  đặn. 
 
Cùng với việc chăm sóc nuôi dưỡng, chất lượng giáo dục luôn được nhà trường quan tâm. Ngay từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát bổ sung chương trình nhằm bảo đảm tính chất vùng miền của địa phương, xây dựng hệ thống chương trình với nhiều nội dung phong phú.
 
Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Do vậy, chất lượng, hiệu quả giáo dục trên trẻ đạt kết quả cao: 100% trẻ có kỹ năng giao tiếp theo từng độ tuổi; 100% trẻ 5 tuổi được theo dõi và đánh giá theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN theo qui định.
 
Bên cạnh đó, nhà trường chủ động, tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể làm tốt công tác xã hội hóa, tham mưu phát triển GDMN, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng và các doanh nghiệp, cá nhân về ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường; năm học 2017-2018 đã huy động được nguồn kinh phí đầu tư cho nhà trường hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó từ nguồn xã hội hoá trên 820 triệu đồng.
 
Cũng trong năm học 2017-2018, các cô giáo đã xây dựng thành công mô hình “Khu vui chơi và tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ ngoài trời”. Nhà trường đã tạo được một khu vui chơi dân gian mang nét đặc sắc của quê hương Sơn Hoá, được trang trí bằng các nguyên vật liệu đồ dùng dễ kiếm tại địa phương. Đồ chơi dân gian cho trẻ là những chiếc mo cau, quạt nan, đôi quang gánh, bàn cờ... bằng các thanh tre, nứa, lá, sỏi, đá. Trò chơi dân gian được các cô chia thành bốn nhóm: trò chơi vận động (tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lò cò, bịt mắt bắt dê… giúp tăng cường sức khỏe, thể chất cho học sinh); trò chơi học tập (chơi cờ lá, cờ lật, chơi ô ăn quan... giúp phát triển trí tuệ của trẻ, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán; trò chơi sáng tạo (học sinh có thể tự làm nên những đồ vật bằng vật liệu trong thiên nhiên như, làm chong chóng bằng lá dừa, nặn con trâu bằng đất sét, xếp lá dừa thành con châu chấu… giúp trẻ khéo tay, phát huy sáng kiến, năng khiếu thẩm mỹ); trò chơi mô phỏng (là những trò chơi mà trẻ bắt chước cách sinh hoạt của người lớn như làm nhà, nấu ăn, mua bán,…). Dựa trên các loại trò chơi dân gian, các cô giáo đã tạo nên sân chơi bổ ích cho trẻ, thu hút đông đảo trẻ và phụ huynh tham gia, trẻ thích được đến trường để vui chơi. 
 
Qua một năm thực hiện mô hình này, Trường MN Sơn Hoá đã được Phòng GD-ĐT chọn làm mô hình điểm để phổ biến nhân rộng cho các trường MN trong toàn huyện.
Một góc khu vui chơi ngoài trời của trẻ.
Một góc khu vui chơi ngoài trời của trẻ.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hoá Hoàng Văn Phúc phấn khởi trao đổi: Trường MN Sơn Hoá có được sự bứt phá trong năm học 2017-2018 là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể sư phạm nhà trường, nhất là cô Hiệu trưởng Phan Thị Kim Huế. Cô là một tấm gương sáng về tinh thần chịu khó học hỏi, đam mê, tâm huyết với nghề, linh hoạt trong công tác chỉ đạo. Trong hai năm qua, cô đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm. Cô luôn đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý. Vì vậy, số lượng học sinh của trường ngày càng tăng (năm học 2015-2016 có 180 trẻ đến năm học 2017-2018 số lượng trẻ đã tăng lên 231 cháu), chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày được nâng lên, tạo niềm tin cho phụ huynh khi gửi gắm con em tại trường.
 
“Từ một trường không có đủ phòng học, phải học phòng học tạm, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có các phòng học chức năng; phòng làm việc, khuôn viên chưa được cải tạo, sau gần 1 năm xây dựng, Trường MN Sơn Hóa đã có một môi trường giáo dục khang trang, sạch, đẹp với đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị: từ khuôn viên, cổng trường, hàng rào, sân chơi, sân tập, các khu vui chơi, vườn rau, nhà bếp, đến hệ thống phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, bàn ghế cho giáo viên, học sinh; khu vệ sinh, nhà để xe, hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, thu gom rác…, đều bảo đảm theo yêu cầu của một trường đạt chuẩn quốc gia”, thầy Phúc cho biết.
 
Nội Hà
,