.

Lớp toán đặc biệt và ký ức hơn nửa thế kỷ

.
08:27, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trong câu chuyện của những học sinh lớp chuyên Toán đầu tiên của tỉnh Quảng Bình vẫn đầy ắp kỷ niệm. Với họ, sự thành công trong cuộc sống là quả ngọt được chắt chiu từ chính những gian khó trong những năm tháng học tập dưới bom đạn chiến tranh.
 
Lớp học dưới hầm sâu       
 
Với ông Trần Thanh Toàn, nguyên Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Quảng Bình, ký ức của hơn nửa thế kỷ trước vẫn luôn là hành trang theo ông đến suốt cuộc đời. Năm 1965, khi ấy, ông vừa tròn 16 tuổi thì được gọi theo học lớp chuyên Toán của tỉnh tại Trường cấp 3 Quảng Bình.
 
“Sở dĩ vậy bởi thời điểm đó, Bộ Giáo dục có chủ trương cho các tỉnh có điều kiện mở một lớp phổ thông năng khiếu, có tên gọi chung là lớp toán đặc biệt, nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học ở trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Học sinh được tuyển chọn vào lớp học này là những học sinh giỏi toán cấp 2, có điểm thi tốt nghiệp môn toán và điểm tổng kết học kỳ I lớp 8 đạt loại giỏi. Với tôi lúc đó, việc được gọi vào học lớp chuyên Toán của tỉnh là cả một niềm tự hào, háo hức và xen nhiều lo lắng. Lớp chuyên Toán đầu tiên của tỉnh khi ấy được gọi là lớp toán đặc biệt, thuộc Trường cấp 3 Quảng Bình, lúc bấy giờ sơ tán lên xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Cuộc sống học tập xa nhà của tôi bắt đầu từ năm đó”, ông Toàn bồi hồi nhớ lại.
Các thành viên lớp chuyên Toán đầu tiên cùng BGH, giáo viên Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.
Các thành viên lớp chuyên Toán đầu tiên cùng BGH, giáo viên Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.
Lớp học của lớp Toán đặc biệt là một ngôi nhà hầm nửa nổi, nửa chìm, đặt trên khoảnh đất lưng chừng sườn đồi cạnh làng. Một đường hào sâu chạy từ đường thôn vào lớp học và thông xuống chân đồi. Những ngày mưa gió, nước chảy xuống hầm, chỉ có bục giảng khô ráo để phục vụ cho việc dạy học, còn học sinh ngồi học, hai chân vẫn ngâm dưới lỏng bỏng bùn đất. Vậy mà giữa không gian học tập đặc biệt ấy, tình yêu Toán học của những cô, cậu học trò nghèo được thắp lửa. Bao nhiêu ước mơ cũng được vun vén từ trong chính bom đạn chiến tranh và sự chật vật của cuộc sống xa nhà.
 
Những ngày đầu thành lập lớp, 34 học sinh được phân về ở tại các nhà dân thuộc thôn Bến, xã Vạn Ninh. Đến năm 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt, tỉnh đã chủ trương di chuyển, sơ tán các trường cấp 3 ở vùng trọng điểm địch đánh phá đến các vùng an toàn, các xã miền núi xa xôi. Cùng với học sinh của các lớp khác thuộc Trường cấp 3 Quảng Bình, lớp chuyên Toán được sơ tán lên huyện miền núi Minh Hóa.
 
Ông Nguyễn Đăng Vinh (Hải Đình, Đồng Hới), khi ấy là lớp trưởng của lớp Toán đặc biệt kể lại rằng ba ngày di chuyển từ Vạn Ninh ra đến Minh Hóa là quãng thời gian khó quên. Mỗi giây phút trên chuyến hành trình đặc biệt, thầy và trò luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn ngày đêm rình rập. Dọc đường đi, họ đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị bom đạn cày nát, rải rác hai bên đường là xác những chiếc xe bị bom dội, khét lẹt, đen trùi trũi đến đáng sợ. Những đôi chân trần cứ mải miết đi giữa những cung đường đầy vết tích bom đạn, đi giữa những đoạn đường rừng hiểm trở, giữa cát bỏng nắng cháy. Sau những ngày hết đi bộ hàng chục cây số rồi trên những chuyến ô tô dằn xóc, họ cũng đã đến được địa điểm mới của trường. Đó là một thung lũng rộng thuộc xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa. Cuộc sống và việc học tại vùng sơ tán bắt đầu từ đó.
 
Bom đạn chiến tranh không ngăn được tình yêu toán học trong những học sinh của lớp học đặc biệt ấy. Ông Vinh nhớ lại: "Tinh thần học tập của lớp rất cao và lúc nào cũng tạo nên một không khí thi đua sôi nổi. Ngoài nguồn sách giáo khoa, nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu là tờ “Toán học và tuổi trẻ”. Báo về tận tay đều đặn mỗi tháng và trở thành tài liệu gối đầu giường của mỗi học sinh. Mỗi giờ đến lớp, dù phải luôn trong tư thế sẵn sàng tránh trú bom đạn giặc Mỹ nhưng buổi học nào cũng là những giờ phút tranh luận sôi nổi về những bài giải hay, những bài toán khó."
 
“Quả ngọt” trên “đất khó”
 
Khó khăn, thử thách thời chiến đã rèn đúc nên những con người biết vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời. Để hôm nay, dẫu đang ở vị trí nào trong xã hội, họ vẫn coi đó như một phần đời ý nghĩa nhất đã tôi luyện cho họ những nghị lực sống, bản lĩnh sống. Ban đầu, lớp Toán đặc biệt có 34 học sinh, đến từ các huyện, thị xã trong tỉnh. Trong ba năm học, do chiến tranh và cuộc sống khó khăn, nhiều học sinh đã không thể bám trụ cho đến cuối cấp học. Ngày ra trường, lớp Toán đặc biệt chỉ còn lại 24 học sinh.
Các thành viên lớp Toán đặc biệt trong buổi tặng quà của gia đình cựu học sinh cho quỹ khuyến tài Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.
Các thành viên lớp Toán đặc biệt trong buổi tặng quà của gia đình cựu học sinh cho quỹ khuyến tài Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.
Sau khi tốt nghiệp, đại đa số học sinh lớp chuyên Toán đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đều vào các trường đại học trong và ngoài nước. Một số khác nhập ngũ ngay khi trở về quê hương, trong số đó có người đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Đến nay, những học sinh của lớp Toán đặc biệt năm nào nay đều đã quá tuổi 70, người còn, người mất.
 
Trong số những học sinh ra trường ngày ấy, nay đã có 2 phó giáo sư, tiến sỹ, 4 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, 1 nhà văn, số còn lại đều tốt nghiệp tại các trường đại học lớn. Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Viết Ngư, nguyên Phó giám đốc Đại học Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Đại cương Huế là tác giả của năm đầu sách về toán do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Phó giáo sư, tiến sỹ Trương Quang Hiếu, giảng viên Trường đại học Mỏ - Địa chất cũng là tác giả của ba đầu sách nổi tiếng về toán học. Số còn lại đều giảng dạy và công tác tại các cơ quan, trường học.
 
Dù ở vị trí công tác nào, họ cũng thể hiện bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và tư chất chuyên môn được tôi rèn từ trong những ngày theo học lớp Toán đặc biệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sự thành công nay là quả ngọt được chắt chiu từ trong những gian khó, những chật vật đã qua.
 
Năm 2017, sau hơn nửa thế kỷ, những học sinh lớp Toán đặc biệt năm nào gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi. Qua bao thăng trầm của đời người, ký ức tuổi hoa niên vẫn vẹn nguyên bên trong những mái đầu đã bạc màu quá nửa. Họ quyết định lấy ngày 13-7 hằng năm là ngày kỷ niệm ra đời lớp chuyên Toán đầu tiên của Quảng Bình với mong muốn tỉnh quyết định công nhận mốc lịch sử dạy và học chuyên của tỉnh nhà là năm 1965. Đồng thời công nhận lớp Toán đặc biệt 65-68 là lớp chuyên đầu tiên của ngành GD - ĐT tỉnh nhà.
 
“Nhưng sâu xa hơn, chúng tôi muốn truyền đến cho các thế hệ học sinh của tỉnh một thông điệp rằng từ hơn 50 năm trước, dù chiến tranh ác liệt, đói khổ nhưng tỉnh vẫn quan tâm đào tạo và đã có những thế hệ học sinh chịu đựng gian khổ tham gia các lớp chuyên. Thì nay, các em có điều kiện học tập tốt hơn, mong các em cố gắng nối tiếp truyền thống học chuyên để đạt được nhiều thành tích hơn nữa”, ông Trần Thanh Toàn chia sẻ thêm.
 
Diệu Hương
,