.

Cầu thủ Xuân Trường: Sau bóng đá, niềm yêu thích lớn nhất là tiếng Anh

.
16:01, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

Trong buổi giao lưu với các học viên của Trung tâm Anh ngữ Apax mới đây, đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam Lương Xuân Trường cho biết, tình yêu lớn nhất của cầu thủ này là bóng đá, tiếp đó là tiếng Anh, nghe nhạc và chơi game.

 Xuân Trường giao lưu với các học viên Anh ngữ Apax (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Xuân Trường giao lưu với các học viên Anh ngữ Apax (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Niềm yêu thích với ngoại ngữ cũng là một trong những lý do để dù kín lịch luyện tập và từ chối rất nhiều lời mời sự kiện nhưng cầu thủ này đã cố gắng thuyết phục ban huấn luyện Hoàng Anh Gia Lai cho tham gia cuộc giao lưu với các em nhỏ của Apax.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh để có thể giao tiếp tiếng Anh rất tốt như hiện nay, Xuân Trường cho biết, từ năm 10 tuổi, khi vào Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trường đã được học tiếng Anh tuần ba buổi. Do có sẵn niềm yêu thích với môn học này nên anh đã học khá nhanh.
 
Tuy nhiên, cũng theo Xuân Trường, do là một cầu thủ bóng đá, phải luyện tập từ sáng đến chiều, buổi tối là lúc nghỉ ngơi sau một ngày tập luyện mệt mỏi, nên thời gian để dành cho rèn luyện tiếng Anh là không nhiều.
 
Trường cho biết trong môn ngoại ngữ này, anh thấy phần khó khăn nhất là giao tiếp với người nước ngoài, nghe được họ nói. Trong khi đó, việc phải đi thi đấu với các đội bóng quốc tế càng khiến cho anh phải giao tiếp nhiều hơn, nhưng cũng chính điều đó đã là cơ hội để Trường cải thiện điểm yếu trong kỹ năng nghe của mình.
 
Theo Xuân Trường, nếu không có tiếng Anh thì rất khó để anh có thể trở thành cầu thủ như ngày hôm nay. 
 
“Ví dụ như hai năm vừa qua Trường ở Hàn Quốc, nếu không có tiếng Anh thì không biết làm cách nào để nói chuyện với mọi người, từ việc đơn giản như bảo ‘tôi đói quá’,” Trường vui vẻ chia sẻ.
 
Kể về những kỷ niệm khó quên trong việc sử dụng ngoại ngữ, Trường cho biết anh nhớ nhất tình huống diễn ra trong một trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia trên sân Mỹ Đình trong năm 2015.
 
Trong trận đó có tình huống cầu thủ Quế Ngọc Hải va chạm với một cầu thủ tiền đạo của đối phương và tiền đạo này bị ngã trong vòng cấm. Trọng tài chính đã chỉ tay vào chấm phạt đền 11 mét. 
 
“Nếu trong tình huống đó, các cầu thủ Indonesia được hưởng quả phạt đền thì gần như mọi cơ hội sẽ chấm hết cho đội tuyển Việt Nam của chúng ta. Lúc đó, thời gian để thay đổi quyết định của trọng tài là không nhiều và em nghĩ gần như không thể. Em nghĩ trọng tài chính đã ở góc quan sát không được tốt cho lắm nên em đã nghĩ đến trọng tài biên ở phía bên kia sẽ có thể có góc nhìn tốt hơn. Em có nói với trọng tài chính là trước khi đưa ra quyết định cuối cùng tại sao ông lại không hỏi ý kiến trọng tài biên. Sau khi hội ý với trọng tài biên thì trọng tài chính đã thay đổi quyết định, rất may không có phạt đền,” Xuân Trường nhớ lại.
 
Được mọi người ngưỡng mộ không chỉ về khả năng bóng đá mà cả về khả năng ngoại ngữ, Xuân Trường khiêm tốn cho rằng ngoại ngữ của anh vẫn còn rất nhiều hạn chế và nhiều cầu thủ trong đội cũng nói tiếng Anh rất tốt nhưng ít có cơ hội thể hiện.
 
Trả lời câu hỏi giao lưu về việc nếu không đá bóng, Trường sẽ làm gì? Nếu được đi du học, Trường sẽ chọn nước nào, Xuân Trường không ngần ngừ đáp: “Nếu không đá bóng nữa, em sẽ học thêm tiếng Anh và làm một công việc liên quan đến tiếng Anh. Nếu được đi du học, em sẽ đến các nước nói tiếng Anh như Anh hoặc Mỹ.”./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)

 

,