Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Mỗi vùng biển, mỗi hòn đảo của Tổ quốc đều thiêng thiêng và thân thương…"

  • 08:19 | Chủ Nhật, 01/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 3-1979, khi bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” vang lên khắp mọi miền quê, cùng với nhiều bạn bè dưới mái trường cấp III Quảng Trạch, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hơn 40 năm gắn bó với biển đảo, người lính ấy quen thuộc với từng hòn đảo, lạch luồng, con sóng biển Đông… Ông là Chuẩn đô đốc Đỗ Quốc Việt, Tư lệnh vùng 3 Hải quân, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình “hai giỏi”. Để hiểu hơn về cuộc đời binh nghiệp của Chuẩn đô đốc Đỗ Quốc Việt, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với ông. 
 
- Ở thời điểm sắp hoàn thành chương trình học lớp 10, cũng là thời điểm quyết định con đường của tương lai, ông đã không chần chừ viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Cảm xúc của ông trong những tháng ngày đáng nhớ ấy, thưa Chuẩn đô đốc?
 
- Tôi nghĩ rằng các bạn bè nhập ngũ cùng tôi năm ấy, đến bây giờ khó ai có thể quên hào khí những ngày tháng 3-1979, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin đặc biệt tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến. Là những người trẻ, chúng tôi hiểu mình nên làm gì trước lời hiệu triệu của Tổ quốc. Lúc ấy, chúng tôi đang giai đoạn chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), Trường cấp III Bắc Quảng Trạch. Ở lớp tôi, ngoại trừ một số bạn có hoàn cảnh đặc biệt, còn đa số các bạn nam đều tình nguyện lên đường nhập ngũ, trong đó có tôi. Lúc đó, chúng tôi suy nghĩ rất đơn giản, rằng khi Tổ quốc cần, mình là những người trẻ tuổi, có thể đóng góp được gì thì nỗ lực đóng góp thôi!
 
- Trong số những bạn bè nhập ngũ ngày ấy, ông đã lựa chọn trở thành người lính Hải quân. Ông có thể cho biết đâu là cơ duyên để ông gắn bó đời mình với biển đảo quê hương?
 
- Tôi sinh ra và lớn lên ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Cuộc sống của tôi gắn bó nhiều với biển, có lẽ vì thế tôi yêu biển từ trong tiềm thức. Nên tôi lựa chọn trở thành lính Hải quân như một lẽ tự nhiên. Ở thời điểm ấy, tôi và nhiều bạn bè mình không kịp suy nghĩ, cân nhắc quá nhiều, mọi người hồn nhiên nhập ngũ, nhanh chóng đáp lời kêu gọi của Tổ quốc lúc bấy giờ.
Chuẩn đô đốc Đỗ Quốc Việt, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Chuẩn đô đốc Đỗ Quốc Việt, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
- Đến bây giờ vừa tròn 41 năm ông nhập ngũ, đó là một hành trình dài. Chuẩn đô đốc có thể chia sẻ với bạn đọc về những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của mình?
 
- Tháng 3-1979, sau khi nhập ngũ, tôi được biên chế về Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Thời gian này, tôi hoàn thành chương trình học văn hóa và các nhiệm vụ được giao. Từ năm 1981 đến 1986, tôi được cử đi đào tạo tại Trường Hải quân Ki-rốp thuộc Liên Xô cũ. Đây là trường Hải quân lớn nhất Liên Xô mà tôi và một số đồng đội đã được đào tạo ở đó. Sau khi tốt nghiệp, tôi về nước và công tác tại thành phố Đà Nẵng, trải qua nhiều vị trí công tác, tham gia đào tạo tại Học viện Hải quân Nha Trang, rồi chuyển ra Hải Phòng... Đến năm 2014, theo yêu cầu nhiệm vụ, tôi trở về Đà Nẵng với chức danh Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3. Tháng 5-2015 là Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và năm 2016 được phong quân hàm Chuẩn đô đốc.
 
- Trong hơn 4 thập kỷ là người lính biển, tin rằng có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với biển đảo mà ông muốn chia sẻ. Ông có thể kể cho bạn đọc về những kỷ niệm đó?
 
- Có thể nói, tôi cũng như những đồng đội của mình, có rất nhiều kỷ niệm với biển đảo. Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ vùng biển giữa miền Trung, cụ thể là từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Bình Định. Trong khu vực có hai hòn đảo là đảo Cồn Cỏ và đảo Lý Sơn. Mỗi ngày, dù là trong thời chiến hay thời bình, cả vùng biển rộng lớn của Tổ quốc xảy ra biết bao nhiêu tình huống. Mỗi một câu chuyện, một tình huống hay giản đơn là một ngày trôi qua, những người lính biển, trong đó có tôi, đều có thêm những kỷ niệm và những bài học kinh nghiệm.
 
Nhưng với tôi, có lẽ những phút giây dõi theo con tàu của đồng đội đi cứu tàu của ngư dân trong đêm mưa bão năm 2017, khi bão số 12 đổ bộ vào Nha Trang là ký ức vô cùng sâu sắc. Thời điểm đó, tàu của chúng tôi đang tránh bão tại Quy Nhơn. Khi nhận được tin có tàu ngư dân bị nạn gần khu vực đảo Chóp Chài, chúng tôi đã cử tàu đi cứu hộ. 15 thuyền viên trên tàu cứu hộ xuất phát từ 5 giờ chiều, đi trong tâm bão. Đến gần 1 giờ sáng, tàu cứu hộ mới tiếp cận được tàu bị nạn. Hai ngư dân, cũng là hai cha con trên tàu cá được cứu, vụ cứu hộ của chúng tôi thành công. Đó là một trong rất nhiều chuyến cứu hộ trong tình huống vô cùng hiểm nguy mà chỉ cần một sai sót nhỏ trong tính toán, tính mạng của những người lính và ngư dân đều bị đe dọa.  
 
- Dù chúng ta đang sống trong thời bình, nhưng biển Đông không ít lần dậy sóng bởi sự phá hoại, gây hấn của các thế lực thù địch. Để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, theo ông, những người lính nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, cần phải làm gì, thưa Chuẩn đô đốc?
 
- Tôi cho rằng, ý nghĩa tư tưởng trong câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà sinh thời Bác Hồ từng sử dụng, là phương châm hành động và triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam, là sách lược phù hợp mà chúng ta cần vận dụng trong giai đoạn hiện nay trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Cùng với tính nguyên tắc, kiên định giữ vững mục tiêu chiến lược của đất nước là sự linh hoạt, uyển chuyển và đối sách phù hợp. Thực tế đã khẳng định, việc vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng này đã giúp chúng ta bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, giải quyết tốt các vấn đề trên biển Đông nói riêng.
 
Cùng với việc thực hiện phương châm hành động đó và sự nỗ lực của những lính Hải quân nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung, tôi cho rằng vai trò của mỗi một người dân, đặc biệt là ngư dân vô vùng quan trọng bởi lẽ mỗi ngư dân chính là một cột mốc chủ quyền, đồng hành cùng bộ đội Hải quân giữ vững chủ quyền biển đảo, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
 
- Ngoài nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng biển giữa miền Trung và đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã gắn bó với những vùng biển, quần nào đảo nhiều nhất, thưa Chuẩn đô đốc?
 
- Hơn 40 năm qua, cũng như nhiều đồng đội của mình, theo sự phân công của tổ chức, tôi đảm nhận nhiệm vụ ở nhiều đơn vị, địa phương khác nhau trong toàn quốc. Với tôi, mỗi vùng biển, mỗi hòn đảo của Tổ quốc đều thiêng thiêng và thân thương. Bên cạnh sự gắn bó với vùng biển mà Bộ Tư lệnh vùng 3 quản lý cùng hai hòn đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ, quần đảo Trường Sa là nơi tôi từng đặt chân đến nhiều lần. Mỗi khi đến đây, ký ức về những cuộc chiến đấu anh dũng của người lính Hải quân để bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa luôn nhắc nhở tôi và đồng đội của mình thêm quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
 
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Xin chúc Chuẩn đô đốc và những người lính Hải quân “đạp bằng sóng dữ” tiếp tục giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Chuẩn đô đốc Đỗ Quốc Việt, Tư lệnh vùng 3 Hải quân sinh năm 1960 , trong gia đình có 6 anh em tại làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nhập ngũ năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường Hải quân Ki-rốp thuộc Liên Xô cũ, ông về nước và đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau. Năm 2016, ông được phong quân hàm Chuẩn đô đốc. Với quan điểm “Binh hùng thì tướng mạnh”, bên cạnh những đóng góp của mình trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước, dù ở vị trí công tác nào, ông vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho những người lính Hải quân cả về đời sống và tư tưởng, bản lĩnh người lính.
 
Ngọc Mai - Nội Hà
 

tin liên quan

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.

Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí: "Quê hương Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi…"

(QBĐT) - Giữa tháng 7 này, đêm nhạc "Tri ân quê hương" của Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ (GS.TS.NS) Nguyễn Anh Trí sẽ được tổ chức tại quê hương Quảng Bình.