Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

55 tuổi nhưng vẫn "gánh" trên vai chữ "trẻ"

  • 08:33 | Chủ Nhật, 22/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là trăn trở của nhà thơ Đỗ Thành Đồng, gương mặt mới của của tỉnh Quảng Bình là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với anh, thơ là người bạn đồng hành, là “duyên”, là “nghiệp”. “Khi nào trả hết “nghiệp” tôi sẽ ngừng sáng tạo”, nhà thơ Đỗ Thành Đồng chia sẻ. 
 
- Chừng 7-8 năm về trước, cái tên Đỗ Thành Đồng còn khá mới mẻ trong làng thơ, văn Quảng Bình. Thế nhưng, bây giờ, anh đã tạo nên những bước có thể nói là “đột phá” trong hành trình sáng tạo văn học nghệ thuật. Anh có thể chia sẻ về điều này?
 
Chân dung nhà thơ Đỗ Thành Đồng.
Chân dung nhà thơ Đỗ Thành Đồng.

- Tôi xem hành trình đến với thơ của mình là “nghiệp”. Có “nghiệp” thì phải trả, mà có “duyên” mới trả được. Từ nhỏ, tôi đã mê đắm những câu ca dao trong lời ru của bà, thích thú những bài thơ của cha tôi, cụ Đỗ Hữu Tịnh.“...luật thừa kế không chia đều trí tuệ/di chúc cha chỉ mỗi chữ đức/con là đứa tham lam ích kỷ/ vơ vào mình nghiệp chướng thi ca..” (bài “Cha” trong tập thơ “Đá”, NXB Hội Nhà văn 2019). Ngày xưa, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn nhưng cha tôi luôn dành dụm tiền để tìm mua các tập thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa về cho tôi đọc. Ông ước mơ tôi cũng trở thành “thần đồng” như thế. Năm 8 tuổi, tôi đã có thơ đăng trên Báo Quảng Bình. Song vì cuộc sống gia đình còn khó khăn nên tôi tạm gác lại ước mơ của mình. Từng trang thơ lúc ấy chỉ là những dòng nhật ký.

Năm 1993, cha tôi thành lập CLB thơ làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn). Khi đó, tôi mới 29 tuổi. Dù bận bịu công việc làm ăn, nhưng cha luôn muốn tôi dành thời gian để tham gia các buổi sinh hoạt thơ của các cụ trong CLB. Và cứ thế, niềm đam mê thơ trong tôi trỗi dậy, rồi lớn dần theo năm tháng. Có những lúc “tha phương cầu thực”, tôi suy nghĩ: “Thơ phú khơi khơi nguồn vật chất/Bạc tiền khép khép nghiệp văn chương...”. Nhưng rồi cái “nghiệp” văn chương khiến tôi không dứt được mà cứ “Đêm mộng tay sờ gót Tú Xương”. Năm 2010, tôi cho ra đời tập thơ Đường luật “Cỏ vô danh” (Nhà XB Thuận Hóa).
 
Những tưởng, cả đời gắn với thể thơ truyền thống này thì một cơ duyên mới mà tôi gọi đó là “duyên thơ” đến với tôi. Đó là lần gặp gỡ nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Ông tặng tôi tập thơ “Tháp nghiêng” và nói rằng: “Cố đọc đi, chưa hiểu thì đọc lại và ngẫm”. Tôi đọc nhưng chưa hiểu lắm. Một thời gian sau, ông gửi cho tôi tập luận của nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh về “Tháp nghiêng”.
 
Tôi đọc và hiểu thi pháp. Đó chính là “chìa khóa” để tôi mở cửa những “bí ẩn” trong thơ siêu thực. Tôi bắt đầu hành trình sáng tạo theo thi pháp mới. Rất mừng là bài thơ đầu tay “Người đàn bà chờ” được đăng báo. Có thêm động lực, tôi say mê viết, đến bài “Rác” thì nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đọc và khen tặng tôi rằng: “Tôi có thể gọi cậu là nhà thơ rồi đấy”. Năm 2012, tôi cho ra đời tập thơ “Rác” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tập thơ được giải C giải thưởng Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình.
 
- Với sự cho ra đời liên tiếp các tập thơ: Rác, Rỗng, Xác, Đá…, công chúng yêu thơ và giới chuyên môn nhận ra một Đỗ Thành Đồng rất mới mẻ, khác lạ so với trước đó. Bí quyết nào để tạo ra sự “lột xác” đó, thưa anh?
 
- Có thể khẳng định rằng, thi pháp hiện đại trong sáng tạo đã đưa tôi đến ngày hôm nay. Và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là người “bẻ ghi” con tàu thơ của tôi từ đường ray cũ sang một đường ray mới. Nhưng tôi phải đi trên đường ray của tôi, những “cung đường”, những “nhà ga” riêng do tôi thiết kế, xây dựng. Nhà thơ Hàn Mạc Tử từng nói, muốn có thơ hay, anh phải có thi cốt, thi tài và thi học. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình không ngơi nghỉ của “thi học”.
 
- Hình như, anh thích những tựa đề chỉ có một chữ?
 
- Nói “thích” thì có vẻ hơi khiên cưỡng. Có nhiều thứ không phải thích là được mà phải có yếu tố “trời cho”. Tôi viết bài “Rác” trong tâm trạng nỗi buồn nặng trĩu về thế thái nhân tình. Trong một lần xem phim, nghe câu thoại “anh là thứ rác không còn tái sử dụng”. Tôi chạy bộ một mạch ra bãi rác, chứng kiến những gì xảy ra trong bãi rác buổi sáng và bài thơ ra đời ngay bãi rác. “Rác” ám ảnh tôi, khiến tôi phải lấy nó đặt tên cho tập thơ đầu tay của sự đổi mới. Từ đó, cứ làm thơ là cái tên một chữ nó “ám” tôi như thế. Nhà thơ Phan Văn Chương nói: “Cầm thơ Đỗ Thành Đồng, chưa đi vào văn bản, chỉ mới đọc tựa đề đã cảm thức được sự cô đơn trong sáng tạo”. Chính sự cô đơn nó bắt tôi rút gọn con chữ,ngay cái tựa thơ cũng phải đứng một mình.
Đỗ Thành Đồng và các thành viên trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
Đỗ Thành Đồng và các thành viên trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

- Từ yêu thơ đến thành nhà thơ rồi gần đây “lấn sân” sang lĩnh vực văn học, báo chí, có thể nói, Đỗ Thành Đồng là gương mặt mới trên nhiều lĩnh vực. Vậy đâu là con đường anh lựa chọn cho riêng mình?

- Tôi không có ý định “lấn sân” sang lĩnh vực khác. Với tôi, thơ luôn là niềm đam mê, là lẽ sống. Tôi viết báo, tiểu phẩm kịch… là để trải nghiệm nhằm có thêm điều kiện nuôi dưỡng niềm đam mê thơ của mình.
 
- Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hẳn anh có rất nhiều cảm xúc. Anh có nghĩ đây là niềm vinh dự nhưng cũng là thử thách đối với người gắn với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật?
 
- Lúc đầu, nghĩ đến trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tôi là quá lớn, mặc dù đó là ước mơ của rất nhiều người cầm bút chứ không phải riêng tôi. Đạt được ước mơ không chỉ là vinh dự mà còn là hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ, Hội Nhà văn không phải là nơi để kiếm chút danh hảo rồi tự thỏa mãn. Tôi coi cái thẻ hội viên của mình là sự công nhận những thành tựu đã đạt được để tiếp tục cống hiến. Sáng tác văn học nghệ thuật là nhu cầu tự thân nên khi nào trả hết “nghiệp” tôi sẽ ngừng sáng tạo. Và đã sáng tạo thì chấp nhận thử thách, khó khăn.
 
- Sau tập thơ mới nhất có tựa đề “Đá”, công chúng yêu thơ đang chờ đợi một Đỗ Thành Đồng với những tìm tòi, khám phá mới. Vậy cái “mới” tiếp theo là gì thưa anh?
 
- Tôi có nhiều tham vọng lắm, vì tôi ví mình là “con vạc ăn đêm”. Dự định cuối năm 2020, tôi sẽ cho ra tập thơ thứ 6 với tựa đề là “Rơm”. Tôi còn có một khát khao lớn đó là đào tạo đội ngũ sáng tác kế cận, nhất là nữ. Hiện tại, đội ngũ sáng tác phía bắc Quảng Bình đang già hóa và không có nữ. Tôi đã 55 tuổi vẫn còn gánh trên vai chữ “trẻ”. Điều đó thật đáng buồn. Vì thế, ai muốn học hỏi, tôi luôn sẵn lòng, bởi với tôi đó là niềm hạnh phúc.
 
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc anh thành công với những định mới!
 
                             Nhật Văn (thực hiện)
 

tin liên quan

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.

Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí: "Quê hương Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi…"

(QBĐT) - Giữa tháng 7 này, đêm nhạc "Tri ân quê hương" của Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ (GS.TS.NS) Nguyễn Anh Trí sẽ được tổ chức tại quê hương Quảng Bình.