Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Hang Tám TNXP và đường 20-Quyết Thắng:

Những dòng tên tạc vào đá núi

  • 08:03 | Thứ Bảy, 12/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuốn “Huyền thoại Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về đường 20-Quyết Thắng: “Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”. Trên tuyến đường chiến lược này, nhiều tấm gương anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống, trong đó có sự hy sinh đầy bi tráng của các liệt sỹ tại hang Tám TNXP. Tên các anh, các chị mãi tạc vào đá núi... để thế hệ mai sau ghi nhớ và tri ân.
 
Kỳ tích đường 20-Quyết Thắng
 
Đúng 17 giờ 30 phút ngày 30 Tết Bính Ngọ, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Với hai hướng chính Đông-Tây đồng thời khởi công, huy động trên 4.800 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, hai mũi chủ công gặp nhau tại Km65 vào ngày 14/4/1966. Các lực lượng công binh, TNXP tiếp tục san ủi, hoàn chỉnh mặt đường cho đến ngày 31/5/1966 mới thực sự đưa vào sử dụng.
 
Tuyến đường có chiều dài 125km khởi điểm từ thôn Phong Nha (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) và điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm (Lào). Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã đặt tên đường là đường 20, bởi lẽ, lực lượng tham gia làm đường hầu hết đều ở lứa tuổi 20 và tuyến đường thể hiện ý chí quyết tâm “phá thế độc tuyến” trên mặt trận giao thông vận tải, nên còn có tên là đường Quyết Thắng.
Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng.
Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng.
Sau khi mở đường 20 thắng lợi, quá trình chi viện cho chiến trường miền Nam bằng xe cơ giới tiếp tục thông suốt. Phát hiện đường 20 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom đánh phá hủy diệt. Mỗi cung đường, địa danh trở thành một tọa độ lửa vô cùng khốc liệt, như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, ngầm Trạ Ang, Km14, Km16, phà Xuân Sơn...; trong đó trọng điểm ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) là 1 trong 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên 16 nghìn km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh. Biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội Trường Sơn, TNXP… đã đổ xuống trên tuyến đường.
 
Phụ trách đường 20-Quyết Thắng là Binh trạm 14, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Với thành tích xuất sắc bám đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Binh trạm 14 vinh dự có 8 tập thể và 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, gồm: Binh trạm 14, Trung đoàn cao xạ 224, Tiểu đoàn công binh 33, Tiểu đoàn cao xạ 14, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn xe 52, Tiểu đoàn xe 781, Đội 25 TNXP, Đội cầu 10 cùng các cá nhân: Vũ Tiền Đề, Nguyễn Thị Nhạ, Khúc Văn Lượng, Phùng Văn Lưu, Nguyễn Phong Lưu, Kim Ngọc Quảng, Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Văn Tửu.
 
Huyền thoại hang Tám Cô
 
Chiều ngày 14/11/1972, B.52 rải thảm dọc tuyến đường 20. Tiểu đội TNXP 163 thuộc Ban 67 đang bám đường gồm các anh, chị: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai chạy vào một hang đá bên đường trú ẩn. Một loạt bom làm năm chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang kèm theo một tảng đá nặng hàng ngàn tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang...
Lễ chay tịnh do cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng dâng cúng các AHLS tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
Lễ chay tịnh do cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng dâng cúng các AHLS tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
Chuyện kể rằng, đồng đội tìm mọi cách cứu các anh, các chị ra nhưng đều bất lực... Cách nhau một vách đá, đồng đội bên ngoài nghe rõ tiếng kêu cứu trong hang vọng ra... Tiếng kêu yếu dần, đến ngày thứ 9 thì chìm vào im lặng. 
 
Sau hòa bình, đặc biệt khi quần thể khu Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng được hình thành, nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế ghé thăm đều có chung một thắc mắc, vì sao gọi là hang Tám Cô, trong lúc tám liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 14/11/1972 lại có bốn nam và bốn nữ.
 
Theo các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu trên hệ thống đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình giai đoạn 1966-1972, có một tiểu đội nữ TNXP gồm tám cô gái phụ trách đoạn đường thuộc Km16+200, chốt trong một hang đá ở ven đường. Bộ đội, TNXP hành quân qua đây thân thiết gọi tên hang đá các cô đóng chốt là hang Tám Cô. Theo thời gian, tên gọi lớp người đi trước truyền lại cho lớp người sau rồi trở thành địa danh thân thuộc. Khi tám TNXP quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hy sinh tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên, vậy là... hang Tám Cô hóa thành huyền thoại.
 
Tên anh hùng tạc vào đá núi
 
Lưu giữ tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng hiện tại có bài phú rất nổi tiếng của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Lời phú như tiếng lòng thế hệ đi sau truy niệm, tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của lớp người đi trước, trong đó có tập thể 8 liệt sỹ TNXP ở hang Tám Cô: “Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/Đường trăm trận sá gì sống chết/Tỏ cùng trời đất tấm trung can/ Giải với non sông bầu nhiệt huyết... Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt”.
Dòng lưu bút của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến viếng Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
Dòng lưu bút của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến viếng Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
Tháng 6/2022, khi vào làm việc với tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến viếng Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng. Chủ tịch nước đã lưu bút: “Tại hang Tám Cô hôm nay, chúng ta xúc động thắp nén tâm hương cho tám chiến sĩ, liệt sỹ TNXP đã hiến dâng sức trẻ, tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, cho hòa bình Tổ quốc. Các chị, các anh là hiện thân của lớp lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, dũng cảm, kiên cường, không tiếc máu xương khi Tổ quốc gọi tên mình. Tên tuổi của các chị, các anh sẽ còn mãi với non sông, đất nước, sẽ mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.
 
Những dòng chữ đầy xúc động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc như thay lời con dân nước Việt trước anh linh các AHLS hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hôm nay và đến mãi mai sau, đất nước không quên, quê hương Quảng Bình không bao giờ quên. Tháng 11 này, tròn 50 năm các anh, các chị ngã xuống, một đại lễ trang trọng sẽ được tổ chức. Dù ở nơi đâu, làm việc gì, đồng đội, đồng chí và người dân sẽ đến với đường 20-Quyết Thắng, thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh, các chị... để linh thiêng tên các anh, các chị hòa cùng núi sông, mãi mãi trường tồn.
 
Hương Trà

tin liên quan

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

"Lối đi" hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

(QBĐT) - Trong dòng chảy lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của Quảng Bình rất phong phú và đa dạng, trong đó có 5 lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội chính là đẩy mạnh công tác xã hội hóa.