Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nặng lòng với quê hương…

  • 07:55 | Chủ Nhật, 04/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cả cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Dù rất bận việc nước nhưng Đại tướng luôn nhớ về quê hương với những tình cảm sâu nặng nhất. Những lời động viên, căn dặn của Đại tướng trong các lần về thăm quê đã trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
 
1. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó với nhiều miền quê của Tổ quốc và ở đâu cũng để lại tình cảm, dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là quê hương Quảng Bình.
 
Năm 1962, Đại tướng về quê, đi thăm xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Biểu dương những thành tích trong chiến đấu, sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Quảng Trạch nói chung và xã Cảnh Dương, Đại tướng căn dặn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trạch phải nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với người dân thôn An Xá, xã Lộc Thủy năm 2004. (Ảnh: T.ư Liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với người dân thôn An Xá, xã Lộc Thủy năm 2004. (Ảnh: TƯ LIỆU)
Năm 1967, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào hồi ác liệt nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xã Quang Phú (TP. Đồng Hới ngày nay). Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Quang Phú, Đại tướng căn dặn: Các đồng chí và bà con xã viên đã sản xuất tốt nhưng phải sản xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay, đã anh hùng rồi nhưng làm thế nào giữ và anh hùng lần thứ hai nữa...
 
Năm 1973, nhân chuyến đi khảo sát đường Trường Sơn, Đại tướng đã đến thăm bộ đội ở cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích... trên đường 20, là những nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt để ngăn chặn quân ta tiến vào chiến trường miền Nam. Đại tướng cũng đã gặp gỡ và động viên anh chị em công nhân Đội vận tải Sông Gianh tại xã Quảng Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch Hòn La. Đại tướng động viên, căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thông tuyến, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 
Đồng chí Lê Vĩnh Thế, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy: Quê hương Lệ Thủy tự hào vì đã sinh ra một vị tướng huyền thoại, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, được nhân dân hết mực tin yêu, suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”. Dù rất bận việc nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho quê hương. Ở người chiến sĩ cách mạng ấy luôn cháy mãi một tình yêu lớn đối với Tổ quốc, dân tộc, hàm chứa cả một tình cảm sâu đậm dành cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn.

Sau khi đất nước hòa bình, bước vào thời kỳ đổi mới, trong những lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành nhiều thời gian để thăm những điển hình làm kinh tế giỏi ở Quảng Bình và động viên mọi người học hỏi làm theo. Đặc biệt, năm 1992, sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, trong chuyến về thăm quê, Đại tướng đã có buổi làm việc và dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình: Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Đại tướng cũng lưu ý tỉnh cần quan tâm phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững, lâu dài. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng chỉ rõ: Phải chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải bảo đảm niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu...

2. Sinh ra và lớn lên trên quê hương An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), dẫu tham gia cách mạng và xa quê từ rất sớm nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bởi vậy mà trong những lần về thăm quê, ông luôn dành thời gian nói chuyện, nhắc nhở bà con, họ hàng và cán bộ chính quyền phải cố gắng lao động sản xuất, học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương; phải biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh.

Bến sông quê ở ngõ vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộn ràng trước ngày Tết Độc lập.
Bến sông quê ở ngõ vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộn ràng trước ngày Tết Độc lập.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy không giấu nỗi tự hào: “Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiện cơ cấu kinh tế địa phương đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ nền nông nghiệp độc canh cây lương thực thì nay đã chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Tổng sản lượng lương thực năm 2021 đã đạt con số hơn 98 nghìn tấn và từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52,6 triệu đồng/năm”.
 
Còn nhớ, năm 2002, Đại tướng về thăm quê hương trước Tết Độc lập đúng 10 ngày. Năm đó, huyện Lệ Thủy quyết định tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống sớm hơn so với mọi năm để đón mừng Đại tướng. Hàng nghìn người dân Lệ Thủy bây giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh Đại tướng đứng trên ca-nô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người. Dòng Kiến Giang “dậy sóng” bởi tiếng hô vang “Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Đại tướng!”.
 
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết, tập trung huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng và phát triển, phấn đấu đưa tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ để không phụ lòng mong mỏi của Đại tướng đối với quê hương.
Trong mỗi dịp về thăm quê, Đại tướng thường thích nghe hò khoan Lệ Thủy. Ông nhắc nhở bà con và các cấp chính quyền phải cố gắng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của quê hương. Thực hiện lời dạy của Đại tướng, huyện Lệ Thủy đã chủ động đưa hò khoan vào trường học và tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ hò khoan. Để đến hôm nay, nhân dân Lệ Thủy có quyền tự hào là quê hương của hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm hò khoan Lệ Thủy và lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang.
 
Chia sẻ về những kỷ niệm được gặp Đại tướng, ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy tâm sự: Những lần gặp Đại tướng luôn để lại cho tôi ấn tượng về một vĩ nhân nhưng hết sức bình dị, gần gũi. Dù xa quê nhiều năm, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đại tướng vẫn không quên sử dụng những từ địa phương thể hiện nét mộc mạc, chân chất của người con Lệ Thủy. Khi nói về khu vườn, ông bảo: “Nương nhà mình trước đây kéo dài ra tận ngoài mưng tề”. Hay khi xem đua bơi xong, Đại tướng quay sang hỏi: “Đò miềng thứ mấy?”…
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Ấm no nhờ lúa nếp than

(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no…

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...

Bến phà Long Đại và những dòng ký ức

(QBĐT) - Bộ phim tài liệu "Bến phà Long Đại và những dòng ký ức" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.