Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có những tuổi hai mươi bất tử

  • 07:12 | Thứ Hai, 16/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày hè trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm về hang Lèn Hà, vùng đất nằm ở bản Hà, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), được nghe kể những câu chuyện lịch sử về những người lính thông tin Trạm thông tin A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134)-Binh chủng Thông tin liên lạc đã từng sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
 
Thanh xuân xông pha nơi tuyến lửa
 
Từ đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua thôn Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục đi thêm 3km theo hướng vào bản Hà với một cung đường khá dốc và khúc khuỷu mới đến được hang Lèn Hà. Theo người dân địa phương nơi đây cho biết, trong thời kỳ chiến tranh, khu vực này nằm sâu trong khu rừng già thuộc địa phận xã Thanh Hóa. Hang Lèn Hà có đỉnh cao nhất khoảng 320m, lưng chừng núi có một hang đá rộng khoảng 420m2. Xung quanh hang là rừng rậm với địa thế hiểm trở, là nơi “dễ thủ, khó công” thuận tiện để làm căn cứ địa trong chiến tranh.
 
Vào năm 1967, Trạm thông tin A69 đã chọn hang Lèn Hà làm nơi đứng chân trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc. Đây là trạm thông tin quan trọng nhằm tiếp chuyển thông tin, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng vào chiến trường miền Nam và sang nước bạn Lào làm nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, hang là kho dự trữ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam.
 
Quân số ban đầu của trạm là 19 đồng chí, sau tăng lên 33 đồng chí, được biên chế thành 3 tiểu đội: Tiểu đội tải ba tổng đài, tiểu đội nguồn điện, tiểu đội đường dây và bộ phận hậu cần. Biên chế của trạm hầu hết là các thanh niên trẻ ở các tỉnh phía Bắc, như: Hòa Bình, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình…tình nguyện lên đường“xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 
Để hiểu hơn về những ngày tháng sống và chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Trạm thông tin A69, chúng tôi tìm đến nhà của ông Cao Xuân Thung, ở thôn 3-Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội dân quân Thanh Lạng thời kỳ chống Mỹ.
 
Chuyện trò bên ấm nước chè xanh đặc quánh, ông Thung bồi hồi nhớ lại: “Những năm Trạm thông tin A69 về đóng tại hang Lèn Hà là những năm chiến tranh rất ác liệt, máy bay Mỹ ngày đêm gầm rú, thả bom xuống địa bàn xã, tôi vừa là Trung đội trưởng, vừa là Phó Bí thư Chi đoàn (Chi đoàn hợp nhất 3 thôn Thanh Lạng, Bắc Sơn, Hợp Hóa trực thuộc Đoàn xã) thường xuyên vào giao lưu cùng các chiến sĩ của trạm. Hồi đó chiến tranh gian khổ, đối diện với nguy hiểm hàng ngày, hàng giờ nhưng các anh, các chị vui vẻ, yêu đời lắm. Ngoài làm nhiệm vụ, CB, CS của trạm còn giúp dân tăng gia sản xuất, đào hầm tránh bom đạn giặc Mỹ. Nhân dân chúng tôi rất quý, có củ khoai, củ sắn cũng mang vào san sẻ”.
 
“Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”
 
Trạm thông tin A69 có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn tuyến đường dây liên lạc từ Bắc vào Nam, là điểm tiếp nối thông tin quan trọng của Bộ Quốc phòng đến các đơn vị chiến đấu trên chiến trường, nhất là đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
 
Với lời thề “Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”, mỗi CB, CS của Trạm thông tin A69 luôn xem “Trạm máy là chiến trường, dây máy là vũ khí”, “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”…, quyết tâm bảo vệ mạch máu giao thông trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù.
 
Trạm ngày đêm tiếp chuyển hàng triệu phiên liên lạc kịp thời tới các mặt trận trên khắp các chiến trường, góp phần vào chiến thắng của quân đội ta ở nhiều chiến dịch quan trọng, tiêu biểu như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Cánh đồng Chum, chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử hang Lèn Hà.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử hang Lèn Hà.
 
Biết được tầm quan trọng của Trạm thông tin A69, nên cùng với các điểm trọng yếu ở Quảng Bình như bến phà Long Đại, hang Tám TNXP, Ka Tang-Cha Lo-Cổng Trời…, hang Lèn Hà trở thành một “tọa độ lửa” địch ngày đêm đánh phá.
 
Vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 2/7/1972, khi cả trạm đang chuẩn bị giờ làm việc buổi chiều, máy bay Mỹ bất ngờ gầm rú trên bầu trời, ném pháo khói vào khu vực nhà ăn, chỉ điểm cho máy bay F4 và F105 ném bom xuống giữa nhà hội trường. Chưa hết, máy bay Mỹ tiếp tục trút một loạt bom bi, bom nổ chậm và bom napan xuống khu vực hang Lèn Hà. Dứt tiếng bom, cả khu vực trạm bốc cháy dữ dội, trạm máy trên hang đá bị ảnh hưởng hư hỏng nặng, hơn 150m dây nhập đài bị thiêu cháy, 13 CB, CS của trạm đã anh dũng hy sinh.
 
Vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đó, bà Phan Thị Thành, thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa xúc động kể lại: “Thời điểm đó, sau khi nghe hiệu lệnh của xã, biết chuyện chẳng lành, toàn bộ Trung đội dân quân Bắc Sơn chúng tôi lao nhanh về phía hang Lèn Hà. Khi đến nơi thì rừng cây đổ nghiêng ngả, bốc cháy dữ dội, nhiều CB, CS của trạm đã hy sinh. Thời điểm đó, anh Vinh, Trung đội trưởng (ông Nguyễn Tiến Vinh) chỉ đạo mọi người ở lại di chuyển các chiến sĩ đã hy sinh, rồi cùng tôi chạy lên phía hang nơi đặt trạm tải ba tổng đài để tìm kiếm người bị thương. Chúng tôi thấy chị Lung (liệt sỹ Bùi Thị Lung) còn thở nên nhanh chóng băng rừng đưa về trạm xá trong đêm. Tuy nhiên, khoảng 3 giờ sáng hôm sau, chị cũng hy sinh”.
 
Là người trực tiếp khâm liệm cho các liệt sỹ, bà Ngô Thị Long, thuộc Trung đội dân quân Thanh Lạng thời điểm ấy xúc động cho biết: “Chúng tôi ở xa hơn nên chạy vào sau Trung đội dân quân Bắc Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là khâm liệm và chôn cất các liệt sỹ. Tôi vẫn nhớ như in nhiều liệt sỹ bị cháy hết tóc, còn một liệt sỹ nữ tóc dài còn nguyên, tôi cẩn thận vén tóc, vòng vào cổ cho chị ấy gọn gàng rồi mới chôn cất. Nhìn cảnh tượng hôm đó thực sự quá đau thương”.
 
Gạt nước mắt đau thương, các chiến sĩ còn lại của Trạm thông tin A69 đã cùng với lực lượng dân quân tự vệ, công an, thanh niên và nhân dân xã Thanh Hóa khắc phục tổn thất, nối lại đường dây sau gần 1 giờ đồng hồ đứt liên lạc. 
 
“Khúc tráng ca” bất tử
 
Mái nhà sập lửa rừng rực cháy/Lá gồi khô mới lợp hai ngày/Chằng buộc kỹ chẳng thể nào bay mái/Sập xuống trùm lên kín cửa hầm. Ngày hè đỏ lửa năm ấy đã cướp đi 13 CB, CS thông tin kiên trung, trong đó có 10 cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi vừa kết thúc ca trực “khi gối còn thêu dỡ, cơm chiều chưa ăn”.
 
Biến đau thương thành hành động, CB, CS Trạm thông tin A69 tiếp tục bám trụ trên trận địa, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt trước bom đạn của kẻ thù, góp phần giúp quân đội ta đi đến những thắng lợi cuối cùng.
 
Trước những chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, ngày 28/4/2009, Trạm thông tin A69 đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hang Lèn Hà được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 7/5/2009.
 
Hiện nay, Khu di tích lịch sử hang Lèn Hà được Lữ đoàn 134-Binh chủng Thông tin liên lạc cùng chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa tích cực bảo vệ, tôn tạo, xứng tầm khu di tích lịch sử cấp quốc gia, thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm viếng. Nơi đây cũng trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử, góp phần hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Tuấn Anh
(Đài TT-TH Tuyên Hóa)

tin liên quan

Đổi thay Bắc Trạch

(QBĐT) - Trải qua những năm tháng cách mạng hào hùng, Bắc Trạch hôm nay đang đổi thay từng ngày với nhiều gam màu tươi sáng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 

Ông nội tôi được gặp Bác Hồ

(QBĐT) - "Xã Cảnh Hóa vinh dự có ông Hoàng Khiêm (bố đẻ đồng chí Hoàng Tọa) ở thôn Vịnh Thọ là cá nhân tiêu biểu của phong trào lao động sản xuất được chọn đi dự lễ mít-tinh gặp Bác Hồ tại Đồng Hới"…

Trần Nguyên Thắng và hành trình quảng bá du lịch Quảng Bình

(QBĐT) - Trước khi quyết định gặp gỡ và chuyện trò cùng nhau, tôi luôn nghĩ một ca sỹ trẻ đã khẳng định được chỗ đứng như Trần Nguyên Thắng hẳn sẽ xa cách lắm. Nhưng, ấn tượng về nam ca sỹ sinh năm 1988 lại trái ngược hoàn toàn. Thắng chân chất, mộc mạc và thẳng thắn trải lòng như thể những hào quang của ánh đèn sân khấu chưa bao giờ "chạm" đến anh.