Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Muôn phương hướng về ngày hội

  • 07:27 | Thứ Bảy, 09/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ mỗi dịp Rằm tháng ba đến, người dân Minh Hóa sinh sống, lao động, học tập khắp mọi miền Tổ quốc lại rạo rực nhớ về quê hương, cố gắng hẹn hò nhau thu xếp công việc để trở về. Họ như những dòng suối nhỏ hòa chung vào dòng sông lớn với nhiều cung bậc cảm xúc, bởi với những người con Minh Hóa xa quê, Rằm tháng ba là dịp đoàn viên, sum họp bên gia đình, bạn bè, người thân và hòa mình vào không khí rạo rực của mùa lễ hội, mùa con ong đi lấy mật.
th
                                                        Thác Mơ ở xã Hóa Hợp                     Ảnh: Tiến Hành
 
1. Thạc sỹ Đinh Thị Kim Oanh, giảng viên Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế):
 
"Quê ở thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa, cũng như bao người con xa quê khác, mỗi lần đến Hội Rằm tháng ba, tôi rất nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ những món ăn dân dã quê mình. Ở Thừa Thiên-Huế, tôi vẫn hay kể cho chồng, con, bạn bè, đồng nghiệp và học trò của mình về Hội Rằm tháng ba Minh Hóa với niềm tự hào. Bởi đó là một trong những lễ hội lớn, được hình thành và lưu giữ từ bao đời của người dân nơi đây, là dịp để con em Minh Hóa từ mọi miền Tổ quốc về sum họp cùng gia đình, bạn bè, được ăn những món ăn truyền thống quê hương.
 
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, cứ mỗi dịp Rằm tháng ba, mẹ đều cho tôi khoảng 10 nghìn đồng để đi chợ. Với số tiền đó, tôi được ăn ram, kem, chè, vải rừng, dưa hấu… cùng chúng bạn trong xóm. Thích nhất là được chen chúc dưới nắng và bụi xem các trận đấu bóng chuyền và hò hét, cổ vũ; xem các trò chơi dân gian, như: Đánh đu, kéo co, bắn nỏ… Tối đến thì ăn cơm thật sớm để đi xem văn nghệ, xem các cụ cao niên biểu diễn những làn điệu dân ca truyền thống…
 
Lớn lên, tôi đi học xa nhà rồi lập nghiệp tại Thừa Thiên-Huế. Mỗi dịp Rằm tháng ba đến, tôi đều cố gắng thu xếp đưa cả nhà về, nếu không về được cũng gọi điện và theo dõi trên truyền hình rồi cảm nhận, thẩm thấu không khí lễ hội trên mảnh đất quê hương thắm nghĩa, đượm tình. Qua hàng năm, thấy quê mình càng đổi mới, ấm no, càng thêm hạnh phúc, tự hào...".
 
2. PGS.TS Ðinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
 
"Năm 1972, tôi rời quê hương xã Yên Hóa, Minh Hóa ra Thủ đô Hà Nội học tập, công tác nhưng mỗi dịp đến Rằm tháng ba đều khiến tôi bồi hồi, nhớ thương. Bởi tôi được sinh ra đúng vào ngày Rằm tháng 3/1954. Nhà tôi lại gần thác Bụt nên tuổi thơ của tôi gắn bó nơi đây rất nhiều. Ngày còn nhỏ, tôi thường đến thác Bụt để vui chơi. Thời đó, núi rừng, khe suối gần thác Bụt hoang vu, nhưng đẹp lắm. Nơi đó chỉ có hai tượng đá hình ông Bụt được đặt bên dưới gốc cây nhưng cảm giác linh thiêng, tĩnh lặng đến lạ lùng.
Vợ chồng ông Đinh Xuân Thảo trong một lần về quê và đi tham quan thác Bụt.
Vợ chồng ông Đinh Xuân Thảo trong một lần về quê và đi tham quan thác Bụt.

Người đi chợ Rằm ngày đó vui như trẩy hội. Trong dịp này, con trai, con gái hẹn nhau đi chợ, tham gia hát đúm, hát giao duyên, hát sắc bùa và các trò chơi dân gian để tìm bạn tình. Cũng từ dịp này mà nhiều đôi trai gái nên duyên, thành vợ, thành chồng.

Chợ phiên thời đó được tổ chức tại làng Sạt. Người dân đi chợ thường mua ít thịt, cá, rau củ, quả từ rừng về cúng lễ. Còn trẻ con như chúng tôi thì đi theo cha mẹ để được ăn cái ram, quả vải… là vui lắm rồi! Sau này, mỗi lần về quê nhân dịp Hội Rằm hoặc trong các dịp khác tôi đều đưa vợ, con, cháu đến dâng hương tại thác Bụt, nhắc nhở con cháu đi đâu, làm gì cũng phải nhớ quê, nhớ về cội nguồn…

Hiện nay, Hội Rằm tháng ba Minh Hóa là lễ hội cấp tỉnh, nếu được đầu tư, tổ chức tốt thì có thể nâng tầm lên thành lễ hội cấp quốc gia. Để làm được điều này, các cấp chính quyền địa phương cần phải đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, giao thông, khôi phục các làn điệu dân ca, lễ cúng truyền thống cũng như tuyên truyền, quảng bá rộng rãi lễ hội, những nét văn hóa đặc sắc “riêng có” của huyện Minh Hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng…".

3. Đinh Quốc Lin, hiện đang sinh sống và học tập ở nước Ý:
 
"Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, Minh Hóa. Ngày còn nhỏ, tôi không biết bố mình là ai và sống với ông bà ngoại cùng người mẹ tật nguyền. Năm 2007, khi ông bà ngoại mất, mẹ gửi tôi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để có điều kiện học tập, trưởng thành. Sau gần một năm sống ở trung tâm, tôi được hai vợ chồng người Ý nhận làm con nuôi. Đến nước Ý, tôi sống cùng bố mẹ nuôi tại thành phố Rome. Từ đây, tôi được sống trong tình yêu thương ngập tràn của gia đình mới cùng nền giáo dục tiên tiến. Năm 2018, tôi hoàn thành chương trình học phổ thông và hiện đang theo học nghề phi công tại Rome.
Đinh Quốc Lin đang học lái máy bay ở nước Ý.
Đinh Quốc Lin đang học lái máy bay ở nước Ý.

Dù ở xa nhưng tôi vẫn luôn nhớ về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi tuổi thơ trải qua nhiều cơ cực nhưng ấm nghĩa, ấm tình, nhớ lắm Hội Rằm tháng ba Minh Hóa. Ngày đó, mặc dù nghèo khổ, nhưng mỗi dịp đến rằm, ông ngoại vẫn đạp xe hàng chục cây số đưa tôi đi chợ thị trấn Quy Đạt.

Mỗi lần như thế, tôi đều được ông mua cho cái áo mới, gói kẹo, que kem, xem văn nghệ và các trò chơi dân gian. Giờ đây, tôi vẫn đang cố gắng học tập, rèn luyện để sau này trở thành một phi công giỏi rồi xin về Việt Nam làm việc, được cống hiến cho quê hương, được gần mẹ và để tâm hồn mình hòa cùng không khí Hội Rằm tháng ba như thủa ấu thơ".

4. Ông Đinh Minh Thử, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh:
 
"Dù về TP. Đồng Hới sinh sống, làm việc hơn 20 năm nhưng mỗi dịp đến Hội Rằm tháng ba tôi đều lên Minh Hóa dự lễ. Điều đáng mừng là mỗi lần trở về, tôi thấy quê hương mình ngày một đổi mới, khởi sắc, nên vô cùng phấn khởi, tự hào. Bởi giai đoạn từ 1996-2000, khi tôi đang giữ chức Bí thư Huyện ủy Minh Hóa thì quê hương vẫn còn rất nghèo khó. Thời đó, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội đang thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
 
Hơn 20 năm sau, tôi thấy Minh Hóa đã có nhiều đổi thay trên tất các lĩnh vực. Kinh tế của huyện nhà tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao. Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, ngày một hoàn thiện. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục quan tâm; công tác phòng chống dịch Covid-19 thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.
 
Đặc biệt, mạng lưới giao thông trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Trong đó, có nhiều tuyến đường quan trọng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp như: đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á, Quốc lộ 12A... Hệ thống đường giao thông liên xã, thôn, bản cơ bản được cứng hóa. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của người dân trong huyện với các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói riêng và toàn tỉnh Quảng Bình. Hệ thống hang động Tú Làn, thác Mơ... đưa vào khai thác phục vụ du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm... Kinh tế-xã hội huyện Minh Hóa đổi thay góp phần giúp Hội Rằm tháng ba không những được duy trì mà còn phát triển, nâng lên tầm cao mới trong tương lai.
 
Tôi mong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Minh Hóa tiếp tục đoàn kết, phát huy tốt vai trò lãnh đạo sớm đưa huyện nhà phát triển nhanh, bền vững. Đối với các tầng lớp nhân dân, cần ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mạnh giàu".
 
Chương trình Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm 2022
 
1. Từ ngày 10/4 đến 11/4/2022: Thi đấu giải cầu lông
 
2. Ngày 12/4/2022: Chương trình vui chơi trẩy hội; khai mạc các môn thể thao gồm bóng chuyền, đẩy gậy, bắn nỏ...
 
3. Ngày 13/4/2022: Khai mạc các gian hàng và lễ hội ẩm thực Minh Hóa; thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ thẻ, vật...
 
4. Ngày 14/4/2022: Thi đấu bóng chuyền, đánh đu, cà kheo; lễ dâng hương tại thác Bụt. 20 giờ: Khai hội và tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh “Huyền tích thác Bụt” (truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV).
 
5. Ngày 15/4/2022: Hội chợ Rằm tháng ba truyền thống. Chung kết giải bóng chuyền.
 
Nhóm PV
(thực hiện)

tin liên quan

Chợ cá đêm trong lòng thành phố

(QBĐT) - Gần 20 năm tồn tại, chợ cá đêm Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) trở thành điểm hẹn của các thương lái… Lên đèn từ lúc chập tối nhưng phải đến nửa đêm chợ cá mới bắt đầu sôi động khi tàu thuyền cập cảng Nhật Lệ. Trừ những đêm trăng sáng, mưa bão, phong tỏa do dịch bệnh, hầu như, quanh năm chợ cá này luôn hoạt động...

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: "Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!". Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.

Mùa xuân bản Hà

(QBĐT) - Hòa cùng niềm vui hân hoan mừng xuân Nhâm Dần 2022, người dân bản Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) càng phấn khởi, tự hào khi cuộc sống của bà con được ấm no, đủ đầy hơn, là bản duy nhất đạt danh hiệu bản văn hóa ở huyện miền núi Tuyên Hóa.