Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021):

Ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • 08:09 | Chủ Nhật, 27/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 4-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 103 tuổi. Đại tướng ra đi đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho mọi người. Tôi thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn nhưng cuộc đời tôi cũng có những ký ức đẹp đẽ về ông.
 
1.  Năm 1961, tôi đang học lớp 5 trường làng, cơ quan huyện Tuyên Hóa bấy giờ đang đóng ở làng tôi (thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa). Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi được biết sáng nay có một cán bộ ở Trung ương vào thăm huyện, nhưng họ không cho biết cụ thể là ai cả.
 
Chạy ra sân vận động huyện ở trước nhà thấy các chú công an, dân quân đứng gác quanh sân, ở 4 góc sân vận động có 4 đống rơm đang un khói bay lên không trung (sau này tôi mới biết làm như vậy để báo cho máy bay hạ cánh đúng vị trí).
Bức điện mật ngày 7-4-1975 Đại tướng gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn.(Ảnh tư liệu)
Bức điện mật ngày 7-4-1975 Đại tướng gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn.(Ảnh tư liệu)
Lúc này, cán bộ cơ quan huyện, nhân dân trong xã và các xã lân cận đã tập trung xung quanh sân vận động. Khoảng 8 giờ sáng, từ hướng đông xuất hiện một chiếc máy bay trực thăng, mọi người vỗ tay reo hò. Khi máy bay vừa đỗ xuống sân ai nấy vội vàng ùa ra và hô vang: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
 
Lúc đó, đám học sinh chúng tôi mới biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và chạy ra cố len lỏi trong đám đông để nhìn cho rõ mặt Đại tướng. Trước đây, khi nghe nói đến tướng là tôi nghĩ ngay đến một con người hoàn toàn khác lạ, nhưng lúc này tận mắt nhìn thấy tôi mới biết Đại tướng cũng là một con người bình thường, giản dị như bao người khác, chỉ khác là trên ve áo có đeo quân hàm Đại tướng. Lần gặp gỡ này đã để lại cho tôi ấn tượng về ông-một vị tướng cách mạng bình dị mà thân thương.
 
2.  Tháng 3-1975, đơn vị tôi là Trung đoàn 101, thuộc Sư đoàn 325, Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2), sau khi đã tham gia cùng các đơn vị bạn giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, được lệnh hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn theo quốc lộ 1.
 
Ngày 8-4-1975, sau khi đơn vị đến Quảng Ngãi thì dừng lại, nghe phổ biến mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (7-4-1975): “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
 
Mật lệnh của Đại tướng ngắn gọn, dễ hiểu, như tiếng kèn xung trận thôi thúc cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc này, cả binh đoàn như một mũi dao thép khổng lồ, trùng trùng điệp điệp, hiệp đồng binh chủng với mọi phương tiện: xe xích, xe vận tải, cùng với xe tăng, thiết giáp, pháo binh, cao xạ, công binh, bộ binh, theo đường 1, nhằm thẳng hướng Sài Gòn xốc tới.
 
Sau hơn 20 ngày thực hiện mật lệnh của Đại tướng, quân dân ta đã tạo nên sự chuyển biến mau lẹ trên chiến trường và trưa ngày 30-4-1975 toàn đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao cùng các đơn vị bạn giải phóng thành phố Sài Gòn thân yêu. Kỷ niệm đó có lẽ không chỉ bản thân tôi mà cả những người lính đã từng tham gia chiến dịch ai nấy đều luôn ghi nhớ khắc sâu vào tâm khảm của mình về một vị tướng tài ba trong chỉ đạo tác chiến chiến lược ở chiến trường.
 
3. Năm 1984, khi tôi đã chuyển về công tác tại cơ quan của Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) Bình Trị Thiên (đơn vị đóng quân tại đồn Mang Cá-Huế), trong một lần về thăm tỉnh Bình Trị Thiên, Đại tướng đã ghé thăm cơ quan Bộ CHQS tỉnh. Lần này, tôi được vinh dự cùng cán bộ, chiến sỹ của cơ quan đón tiếp Đại tướng và được Đại tướng bắt tay ngay trong hội trường cơ quan. Lúc này, trông Đại tướng còn rất khỏe.
 
Ông ăn mặc giản dị, chỉ có bộ áo quần lính Tô Châu, áo bỏ trong quần với quân hàm tướng trên ve áo. Được nghe Đại tướng nói chuyện trong khoảng 20 phút thôi, nhưng kỷ niệm về lần gặp gỡ đó vẫn còn mãi trong tâm trí tôi. Ông ân cần hỏi thăm tình hình, quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, nói chuyện về tình hình thế giới, trong nước, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong giai đoạn cách mạng mới...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội năm 1976. (Ảnh tư liệu).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội năm 1976. (Ảnh tư liệu).
Tuy cuộc gặp gỡ đã gần 40 năm nhưng đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in lời dặn dò của Đại tướng: “Đã là cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam thì phải luôn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Sau này, chuyển ngành về huyện công tác rồi giữ cương vị lãnh đạo huyện, tôi biết Đại tướng đã nhiều lần về thăm tỉnh nhà. Tuy không được trực tiếp gặp gỡ Đại tướng, nhưng qua truyền hình, tôi rất vui vì thấy ông vẫn khỏe, vẫn minh mẫn và tỉnh táo. Lần nào Đại tướng cũng đều quan tâm thăm hỏi đến tình hình 2 huyện miền núi.
 
Tôi thấy rất cảm động và tự hứa với bản thân cố gắng phát huy hết trách nhiệm để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao, góp sức cùng Đảng bộ, nhân dân huyện Tuyên Hóa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra, đưa huyện nhà ngày một vững bước tiến lên, thỏa lòng mong muốn của Đại tướng đối với quê hương…
 
                                                                                         Hồ Duy Thiện