Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cội nguồn Hội rằm tháng ba Minh Hóa

  • 08:44 | Chủ Nhật, 25/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với người dân Minh Hóa, rằm tháng ba rất đỗi linh thiêng và cội nguồn của Hội rằm tháng ba chính là Thác Bụt-Giếng Tiên ở xã Yên Hóa. Và, với những giá trị văn hóa về tâm linh cũng như vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, huyện Minh Hóa đang nỗ lực kêu gọi đầu tư để xây dựng Thác Bụt-Giếng Tiên thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi đặt chân lên mảnh đất sơn cước này.
 
Thác Bụt linh thiêng
 
Lễ hội rằm tháng ba có tự bao giờ, đến nay vẫn chưa có một cứ liệu khoa học nào có thể khẳng định chắc chắn, nhưng từ bao đời nay, lễ hội đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của vùng quê sơn cước này. Và người Minh Hóa vẫn dặn lòng với nhau rằng: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ Hội rằm tháng ba”.  
 
Tương truyền, Hội rằm tháng ba ở Minh Hóa có nguồn gốc từ chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Khi họ lên đến đỉnh thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt rất nhiều quả; dưới tán cây có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá.
 
Hai anh em họ nghỉ ngơi, hái quýt ăn rồi trầm trồ về những cảnh vật xung quanh. Khi hai người xuống núi thì mang theo 1 hòn đá giống tượng Bụt, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống để tắm. Thật kỳ lạ, lúc tắm xong, người anh đến lấy tượng đá thì không sao nhấc lên nổi.
 Dâng hương tại đền thờ Bụt ở Thác Bụt, xã Yên Hóa.
Dâng hương tại đền thờ Bụt ở Thác Bụt, xã Yên Hóa.
Người anh bực tức nên dùng rựa chém sứt môi tượng đá. Một điều trùng hợp là từ đó về sau, những người trong dòng tộc của họ sinh ra đều có 1 người bị khiếm khuyết về môi. Đặc biệt, từ khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng bị chim thú về phá hoại, gia súc, gia cầm của người dân nuôi cũng bị thú dữ bắt đi. Dân làng bèn lập đàn khấn vái, tự nhiên có người ứng xưng là Bụt ở thác Cúi và đòi lập đàn thờ.
 
Dân làng nghe thế liền làm theo. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần biến mất. Từ đó, câu chuyện lan truyền, gây sự chú ý khiến nhiều người đến khấn vái Bụt. Dần dà, người dân quen gọi là Thác Bụt như tên gọi ngày nay. Hàng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm.
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, theo quan niệm của người Minh Hóa, vào ngày rằm tháng ba, người dân Minh Hóa ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không, xem như cả năm đó kém may mắn. Ở phiên chợ rằm, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như: ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...
 
Khu du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn
 
Với những giá trị về văn hóa, tâm linh và cảnh quan thiên nhiên ban tặng, tháng 8-2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Quy hoạch Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Thác Bụt-Giếng Tiên. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích 37ha thuộc các xã Hồng Hóa, Yên Hóa.
 
Trong đó, phía bắc giáp nhánh Khe Roòn, thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa (cách cầu Tràn 150m), cách điểm Thác Bụt 350m; phía tây cách quốc lộ 12A (lèn Ông Ngoi) khoảng 50m; phía đông cách khe Roòn khoảng 150m; phía nam giáp núi cao, cách Giếng Tiên và thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa khoảng 350m.
 
Hiện trạng khu quy hoạch có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Trong khu quy hoạch có lèn Ông Ngoi là một trong những điểm dừng chân lý thú. Lèn nằm sát quốc lộ 12A, trên đỉnh lèn có chỗ đá bằng phẳng và một cái giếng nước rất trong mát, quanh năm không bao giờ cạn. Cạnh bên giếng có tảng đá to, hình dạng giống cây cam. Xung quanh khu vực này là những cánh rừng, có nhiều loại cây quý hiếm tỏa bóng mát quanh năm.
 
Ở khu vực Thác Bụt, cạnh bàn thờ Bụt có con suối quanh co, uốn lượn. Chiều dài của suối trong khu vực quy hoạch dài khoảng 3km, rộng từ 15 đến 40m. Dọc khe suối là hệ thống đá cuội, đá tảng tự nhiên có hình thù rất đẹp, xen lẫn với hệ thống cây xanh rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tổng hợp…
Các sản vật địa phương bày bán tại Hội rằm tháng ba.
Các sản vật địa phương bày bán tại Hội rằm tháng ba.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, năm 2018, huyện Minh Hóa đã lập danh mục dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Thác Bụt-Giếng Tiên để kêu gọi các nhà đầu tư. Mục tiêu mà dự án hướng đến là xây dựng một khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa tâm linh đồng bộ, hiện đại phục vụ du khách trong và ngoài nước với các hoạt động tắm suối, câu cá, đi bộ; thưởng thức các món ăn độc đáo, riêng có của Minh Hóa và cầu tài lộc, sức khỏe, tình duyên…
 
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Minh Hóa may mắn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh về hang động, khe suối, thác nước, rừng nguyên sinh. Ngoài hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa và hang Rục Mòn ở xã Hóa Sơn; Thác Mơ ở xã Hóa Hợp đã được các nhà đầu tư đưa vào khai thác du lịch và hiện đang trở thành những điểm đến hấp dẫn, Minh Hóa còn rất nhiều danh lam, thắng cảnh vẫn đang nằm dưới dạng tiềm năng, trong đó, Thác Bụt-Giếng Tiên là một tiềm năng lớn. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi cao, dòng suối mát trong lành, nơi đây còn mang trong mình một giá trị văn hóa tâm linh rất đặc biệt. Từ rất lâu, Thác Bụt-Giếng Tiên đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Minh Hóa, bởi nơi đây là cội nguồn của lễ hội rằm tháng ba truyền thống.
 
Theo ông Nguyễn Bắc Việt, sau khi lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, tìm hiểu. Tuy nhiên, năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động du lịch ở Minh Hóa đều bị “đóng băng”. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến để kêu gọi các nhà đầu tư vào địa phương.
 
“Các nhà đầu tư quan tâm vào đầu tư ở dự án Khu du lịch sinh thái Thác Bụt-Giếng Tiên nói riêng và ở huyện Minh Hóa nói chung sẽ được huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất. Ngoài việc tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, huyện chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư; đồng thời tăng cường công tác tiếp xúc, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…”, ông Việt khẳng định.
 
Hiện, Thác Bụt-Giếng Tiên vẫn đang là điểm du lịch được du khách tìm đến nhiều, đặc biệt là vào dịp Hội rằm tháng ba âm Minh Hóa hàng năm và các ngày Tết, lễ. Những ngày đó, khách du lịch đến đây rất đông để dâng hương Bụt, vãn cảnh, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Và nếu được các nhà đầu tư quan tâm, chắc chắn nơi đây sẽ sớm trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch Minh Hóa nói riêng và Quảng Bình nói chung.
 
 Phan Phương