Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vùng lũ có kịp đón xuân sang?

  • 11:13 | Chủ Nhật, 07/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Về vùng từng đi qua lũ lụt ở Quảng Bình, những ngày cuối năm Canh Tý, giữa những bộn bề gian khó, tôi đã thấy ánh lên niềm tin về sự lạc quan, kỳ vọng của người dân nơi đây. Bởi lẽ, bên cạnh họ và sẻ chia cùng họ là triệu triệu tấm lòng, là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn, giúp người dân vùng lũ kịp đón xuân sang...
 
1. Tôi sinh ra ở vùng chiêm trũng Lệ Thủy nên tuổi thơ đã trải qua không biết bao nhiêu mùa  bão lũ. Nên tôi rất hiểu tâm thế chủ động sống chung  với lũ lụt đã hình thành từ rất lâu trong cư dân hai bên bờ sông Kiến Giang. Nhưng đợt mưa lũ trong tháng 10 vừa qua ở Lệ Thủy là một ngoại lệ, đạt đến mức kỷ lục mà chưa bao giờ xảy ra. Ba tôi năm nay hơn 70 tuổi, lớn lên gắn bó với làng cho đến giờ, nhưng không khỏi bất ngờ trước mức độ ghê gớm của trận lũ này.
 
Ông kể: “Năm 1979 nói lụt to nhưng hồi đó nhà cửa bà con chủ yếu tranh tre, nền đất thấp. Đến cái sân bệnh viện huyện Lệ Thủy chưa đắp cao như bây giờ mà không ngập, làm nơi đỗ trực thăng để cứu trợ bánh mì cho bà con. Còn trận lũ này, ngập quá sâu và sóng dữ dội, nhà cửa hư hỏng nhiều, nếu mức nước này mà xảy ra hồi 79 thì cả huyện bị ngập hết mái nhà, chắc thiệt hại khó mà đong đếm được”.
 
2. Phải hai ngày sau lũ rút, tôi mới lội nước về thăm nhà khi trời chuyển xế chiều. Ba đón tôi ở cổng nhà khi nước vẫn hơn nửa mét với chiếc bánh chưng còn nóng trên tay. Đi trao cứu trợ nhưng tôi chưa kịp ăn gì, giờ lại được chính ba cứu đói bằng chiếc bánh nghĩa tình của đồng bào trong cả nước.
 
Ba nói, đợt mưa lũ này quá lớn, bà con thiệt hại nhiều nhưng cũng nhận được sự đùm bọc, sẻ chia đặc biệt của của người dân cả nước con ạ! Sau này, ba tôi nhẩm tính, gia đình tôi ở vùng “rốn lũ” Lệ Thủy đã nhận được 24 mặt hàng cứu trợ của đồng bào cả nước. Không chỉ là gói cơm, chiếc bánh trợ giúp khi lũ còn dâng cao, hay bao gạo, thùng mì tôm, chai nước, quần áo khi bà con đi sơ tán trở về nhà sau lũ, mà có những thứ được cứu trợ tôi không thể ngờ tới...
 
Này nhé, để sạc điện thoại những ngày lũ lớn mất điện thì có cục sạc dự phòng đầy pin; để nấu nướng thì có bếp cồn và nhiều gói cồn khối ép chân không, hoặc một túi máy lửa ga; để chiếu sáng trong những ngày mất điện có đèn pin đội đầu, đèn cầm tay sử dụng pin tiểu với một túi pin to đi kèm; ngày lũ thiếu thực phẩm thì có nước tương và từng chai muối tiêu ớt gia vị chỉ thấy trong siêu thị; nếu cần vá lại cái áo bị rách thì đã có hộp kim và chỉ đủ màu; còn bị cảm cúm thì có thuốc viên được phân chia loại và ghi rõ thời gian uống bên ngoài mỗi túi, đặc biệt là mỗi nhà còn được tặng thêm một chai tỏi ngâm mật ong rất thơm để ngậm chữa viêm họng hoặc uống giải cảm. 
Thôn Tân Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Bình) yên bình sau lũ lớn.
Thôn Tân Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Bình) yên bình sau lũ lớn.
Trong hai tháng sau lũ, trên các ngã đường về vùng lũ Quảng Bình luôn ken dày xe ô tô các loại, thậm chí có những biển số xe ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây xa xôi mà người quê tôi ít nhìn thấy. Đường không quen thì hỏi, xe quá to không vào được làng thì nhờ tăng-bo hàng hóa, ai cũng nhiệt tình và gắng hết sức mình để được chia sẻ một phần với những mất mát, khó khăn của người dân vùng lũ.
 
Anh Dũng, người quen từ thành phố cảng Hải Phòng gọi điện bảo tôi kết nối để doanh nghiệp anh vào cứu trợ ở Quảng Bình. Hôm đón anh ở Đồng Hới, tôi ngạc nhiên bởi ngoài một xe lớn đầy ắp hàng còn có thêm một xe 16 chỗ chở mấy người. Hỏi, anh kết hợp vừa đi cứu trợ vừa cho anh em đi du lịch à; anh bảo, không phải đâu, anh em đi để bốc vác, trao quà cứu trợ chứ sau lũ bà con ai cũng phải lo dọn dẹp, dựng lại nhà, có nhân công đâu mà giúp mình đưa hàng hóa xuống rồi tổ chức trao nhận. Cách tổ chức trao cứu trợ của doanh nhân này cũng khác, rất nhiều loại hàng hóa, có thứ bà con dùng được ngay nhưng nhiều thứ để dùng dần, ai nhận cũng tấm tắc cảm ơn.
 
3. Chọn ngày hanh nắng, tôi lên Trường Sơn cùng Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhì. Đứng trên mé đường Hồ Chí Minh nhánh Tây phóng tầm mắt ra xa đã thấy thôn Tân Sơn bình yên trong gió, nắng Trường Sơn. Trận lũ qua, Tân Sơn ngập tới mái nhà, bộ đội biên phòng Đồn Làng Mô kịp thời cứu nạn nên người dân an toàn. Nay dòng Long Đại đã xanh trong trở lại, thuyền cô-le ngược xuôi rộn ràng nơi đầu nguồn sông. Vùng bờ bãi rộng lớn bên sông cũng bắt đầu phủ màu xanh. Cuộc sống dần trở lại với xã biên giới Trường Sơn vốn nhiều thiệt hại, cách trở do mưa lũ. Tuy nhiên, khuôn mặt của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhì chưa vui. Anh nói, cái lo nhất bây giờ là ổn định cuộc sống cho 34 hộ dân bản Sắt đang ở tạm do sạt lở, ngập lụt.
 
Bản Sắt chỉ cách nhánh Tây đường Hồ Chí Minh chừng tám cây số nhưng con đường vượt núi vào với bà con rất khó đi. Chiếc xe bán tải gầm lên nhưng bốn bánh cứ quay tròn không sao nhích lên được cũng đủ thấy đường trơn tới mức nào. Không thể đi được ô tô, chúng tôi thuê xe máy của dân bản để vào bản Sắt. Trưởng bản Nguyễn Văn Muôn cho biết, bản định cư bên một thung lũng lòng chảo rất nhiều năm rồi nhưng chưa khi nào bị lụt ngập sâu và lâu như năm nay, cùng với đó là dấu hiệu lở núi có nguy cơ vùi lấp nhà cửa nên toàn bộ 34 hộ được di dời tới nơi an toàn. Đến nay, gần 3 tháng ở tạm trong lán phủ bạt khá ngột ngạt, bà con mong sớm có khu tái định cư để được về ở trong nhà sàn truyền thống.
 
Chủ tịch xã Trường Sơn chia sẻ: “Đất tái định cư đã có, kinh phí xây dựng bước đầu cũng được cấp, cái vướng nhất bây giờ là các thủ tục để bắt tay thực hiện cho nhanh. Trước yêu cầu chính đáng của bà con, lãnh đạo xã quyết tâm có đất ở cho bà con trước Tết Nguyên đán 2021. Vừa rồi, anh em lấy ý kiến, các hộ đều đồng tình với mẫu nhà sàn truyền thống dựng trên khung trụ bê tông và kèo thép, mái lợp tôn xốp chống nóng. Không chỉ là nơi ở mới an toàn mà ngay từ khi quy hoạch và triển khai dự án tái định cư bản Sắt, chúng tôi hướng đến xây dựng thành bản văn hóa kiểu mẫu của xã Trường Sơn”.
 
Rời bản Sắt về xuôi trong chiều muộn, tia nắng hiếm hoi chiếu xiên qua kẽ lá, tôi chợt nghĩ, không biết người dân vùng lũ quê tôi, rồi bà con ở bản Sắt và nhiều nơi trong tỉnh phải di dời nhà cửa vì sạt lở có kịp đón xuân sang? Cuộc sống họ liệu có đủ đầy trong những ngày Tết đến!
 
Như hiểu được tâm trạng của tôi, Chủ tịch xã Trường Sơn nói: “Anh yên tâm, bản Sắt không kịp đến nơi ở mới khi xuân đến nhưng không lo đói ít nhất trong vài tháng tới, nhờ người dân cả nước đã chung tay hỗ trợ bà con từ lương thực, các mặt hàng thiết yếu và tiền mặt. Còn có gạo Chính phủ hỗ trợ nữa, xã đã sửa lại kho để cất giữ rồi phân chia cho bà con dùng dần trong thời gian tới”.
 
Đến đây, tôi chợt nhớ lời ba: “Bà con xóm mình bị thiệt hại nhiều nhưng nhận được sự hỗ trợ không nhỏ, từ đó giúp cho mỗi nhà giải quyết khó khăn trước mắt, còn lâu dài, đồng ruộng với lượng phù sa bồi đắp dày sẽ mang lại mùa vụ bội thu để dựng lại cuộc sống bình thường. Còn người là còn của, còn chồi sẽ nảy cây, con ạ!”.
 
Hoàng Phúc