Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thành phố xanh bên bờ biển biếc

  • 16:44 | Thứ Ba, 23/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một đô thị trẻ với nhiều tiềm năng, TP. Đồng Hới hội đủ các yếu tố để phát triển theo hướng đô thị biển - trung tâm kinh tế và du lịch. Dù giấc mơ trở thành đô thị động lực như một số thành phố biển vẫn còn xa, nhưng Quảng Bình đã và đang nỗ lực xây dựng đô thị xanh bằng những kế hoạch cụ thể, trong đó có việc quy hoạch và trồng cây xanh ven biển, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
 
Chuyện của rừng phi lao
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ'' và sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, Quảng Bình sẽ trồng, chăm sóc hiệu quả và tiếp tục làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về lợi ích to lớn và giá trị nhân văn của việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng.  

Là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng trên 68%, xếp thứ hai cả nước, trong chiến lược phát triển, bên cạnh mục tiêu duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, Quảng Bình đồng thời chú trọng phát triển các khoảng xanh trong đô thị biển mà TP. Đồng Hới là một trong những địa chỉ được quan tâm chú trọng.

Đường Trương Pháp và đường Võ Nguyên Giáp là hai trục đường ven biển tập trung hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của thành phố Đồng Hới. Nếu trục đường Trương Pháp hình thành và phát triển sớm với tốc độ trung bình, thì trục đường Võ Nguyên Giáp, được quy hoạch sau, nhưng với lợi thế đồng bộ, hiện đại, đã có sự bứt phá mạnh mẽ với sự có mặt của nhiều dự án lớn. Trước tốc độ phát triển đó, không ít người lo lắng cho không gian xanh của đô thị, nhất là trên hai trục đường ven biển này. 
 
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát động  "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” (ảnh Nguyễn Hoàng)
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” (ảnh Nguyễn Hoàng)
Ông Phạm Anh Dũng, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới cho rằng, những năm qua, tình trạng cây phi lao, loại cây phù hợp với vùng cát ven biển, có thể chống nạn cát bay, cát lấp và sự xâm thực của biển, bị “chảy máu” là nỗi quan tâm lo lắng của nhiều người. Nhiều khu rừng phi lao đã biến mất bởi các dự án du lịch, đây là sự mất mát lớn khi phải trải qua rất nhiều thời gian và khó khăn, vất vả chúng ta mới có được những rừng phi lao xanh ven biển.
 
“Không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, xét về yếu tố hấp dẫn đối với du khách, đi dạo ven biển, dưới tán rừng phi lao rì rào hòa lẫn tiếng sóng, tôi tin du khách sẽ cảm thấy thú vị hơn rất nhiều so với việc đi dạo giữa những tòa nhà, con đường bê tông. Rừng phi lao ven biển cũng là đặc trưng của Quảng Bình, càng đặc biệt hơn khi nó mang dấu ấn của những con người cụ thể như mẹ Nghèng, người mà chúng ta tri ân và rất đỗi tự hào!”.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (TX. Ba Đồn) cũng chia sẻ, việc tiếp nối mẹ Nghèng để nối dài những cánh rừng phi lao trên cát trắng là hết sức thiết thực để tái tạo những cánh rừng, mang lại không gian xanh ven biển, trong đó có TP. Đồng Hới, đô thị trung tâm của tỉnh. Quá trình quy hoạch các khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển cần phải cân nhắc để giữ nguyên những diện tích rừng nói chung, rừng phi lao nói riêng. Nếu không nỗ lực gìn giữ và phát triển, để tình trạng “chảy máu” rừng phi lao tiếp diễn, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả giá.
Tuyến đường Trương Pháp dọc biển Nhật Lệ, nơi tập trung nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng của TP. Đồng Hới đang được đầu tư trồng cây xanh.
Tuyến đường Trương Pháp dọc biển Nhật Lệ, nơi tập trung nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng của TP. Đồng Hới đang được đầu tư trồng cây xanh.
Để tái tạo và phát triển cây xanh đô thị, theo ông Phạm Anh Dũng, tỉnh cần có các chính sách chặt chẽ, phù hợp như quy định tỷ lệ trồng cây xanh ở mức 30%. Các dự án chỉ được cấp phép khi bảo đảm tỷ lệ đất trồng cây xanh và thực hiện đúng quy hoạch. Đối với các dự án phân lô bán nền, ngoài quy hoạch công viên làm khu điều hòa, cần bổ sung 30% diện tích trồng cây xanh vào diện tích đất nền và yêu cầu cá nhân sở hữu phải cam kết dùng diện tích này để trồng cây.
 
Với các khu du lịch, nghỉ dưỡng, một cây bị chặt bỏ, chủ đầu tư sẽ phải trồng lại một cây thay thế, có thể lựa chọn vị trí trồng cây phù hợp. Việc tái tạo rừng phi lao ven biển cũng có thể áp dụng theo cách này và cần có sự kiểm soát về số lượng cây sống đúng theo quy định trước khi cấp phép.
 
“Để TP. Đồng Hới phát triển bền vững và mang một dáng vóc riêng biệt, tỉnh cũng cần cân nhắc quy hoạch bảo đảm thông thoáng về phía biển tại những khu vực phù hợp thuộc tuyến đường Trương Pháp và Võ Nguyên Giáp, để nối dài những rừng phi lao thay vì xen kẽ hàng quán như bây giờ!”
 
“Cho biển - rừng liền nhau”
Một góc TP. Đồng Hới, nơi  "biển - rừng liền nhau " (ảnh Diệp Đồng).
Một góc TP. Đồng Hới, nơi "biển - rừng liền nhau" (ảnh Diệp Đồng).
Tháng 11-2020, khi kiểm tra các dự án thương mại, khu đô thị trên địa bàn TP. Đồng Hới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã gợi mở về định hướng phát triển của đô thị gắn với việc xây dựng các công viên theo mô hình “rừng trong thành phố” để bảo đảm không gian xanh cho đô thị. Phát triển TP. Đồng Hới theo mô hình này cũng chính là thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Nghị quyết số 36 được xem là bản tuyên ngôn cho quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển”. Để đạt được những mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 36 là đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; tầm nhìn 2045 là quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, theo đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ: “Ngay từ bây giờ, Quảng Bình phải chú trọng thực hiện các nguyên tắc phát triển đô thị nói chung, đô thị biển nói riêng. Dải đất ven biển là tài nguyên hữu hạn nên quá trình quy hoạch và sử dụng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của cộng đồng với những không gian mở ra biển hợp lý, duy trì nhiều công viên, các rừng cây ven biển vì lợi ích lâu dài cho đô thị biển”.
 "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với gần 8.000 cây phi lao được trồng tại rừng cát Quang Phú (ảnh Nguyễn Hoàng)
"Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với gần 8.000 cây phi lao được trồng tại rừng cát Quang Phú (ảnh Nguyễn Hoàng)
Với quyết tâm đó, phát triển rừng phi lao ven biển là một trong những kế hoạch Quảng Bình chọn triển khai mở đầu để hưởng ứng sáng kiến trồng 5 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong giai đoạn 2021-2025. Vào ngày 18-2-2021, tức mùng 7 Tết, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng 400 cán bộ và nhân dân đã tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại biển Quang Phú. Tại đây, gần 8.000 cây phi lao đã được trồng trên đồi cát, như năm xưa mẹ Nghèng và chị em phụ nữ Quang Phú đã từng trồng.
 
Phát biểu tại Tết trồng cây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và điều đó đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia. Từ đó, việc trồng cây, trồng rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Thay vì những hoạt động ồn ào như trồng cây cổ thụ rồi gắn biển tên rình rang, hình thức, bị dư luận nhân dân phàn nàn, việc Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Bộ Nông nghiệp-PTNT, cán bộ lãnh đạo tỉnh và cơ quan, đoàn thể, nhân dân Quảng Bình nâng niu những cây phi lao nhỏ trồng trên rừng cát trắng ven biển là việc làm rất ý nghĩa, thiết thực. Tôi tin với tư duy ấy, với cách làm ấy, những rừng phi lao mẹ Nghèng sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển để TP. Đồng Hới nói riêng, Quảng Bình nói chung sẽ có thêm nhiều những khu rừng trong thành phố cho thế hệ tương lai!

Mùa xuân này, phi lao đã được trồng trên biển Quang Phú, nối dài rừng phi lao mẹ Nghèng. Cùng thời điểm, các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã hoàn thành việc trồng gần 530.000 cây, trong đó cây lâm nghiệp là gần 490.000. Tiếp đó, chiều 21-2, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quang Phú trồng mới 1.000 cây phi lao trên đồi cát.

“Noi gương mẹ Nghèng, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc rừng phi lao để chắn cát, chắn sóng gió cho làng quê, để mai này thế hệ con cháu được hưởng lợi!”, chị Đinh Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Phú chia sẻ.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, năm 2021, tỉnh sẽ trồng 9.000ha rừng, tương đương với 18 triệu cây xanh. Duy trì kế hoạch này trong những năm tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước với khoảng 90 triệu cây xanh được trồng mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thiết thực hưởng ứng sáng kiến trồng 5 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Và TP. Đồng Hới, với diện tích rừng phi lao đang được mở rộng, phát triển, sẽ là đô thị điểm nhấn, niềm tự hào của người dân Quảng Bình, giữ gìn không gian xanh cho thế hệ mai sau!
 
Diệp Đồng