Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Lên đời" cho nông dân

  • 07:52 | Chủ Nhật, 10/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch cũ) “ra riêng” để trở thành thị xã bên dòng Linh Giang, thì huyện Quảng Trạch cũng bắt tay quy hoạch trung tâm huyện lỵ; đồng thời, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp kết hợp du lịch với quyết tâm thay đổi diện mạo quê hương. Bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có, người nông dân Quảng Trạch đã và đang được “lên đời”...
 
Quảng Đông, một xã nghèo nằm ở điểm đầu trên con đường thiên lý Bắc-Nam của huyện Quảng Trạch. Cách đây chưa lâu, mỗi khi nhắc đến vùng đất này, người ta hình dung ngay đến những tuyến đường giao thông ghồ ghề, sình lầy trong mùa mưa và mù mịt bụi trong ngày nắng; những ngôi nhà cấp 4 đã cũ, học sinh bỏ học giữa chừng, an ninh trật tự phức tạp. Đời sống người dân khó khăn bởi cây lúa, vườn rau chẳng thể giúp họ tạo đột phá... và đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trong huyện.
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh trăn trở, muốn kinh tế Quảng Trạch phát triển bền vững phải kết hợp đầu tư phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn có cơ sở. Bằng chứng là sự tồn tại của Khu công nghiệp cảng biển Hòn La với hàng chục nhà máy, công xưởng đang hoạt động. Những nhà máy này đã “lên đời công nhân” cho hơn một nghìn lao động nông thôn của huyện Quảng Trạch từ nhiều năm qua. Và sắp tới đây, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 khởi công, đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ dân xã Quảng Đông.
 
Hệ thống hạ tầng đường giao thông xã Quảng Đông đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi có sự hiện diện của Khu Công nghiệp Hòn La.
Hệ thống hạ tầng đường giao thông xã Quảng Đông đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi có sự hiện diện của Khu Công nghiệp Hòn La.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 2, đơn vị chủ đầu tư dự án chia sẻ: "Bằng việc xây dựng khu tái định cư sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng nhà máy, hàng trăm hộ dân xã Quảng Đông đã và đang được sống trong những ngôi nhà khang trang với hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt được đầu tư quy hoạch, xây dựng bài bản. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đây là sự đổi thay tích cực mà cách đây chưa lâu, nhiều người, thậm chí nhiều vị lãnh đạo huyện không dám nghĩ đến".
 
Nếu như trước đây, vào thời điểm nông nhàn, người nông dân Quảng Trạch phải kiếm việc làm thêm ở các tỉnh phía Nam thì nay đã có thể trở thành công nhân ngay trên chính quê hương của họ. 
Từ xuất phát điểm không có việc làm, nhiều nông dân xã Quảng Đông đã trở thành công nhân lao động với thu nhập ổn định.
Từ xuất phát điểm không có việc làm, nhiều nông dân xã Quảng Đông đã trở thành công nhân lao động với thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thùy Trang ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông tâm sự: “Tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghệ thông tin, Đại học Đà Nẵng, em từng phải tìm việc, làm thu ngân cho các quán ăn, nhà hàng tại TP. Đà Nẵng trong nhiều năm nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Đã thế, em còn phải trang trải tiền ăn uống, tàu xe mỗi lần về quê dịp lễ, tết, rồi tiền thuê trọ..., nên hầu như không có chuyện dư giả. Cách đây 3 năm, khi nghe tin có một doanh nghiệp tại địa phương tuyển kế toán, em đã mạnh dạn nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc… Bây giờ, như anh thấy, em đã có cuộc sống ổn định ngay tại quê hương mình với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng”.
 
Ông Trần Xuân Tới, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư An Lộc Thịnh có trụ sở tại thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông cho biết, để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn, đơn vị đã tuyển dụng hơn 70 công nhân lao động tại địa phương. Có những thời điểm, để đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình, đơn vị ký hợp đồng với hơn 200 lao động khác của huyện Quảng Trạch. Và như thế, cơ hội trở thành công nhân của người nông dân Quảng Trạch luôn rộng mở…
 
Không chỉ giúp nông dân trở thành công nhân, sự hiện diện của Khu công nghiệp cảng biển Hòn La còn góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người dân Quảng Trạch bởi nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của hàng nghìn lao động đang làm việc tại đây là rất lớn.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Đinh Văn Hoàng trong một lần gặp gỡ chúng tôi đã nói vui rằng: “Từ khi có Khu công nghiệp cảng biển Hòn La và tiếp đến là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, thanh niên nam nữ trong xã có vẻ chững chạc hơn hẳn. Dĩ nhiên rồi, vì đội ngũ lao động trẻ của địa phương đã bận rộn với việc làm khi trở thành công nhân, không có chỗ cho những tệ nạn xã hội hay thói hư lêu lổng, rượu chè thường thấy trước đây!”.
Người dân xã Quảng Đông được sống trong những ngôi nhà mới khang trang với hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt được đầu tư đồng bộ.
Người dân xã Quảng Đông được sống trong những ngôi nhà mới khang trang với hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt được đầu tư đồng bộ.
Nếu như sự hiện diện của Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch hay Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 giúp nông dân trở thành “công nhân chính hiệu” thì tiềm năng phát triển du lịch-dịch vụ sẽ giúp nông dân Quảng Trạch trở thành những ông chủ, bà chủ. Điều này hoàn toàn có lý bởi ngành “công nghiệp không khói” đã và đang tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách thập phương trong mỗi lần đến.
 
Bây giờ, nhắc đến Quảng Trạch, du khách sẽ ấn tượng với tên gọi những địa danh: khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Hoành Sơn Quan… Rồi đây, trong tương lai không xa nữa, một loạt khu du lịch trọng điểm sẽ tiếp tục được đầu tư, như: Vũng Chùa-Đảo Yến gắn với phát huy lợi thế của cụm di tích Hoành Sơn Quan, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, suối Tam Cấp ở xã Quảng Kim, làng Bích họa Cảnh Dương…
 
Dĩ nhiên, phát triển du lịch thì địa phương, người dân phải đầu tư mở rộng các loại hình dịch vụ để phục vụ du lịch. Khi ấy, tất yếu họ sẽ thành ông chủ, bà chủ của các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở mua sắm…

Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Nguyễn Xuân Đạt cho biết: “Để khai thác tiềm năng to lớn của ngành “công nghiệp không khói” này, Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “phát triển dịch vụ, du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Như vậy, có thể thấy, tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch của huyện đã và đang được đánh thức mạnh mẽ. Cùng với đó là chính sách kêu gọi đầu tư hợp lý để tiếp tục xây dựng, hình thành các cụm công nghiệp làng nghề nhằm khai thác tối đa thế mạnh của địa phương. Từ việc hoàn thành quy hoạch các điểm du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh để tạo một vành đai khép kín nối liền các tour du lịch phía Bắc với phía Nam tỉnh Quảng Bình, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa nữa, Quảng Trạch sẽ là điểm dừng chân thú vị của du khách trên con đường thiên lý Bắc-Nam”.
 
Với quyết tâm chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Trạch, tin tưởng rằng, khi tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương được khai thác hợp lý sẽ như một luồng gió mới thổi vào mảnh đất, con người nơi đây, làm thay đổi nhận thức phát triển kinh tế để “vẽ” nên bức tranh mang nhiều gam màu sáng.
 
Nguyễn Hoàng